Bối cảnh tái cơ cấu DNNN
Trước bối cảnh suy giảm và bất ổn vĩ mô trong các năm 2010 - 2011, Chính phủ đã hoàn thiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Một trong những trọng tâm của Đề án này là tái cơ cấu khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Sự cần thiết phải triển khai đề án tái cơ cấu DNNN xuất phát từ việc khu vực này nắm một nguồn lực rất lớn trong nền kinh tế nhưng kết quả hoạt động kém, chưa như kỳ vọng. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu DNNN, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản và đã phê duyệt 100/101 phương án sắp xếp, đổi mới DN thuộc các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011 - 2015.
Để đánh giá một cách khách quan về những kết quả cũng như những tồn tại, cần phải nghiên cứu tổng kết quá trình tái cơ cấu DNNN do Chính phủ đề xuất từ năm 2011 đến nay để tìm ra những mặt được và chưa được, từ đó đề xuất những giải pháp thiết thực nhằm đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN.
Theo đó, 3 nội dung được tập trung làm rõ là: (i) Đẩy mạnh cổ phần hóa (CPH) để thu hẹp khu vực DNNN; (ii) các DNNN thoái vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh mà DNNN không cần nắm giữ; (iii) nâng cao năng lực quản trị tại các DNNN.
Đánh giá tác động kinh tế - xã hội của cổ phần hóa DNNN
- Giai đoạn trước năm 2001: Năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 143/HĐBT lựa chọn một số DN nhỏ và vừa để thử nghiệm chuyển đổi thành mô hình công ty cổ phần. Kết quả trong các năm 1990 - 1991 là 2 DN được CPH.
Chính phủ quyết định tiến hành thí điểm CPH ở quy mô rộng hơn từ năm 1996. Trong 2 năm 1996 - 1997, 25 DNNN được chuyển thành công ty cổ phần. Tính đến năm 2001, 548 DNNN đã được CPH.
- Giai đoạn 2001-2010: Tiến trình cải cách DNNN bằng các biện pháp sắp xếp lại, CPH, giao, bán, khoán, cho thuê DN vẫn diễn ra tương đối chậm. Tính đến cuối năm 2010, Việt Nam mới sắp xếp được 5.846 DNNN và bộ phận DNNN, trong đó đã CPH 3.944 DN.
Sau khi chuyển đổi mô hình, nhiều DN đã kinh doanh có hiệu quả, thể hiện cả trên 3 phương diện: (i) Chỉ tiêu tài chính; (ii) mức độ thỏa mãn của khách hàng; (iii) mức độ thỏa mãn của người lao động. Tuy nhiên, thực tế triển khai quá trình CPH vẫn còn nhiều vấn đề hạn chế. Đội ngũ lãnh đạo của DN hậu CPH hầu như rất ít thay đổi so với thời điểm trước CPH, do đó, không giúp tăng đáng kể chất lượng của các quyết định về tài chính, sản xuất – kinh doanh và nhân sự. Xuất hiện tình trạng “lựa chọn ngược”: Các nhà đầu tư của khu vực tư nhân chỉ quan tâm đến các DN hoặc bộ phận DN có tiềm năng phát triển hậu CPH hoặc được định giá thấp so với giá trị thực.
- Giai đoạn từ 2011 đến nay: Trong giai đoạn này, các chủ trương chính sách, văn bản pháp lý về CPH các DNNN đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 26 nghị định, 11 quyết định, chỉ thị liên quan đến CPH DNNN. Quá trình CPH DNNN nói riêng và chuyển đổi DNNN nói chung từ năm 2011 đã có những động lực và thay đổi lớn.
Nhìn chung, trong giai đoạn này, quá trình CPH DNNN đã có chuyển biến đáng kể, nhất là tổng lợi nhuận toàn khối DNNN có xu hướng tăng lên. Trong 3 năm 2011 - 2013, cả nước đã sắp xếp được 180 DN, trong đó CPH 99 DN với số cổ phần chào bán giá trị gần 19.000 tỷ đồng.
Mặc dù, số lượng DNNN đã giảm xuống, cơ cấu tài sản và vốn chủ sở hữu tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, quy mô nợ ở các tập đoàn, tổng công ty nhà nước vẫn rất cao, quá trình tái cơ cấu DNNN diễn ra chậm chạp, các vấn đề đối với quá trình CPH DNNN trong giai đoạn 2001 - 2010 vẫn chưa được giải quyết trong giai đoạn 2011-2013. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn đầu tư của các tập đoàn ra ngoài ngành khá thấp - dưới 7%, thậm chí bị thua lỗ kéo dài.
Bước sang năm 2014, có sự thay đổi rõ rệt và mạnh mẽ trong động thái CPH DNNN. Với cách tiếp cận phải đặt quá trình tái cơ cấu trên nền tảng các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường, Chính phủ đã tỏ ra quyết liệt hơn trong việc đẩy mạnh chương trình CPH DNNN, coi đây là hướng ưu tiên trong 3 trục chính của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế.
Trong 10 tháng đầu năm 2014, cả nước đã sắp xếp được 119 DN, trong đó CPH 100 DN, bán 1 DN, sáp nhập 15 DN và đề nghị phá sản 3 DN. Theo kế hoạch đến cuối năm 2014, sẽ có khoảng 200 DN được CPH và cuối quý III/2015, toàn bộ DN được phê duyệt phương án CPH để tiến hành bán cổ phần lần đầu.
Động thái ban đầu của nỗ lực vượt qua thách thức này đã cho thấy tính đúng hướng, đúng cách. Việc gắn trách nhiệm cá nhân của lãnh đạo DNNN với kết quả CPH DN đang tạo ra áp lực và động lực khá mạnh, để thúc đẩy quá trình này nhanh chóng và hiệu quả hơn trong quãng thời gian còn lại.
Đánh giá mức độ đạt được và tác động của quá trình thoái vốn
Mức độ đạt được:
Dựa trên kế hoạch thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN được Chính phủ đặt ra vào cuối năm 2011 thì việc đến hết tháng 10/2014 mới thoái được trên 4,4 nghìn tỷ đồng, khoảng 23% lượng vốn đầu tư ngoài ngành so với yêu cầu đến năm 2015 là trên 21 nghìn tỷ đồng, kết quả này cho thấy quá trình thoái vốn vẫn chưa đạt yêu cầu. Quá trình thoái vốn hiện tại về cơ bản vẫn là việc các DNNN chuyển phần vốn đầu tư ngoài ngành của mình sang cho các DNNN khác.
Như vậy, với kết quả đã đạt được so với nhiệm vụ đặt ra thì nhiệm vụ từ nay đến năm 2015 là hết sức nặng nếu không có quyết tâm lớn thì sẽ không cán được đích đề ra, hoặc nếu đạt được thì sẽ ở dạng thoái vốn nội bộ khu vực DNNN và khi đó lại tạo gánh nặng cho quá trình CPH DNNN.
Tác động kinh tế của quá trình thoái vốn:
Có thể nói, quá trình thoái vốn hầu như không ảnh hưởng đến tổng thể nền kinh tế như tăng trưởng GDP, cán cân ngân sách, cán cân thanh toán, thu hút đầu tư nước ngoài, mặt bằng lãi suất và tỷ giá. Do việc thoái vốn đa phần diễn ra trong nội bộ của khu vực DNNN nên xét về tổng thể, hoạt động này cũng không tác động gì đến tình hình nợ công tại khu vực DNNN. Không tác động tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh, ngược lại nó có tác động tích cực đến giá cổ phiếu của DN bị thoái vốn.
Các điểm nghẽn trong quá trình cổ phần hóa:
Trong thời gian qua, quá trình thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các DNNN diễn ra chậm. Nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu là do thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… giảm sút, khiến cho việc thoái vốn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, yêu cầu bảo toàn vốn Nhà nước khi thoái vốn cũng là lý do khiến các DNNN mới chỉ thoái được vốn tại các công ty làm ăn tốt, còn với các DN kinh doanh thua lỗ, việc thoái vốn rất gian nan.
Điều 21, Nghị định 58/2012/NĐ-CP ngày 20/7/2012, yêu cầu hoạt động kinh doanh của năm liền kề trước năm đăng ký chào bán phải có lãi, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán gây khó khăn cho việc thoái vốn.
Trở ngại thứ nhất cho việc cải tiến mô hình quản trị DNNN theo hướng hiện đại, có lẽ là nỗi e sợ mất công cụ kiểm soát ngành hoặc thị trường, khi các bộ từ bỏ chức năng bộ chủ quản. Với các địa phương, việc trả các DNNN về cho Trung ương có thể dẫn đến mất nguồn đóng góp cho ngân sách địa phương, cũng như mất đi công cụ và nguồn tài chính để thực hiện một số chính sách phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trở ngại thứ hai, hoạt động quản trị DN chưa cho thấy tính mới, sáng tạo và khoa học. Nguyên nhân là do bộ máy quản lý của DN phần lớn vẫn là các cá nhân cũ với tư tưởng cũ. Bên cạnh đó, các DN chưa có thói quen thuê chuyên gia tư vấn quản trị, thuê những người quản lý có tài năng nên đã phần nào làm giảm sức sáng tạo, tính tư duy và khách quan trong hoạt động điều hành DN nhất là đối với các hoạt động quản trị cơ bản như quản trị chiến lược, quản trị tài chính và quản trị nhân sự.
Trở ngại thứ ba, Chính phủ vẫn chưa rõ ràng được chức năng quản giám của những người đại diện trực tiếp vốn chủ sở hữu nhà nước tại DN và chức năng quản lý của những người điều hành DNNN. Đội ngũ quản lý của các DNNN cần được hưởng thu nhập tương đương với trách nhiệm quản lý của họ.
Trở ngại thứ tư, việc triển khai tái cơ cấu DNNN chưa phân tích, xác định được cụ thể những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của từng DN, qua đó có giải pháp tái cơ cấu, phát triển DN mà chủ yếu theo hình thức chuyển giao, sắp xếp tổ chức lại trong nội bộ tập đoàn, tổng công ty hoặc giữa các DNNN. Chưa xem xét, xử lý một số DN chần chừ trong quá trình triển khai tái cơ cấu để làm gương và tạo áp lực buộc các DNNN đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc DN.
Trở ngại thứ năm, các hình thức sắp xếp như giao, bán, chuyển đổi, tổ chức lại, giải thể DN còn gặp khó khăn, chưa phát huy hiệu quả. Chưa thật sự đổi mới về cơ chế quản lý, phương thức tổ chức sản xuất - kinh doanh khi chuyển qua mô hình mới. Vẫn còn nhiều DN quy mô vốn chủ sở hữu nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu.
Từ 2011 đến nay, các chủ trương, chính sách, văn bản pháp lý về CPH các DNNN đã được sửa đổi, bổ sung khá nhiều. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 26 nghị định, 11 quyết định, chỉ thị liên quan đến CPH DNNN. Quá trình CPH DNNN nói riêng và chuyển đổi DNNN nói chung từ năm 2011 đã có những động lực và thay đổi lớn.
Giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu DNNN
Để đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN trong giai đoạn tới, cần tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 nhóm giải pháp sau:
Thứ nhất, thúc đẩy quá trình CPH:
Trước hết là phải xác định được tư duy về vai trò của kinh tế nhà nước và DNNN trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. DNNN chỉ hoạt động trong những lĩnh vực mà khu vực tư nhân không muốn làm (ngay cả khi không có DNNN). Ngay cả với các lĩnh vực này, Chính phủ có thể cân nhắc mua các dịch vụ tương tự từ các nhà cung ứng của khu vực tư nhân.
Mục tiêu, tiến độ CPH cũng cần được điều chỉnh. Điểm quan trọng nhất là CPH phải hướng tới nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN nhằm góp phần tăng cường chất lượng hàng hóa, dịch vụ cho nền kinh tế, qua đó thúc đẩy quá trình cải thiện năng lực cạnh tranh và tái cơ cấu nền kinh tế nói chung.
Thứ hai, thúc đẩy quá trình thoái vốn ngoài ngành:
Cản trở lớn nhất trước đây là yêu cầu thoái vốn nhưng “phải bảo toàn phần vốn và tài sản của Nhà nước”. Với Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ, rào cản này đã được tháo gỡ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg về một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán của DNNN nhằm mục đích pháp quy hóa, hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-CP. Quyết định số 51/2014/QĐ-TTg có nhiều điểm mới nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thoái vốn tại các DNNN.
Vấn đề đặt ra là liệu DNNN có quyết tâm làm theo đúng kế hoạch hay không. Để giải quyết vấn đề này, các DNNN cần lên kế hoạch rõ ràng về quy trình thoái vốn: Thời điểm nào thì định giá xong, thời điểm nào thì các cơ quan có thẩm quyền phải phê duyệt, thời điểm nào thì đưa ra bán đầu giá, nếu không đấu giá thành công thì phần vốn nhà nước sẽ chuyển về cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) như thế nào…
Bộ Tài chính hoặc cơ quan chịu trách nhiệm về tiến độ thoái vốn nên lập một website công khai kế hoạch thoái vốn tại các DNNN. Đây sẽ là cơ sở để người dân theo dõi và giám sát cũng như chủ động vào việc tham gia đấu giá DN.
Thứ ba, cải tiến mô hình quản trị tại các DNNN:
Cần mạnh dạn đổi mới tư duy về quản trị DNNN. Chính phủ nên thuyết phục từ bỏ chức năng đại diện quyền chủ sở hữu của các bộ/ngành và địa phương sẽ giúp cho họ tập trung và chuyên môn hoá nhiều hơn vào việc xây dựng các chính sách quản lý và giám sát.
Cần xây dựng và ban hành một văn bản quy định rõ ràng hai loại vị trí người quản lý giám sát là người phải vì lợi ích công và đại diện tham gia quản trị DNNN để hướng DNNN theo đuổi đúng các tôn chỉ lợi ích công; người quản lý là người được hội đồng quản trị DNNN thuê để điều hành DNNN hiệu quả theo những mục tiêu mà hội đồng quản trị đề ra.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Các “điểm nghẽn” và giải pháp thúc đẩy
(Tài chính) Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong 3 trụ cột trong tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng quá trình tái cơ cấu loại hình doanh nghiệp này hiện nay vẫn còn diễn ra chậm, kết quả đạt được còn hạn chế. Nguyên nhân là do những điểm nghẽn, những khó khăn vướng mắc về cơ chế, chính sách và trong chính nội tại các doanh nghiệp chưa được giải quyết.
Xem thêm