Những điểm sáng đáng ghi nhận
Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2015 đang bước vào chặng nước rút, nhiệm vụ còn lại là hết sức nặng nề trong giai đoạn cuối. Bởi vậy, những kết quả tái cơ cấu DNNN của ngành Giao thông Vận tải đạt được rất có ý nghĩa, nó không chỉ dừng lại ở số DN đã hoàn thành tái cơ cấu mà còn là bài học kinh nghiệm chung cho các bộ, ngành, địa phương và DNNN.
Tính đến tháng 1/2011, Bộ Giao thông Vận tải có 94 DN 100% vốn nhà nước; trong đó, có 4 DN do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập là: Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, còn lại 90 DN do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quyết định thành lập, gồm: 15 tổng công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; 30 công ty do các công ty mẹ - tổng công ty sở hữu 100% vốn điều lệ; 3 công ty thuộc các trường đại học; 5 công ty thuộc Bộ; 13 công ty thuộc Cục Hàng hải Việt Nam; 24 DN thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Các DN thuộc Bộ Giao thông Vận tải giai đoạn này gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hệ số nợ phải trả/vốn điều lệ cao vượt so với quy định (có DN lên đến 10 lần). Một số DN đã đầu tư, mở rộng quá nhanh, trong khi trình độ quản trị DN còn yếu kém dẫn đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp, thất thoát vốn nhà nước, đứng bên bờ vực phá sản. Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Giao thông Vận tải xác định, cổ phần hóa (CPH) là con đường duy nhất và là bước đột phá để đổi mới cơ chế quản lý, huy động vốn từ các cổ đông, giảm tỷ trọng nợ vay, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Do vậy, trong 3 năm qua, Bộ đã quyết liệt đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu DNNN, bước đầu mang lại nhiều kết quả rất khả quan.
Từ năm 2011 - 2013, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai thực hiện CPH 54 DN; trong đó, năm 2011 CPH 7 DN; năm 2012 CPH 3 DN và năm 2013, CPH 44 DN. Theo lộ trình giai đoạn 2014 - 2015, Bộ Giao thông Vận tải thực hiện CPH toàn bộ các DNNN còn lại mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn. Kế hoạch đặt ra năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải CPH 27 DN, đơn vị sự nghiệp, gồm: 3 DN thuộc Bộ (trong đó CPH Công ty mẹ - Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Nhà nước nắm giữ trên 75% vốn điều lệ), 10 DN thuộc các tổng công ty, 2 DN thuộc các trường đại học và 10 Đoạn Quản lý đường sông thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; CPH toàn bộ các DN vận tải đường sắt; hoàn thành CPH các DN cảng biển còn lại; thí điểm CPH Bệnh viện Giao thông Vận tải Trung ương I; CPH Công ty mẹ -Tổng công ty Hàng hải Việt Nam và Công ty mẹ -Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.
Bên cạnh việc đẩy mạnh thực hiện CPH theo đúng kế hoạch đề ra, thời gian qua, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tập trung thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các DN trong Ngành. Theo đó, Bộ đã tiến hành chuyển 10 DN thuộc Cục Hàng hải Việt Nam về Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và miền Nam; Chuyển 24 DN từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam về các Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 1, 4, 5, 6 và Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long; Chuyển Công ty Vận tải và Xếp dỡ đường thủy nội địa (DN thuộc Bộ) về làm đơn vị thành viên của Tổng công ty Vận tải thủy; Hợp nhất 03 Tổng công ty Cảng hàng không thành 01 tổng công ty; phá sản 02 DN; giải thể 01 DN; thành lập mới 09 DN.
Ngoài những chuyển biến tích cực trên, trong thời gian qua, dư luận cũng đánh giá cao việc thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) của Bộ Giao thông Vận tải.
Vinashin đã mất hoàn toàn vốn chủ sở hữu, không còn vốn để hoạt động sản xuất, kinh doanh; dư nợ vay lớn, tiếp tục gia tăng do chi phí lãi vay và chênh lệch tỷ giá; kinh doanh thua lỗ, công nợ và xử lý nợ khó khăn. Để Vinashin thoát khỏi tình trạng khó khăn, nợ nần phải thực hiện tái cơ cấu. Theo quyết định của Chính phủ, Vinashin phải tái cơ cấu với 216 công ty con, công ty cháu và thực hiện chuyển đổi thành Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). Việc từ Tập đoàn chuyển thành Tổng công ty trên cơ sở tổ chức lại công ty mẹ và một số đơn vị thành viên của Vinashin, hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Công ty mẹ SBIC là Công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, tại thời điểm thành lập có vốn điều lệ hơn 9.500 tỷ đồng, với khoảng 8.000 lao động, tập trung vào các ngành, nghề chính như đóng mới tàu thủy, thiết bị và phương tiện nổi, sửa chữa, hoán cải tàu thủy...
Trên cơ sở quyết định tái cơ cấu Vinashin, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai thực hiện mạnh mẽ nhiều biện pháp để nhanh chóng đưa DN này trở lại hoạt động. Đến nay, Vinashin đã hoàn thiện bàn giao 42 tàu xuất khẩu, thu về hơn 5.000 tỷ đồng, trả nợ ngân hàng gần 3.000 tỷ đồng. Ðồng thời, hoàn thiện 16 tàu chờ bán để giảm thiệt hại với giá trị thu về dự kiến gần 5.200 tỷ đồng, giảm thiệt hại hơn 2.000 tỷ đồng. Nếu không thực hiện tái cơ cấu, Vinashin sẽ thiệt hại khoảng 10 nghìn tỷ đồng đối với các sản phẩm dở dang. Mặt khác, Bộ đã đẩy mạnh thực hiện sắp xếp được 52 DN trong tổng số 216 DN không giữ lại trong mô hình tập đoàn. Đặc biệt, đã giảm áp lực trước khoản nợ đối với các tổ chức tín dụng trong nước từng gây tranh cãi và quan ngại lớn khi mới đây, Vinashin với tên gọi mới SBIC cùng Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và các tổ chức tín dụng đã hoàn thành việc tái cơ cấu nợ giai đoạn 1 (đối với số nợ gốc gần 11.540 tỷ đồng) theo hình thức phát hành trái phiếu hoán đổi nợ, kỳ hạn 10 năm, lãi suất 8,9%/năm. Với việc thực hiện phương án này đã giúp SBIC giảm nợ gốc và lãi hơn 13.000 tỷ đồng, khoản nợ này sau tái cơ cấu còn 3.462 tỷ đồng, sẽ trả một lần sau 10 năm (năm 2023). Với khoản nợ 600 triệu USD mà Vinashin vay các tổ chức tín dụng nước ngoài, tháng 10/2013, Vinashin và DATC cũng đã hoàn thành việc phát hành trái phiếu DN có bảo lãnh của Chính phủ trên thị trường Singapore. Qua đó, quy về giá trị hiện tại thuần tương đương khoảng 48% nợ gốc, giảm 25% nghĩa vụ nợ so với phương án phải thanh toán ngay toàn bộ khoản nợ nếu không thực hiện tái cơ cấu. Khoản nhận nợ bắt buộc với các chủ tàu do hủy hợp đồng và các khoản vay khác, trong đó nghĩa vụ nợ có thể đàm phán giảm nợ với các chủ nợ nước ngoài khoảng 135 triệu USD, SBIC đã hoàn thành cơ cấu nợ tương đương 112 triệu USD, với điều kiện mua lại nợ bình quân khoảng 30% khoản nợ gốc. Phương án này giảm khoảng 85 triệu USD, tương đương 1.704 tỷ đồng. Sau tái cơ cấu tài chính, các khoản nợ của SBIC cơ bản sẽ được giảm nợ, xóa lãi, giảm lãi suất, một số khoản sẽ được SBIC thực hiện mua lại.
Đối với Vinalines, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, biến động tiêu cực của thị trường vận tải biển, cộng với “gánh nặng” tiếp nhận một số DN từ Vinashin sang, nên Vinalines cũng phải chịu khoản lỗ khoảng trên 2.439 tỷ đồng. Khả năng trả nợ của Vinalines gần như bằng không khi khoản thiếu hụt khoảng 5.000 - 6.000 tỷ đồng không chi trả được. Do vậy, nếu không tái cơ cấu, Vinalines sẽ có nguy cơ phá sản, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy xấu cho nền kinh tế. Thủ tướng Chính phủ đã cho phép Vinalines cổ phần hóa 10 cảng; trong đó, Nhà nước giữ 75% cổ phần. Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện tái cơ cấu toàn diện đối với Vinalines. Theo đó, Vinalines đã thu gọn đầu mối từ 73 DN xuống còn 36 DN, tập trung vào ba nhóm ngành nghề kinh doanh chính gồm vận tải biển, cảng biển và dịch vụ hàng hải. Vinalines cũng cơ cấu dư nợ 7.855 tỷ đồng tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, cơ cấu nợ hơn 20.400 tỷ đồng tại các tổ chức trong nước theo hướng giãn nợ, giảm số tiền phải trả mỗi kỳ trong giai đoạn 2013 - 2014, đồng thời bổ sung vốn điều lệ 900 tỷ đồng.
Bài học kinh nghiệm
Để có được những kết quả trên, thời gian qua Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các DN xây dựng phương án CPH theo hướng Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối; kêu gọi các nhà đầu tư có năng lực tham gia làm cổ đông chiến lược. Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu DNNN, Bộ đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu phối hợp chặt chẽ với tổ chức tư vấn, DN để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp với các bộ, ngành có liên quan hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ để kịp thời điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế, nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ CPH các DN. Bên cạnh đó, Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị rà soát lại các khoản đầu tư, tập trung thoái vốn tại các DN không hiệu quả, ngoài lĩnh vực kinh doanh chính để tập trung nguồn lực cho tái cơ cấu, góp phần lành mạnh tài chính, nâng cao năng lực hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN, tạo thêm sức hút cho các nhà đầu tư.
Từ năm 2011 - 2013, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai thực hiện CPH 54 DN, trong đó, năm 2011 CPH 7 DN; năm 2012 CPH 3 DN và năm 2013, CPH 44 DN. Riêng 10 tháng đầu năm 2014, Bộ đã thành lập 27 ban chỉ đạo CPH DN; phê duyệt giá trị DN để CPH cho 25 DN; phê duyệt phương án DN cho 17 DN; đã thực hiện CPH thành công thêm được 9 DN.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo thành công đó là sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo quyết liệt, ban hành các nghị quyết về công tác sắp xếp, tái cơ cấu, CPH DN, có những bước đi thích hợp trong quá trình CPH các DN. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân, xét mức độ hoàn thành các nhiệm vụ trong công tác tái cơ cấu, sắp xếp, CPH DN là một căn cứ để đánh giá và bình xét thi đua, khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan. Nếu lãnh đạo các DN không hoàn thành nhiệm vụ CPH theo kế hoạch, sẽ xem xét vai trò, trách nhiệm cá nhân và có biện pháp xử lý thích hợp, bao gồm cả việc điều chuyển công tác, cách chức…
Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như những bài học kinh nghiệm trong tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới, CPH DNNN, Bộ Giao thông Vận tải đã rút ra được một số giải pháp trọng tâm và lâu dài cầm bám sát thực hiện trong cả quá trình tái cơ cấu như:
Thứ nhất, việc sắp xếp, đổi mới DNNN phải được thực hiện đồng bộ từ khâu tuyên truyền, quán triệt chủ trương của Đảng, quy định, chỉ đạo, định hướng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đến khâu tổ chức thực hiện. Điều này nhằm giúp cán bộ, đảng viên, người lao động hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đổi mới, CPH DN.
Thứ hai, phải bám sát thực tiễn, nắm bắt, đề xuất kịp thời các cơ chế, chính sách để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình CPH DN. Trên cơ sở các quy định của pháp luật hiện hành và điều kiện thực tế triển khai, Bộ đã nghiên cứu, đề xuất cụ thể một số cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện CPH các DN, báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận (cơ chế về đối chiếu công nợ, về lựa chọn tư vấn xác định giá trị DN, tư vấn bán cổ phần lần đầu…).
Thứ ba, phải có sự phối hợp giữa các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương có liên quan, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DN trong quá trình tái cơ cấu. Trong điều kiện thị trường vốn khó khăn, thị trường chứng khoán như hiện nay, để CPH thành công thì DN phải tìm được nhà đầu tư chiến lược, thỏa thuận bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi thực hiện bán đấu giá công khai.
Thứ tư, Ban Cán sự Đảng Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo quyết liệt, ngay từ đầu năm đã ban hành các nghị quyết về công tác sắp xếp, tái cơ cấu, CPH DN, thể hiện quyết tâm chính trị cao, quyết liệt, tập trung, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm và các bước đi thích hợp trong quá trình CPH các DN. Đây là căn cứ quan trọng để các đơn vị tổ chức thực hiện. Xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân, xét mức độ hoàn thành các nhiệm vụ trong công tác tái cơ cấu, sắp xếp, CPH DN là một căn cứ để đánh giá và bình xét thi đua khen thưởng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Những kinh nghiệm từ Bộ Giao thông vận tải là rất quý báu, trong đó bài học quan trọng là việc sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN phải được thực hiện đồng bộ từ việc quán triệt chủ trương đến khâu tổ chức thực hiện. Công tác chỉ đạo có ý nghĩa quyết định, vì vậy các cơ quan phải xây dựng kế hoạch, có giải pháp khả thi, chỉ đạo triệt để. Những DN làm tốt công tác tái cơ cấu, cổ phần hóa đều do người đứng đầu thực hiện quyết liệt, chỉ đạo chặt chẽ. Thực tiễn công tác đổi mới DNNN ngành Giao thông Vận tải cũng cho thấy, cán bộ là nhân tố quyết định, nếu không quyết liệt đổi mới và tuân thủ nghiêm quy định thì không có cơ chế nào kiểm soát được. Bộ Giao thông Vận tải luôn yêu cầu lãnh đạo các đơn vị rà soát, xây dựng chương trình, có giải pháp tích cực, gắn trách nhiệm với kết quả CPH DN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là chỉ tiêu quan trọng đánh giá hiệu quả sản xuất của DN và năng lực điều hành của lãnh đạo DN.
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Nhìn từ thành công của Bộ Giao thông vận tải
(Tài chính) Thời gian qua, ngành Giao thông Vận tải được nhắc đến là một “điểm sáng” trong tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Những động thái mạnh mẽ cùng sự vào cuộc quyết liệt thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp của các đơn vị trong Ngành là yếu tố quyết định tạo thành công và là bài học cho các bộ, ngành, địa phương…
Xem thêm