Quyết liệt trong hành động
Năm 2013 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu DNNN theo Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” đã được Chính phủ phê duyệt. Bộ Tài chính xác định, 2013 là năm công tác tái cơ cấu DNNN đi vào chiều sâu bằng những hành động thiết thực. Trong đó, chútrọng thực hiện tái cơ cấu thực chất, toàn diện từ mô hình tổ chức, quản lý, nguồn nhân lực, ngành nghề sản xuất kinh doanh, chiến lược phát triển, đầu tư đến thị trường, sản phẩm; phân định rõ quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ quản lý ngành và Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, các bộ tổng hợp, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị (HĐQT), Ban lãnh đạo DNNN...
Cho đến nay, đã có 7 tập đoàn và tổng công ty, gồm Tập đoàn, Tổng công ty: xăng dầu, Điện lực, Dệt may, Thuốc lá, Máy và thiết bị công nghiệp, Giấy, Hóa chất đã thực hiện tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị thành viên. Trong đó, 4 Tập đoàn và Tổng công ty, gồm các Tập đoàn, Tổng công ty: Điện lực, Dệt may, Than - Khoáng sản, Giấy, thực hiện tái cơ cấu về vốn, thoái vốn.
Để công tác tái cơ cấu đạt yêu cầu đề ra, ngay từ năm 2012, Bộ Tài chính đã thực hiện rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách và mô hình về thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý của chủ sở hữu đối với DNNN, tách biệt chức năng quản lý hành chính nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN; Tăng cường kỷ luật tài chính, thực thi luật pháp trong DNNN; Hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích sự phát triển DN, nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh của các DN, tổ chức kinh tế ngoài Nhà nước; Tạo môi trường bình đẳng giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, nhất là về cơ hội và mức độ tiếp cận của các DN đối với các nguồn lực như: đất đai, vốn, tín dụng, nhân lực, cơ sở hạ tầng thông tin…; Xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp tạo sự phát triển hiệu quả, bền vững các DN nhỏ và vừa, các tổ chức kinh tế tập thể; Đồng thời, đã hoàn thiện trình Chính phủ các dự thảo Nghị định đầu tư kinh doanh vốn nhà nước; Nghị định về quy chế giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động DNNN; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về cổ phần hóa DNNN; Nghị định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của SCIC...
Bộ Tài chính cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm đẩy mạnh cải cách cơ cấu và quản trị, nâng cao hiệu quả của các DNNN; Đẩy nhanh công tác cổ phần hóa DN và chuyển DN 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần; Tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước tại các DN đã cổ phần hóa và không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ cổ phần chi phối.
Triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 2071/TTg - ĐMDN ngày 17/12/2012 về thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Bộ Tài chính đang nghiên cứu mô hình tổ chức thực hiện thống nhất chức năng đại diện chủ sở hữu; phương thức tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác cán bộ đối với DNNN; Tăng cường quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu, nhất là kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật và nâng cao tính công khai, minh bạch và khả năng quản trị DN; Tăng cường kiểm tra, giám sát tài chính của các DN, bảo đảm kỷ luật tài chính, lành mạnh hóa hệ thống tài chính DN.
Giải pháp ưu tiên
Để việc tái cơ cấu DNNN đạt hiệu quả, rất cần có giải pháp ưu tiên, trên cơ sở hoàn thiện thể chế quản lý để các DN kinh doanh hoạt động trong môi trường pháp lý chung và cạnh tranh bình đẳng với DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Đặc biệt, cần nâng cao năng lực quản trị và tài chính để SCIC sớm trở thành một tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp của Chính phủ, thực hiện tốt vai trò đại diện chủ sở hữu tại DN nhận chuyển giao (gồm cả các tổng công ty mà Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn sau cổ phần hóa). Đồng thời, thúc đẩy quá trình thoái vốn của SCIC tại DN tiếp nhận không thuộc diện Nhà nước cần nắm giữ vốn; Tổ chức phân loại DNNN, tập trung đầu tư, tăng cường năng lực vào một số lĩnh vực then chốt mà Nhà nước cần nắm giữ 100% cổ phần, như an ninh, quốc phòng; cung cấp những hàng hóa và dịch vụ công thiết yếu... Với các DN còn lại, sẽ cổ phần hóa với lộ trình phù hợp. Thời gian tới, Luật Phá sản và cơ chế giải thể DN sẽ được sửa đổi theo hướng cho phép cơ quan quản lý nhà nước thực hiện phá sản bắt buộc với DN không đủ điều kiện tồn tại; Bổ sung quy định nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu trong trường hợp DN bị giải thể, phá sản; Đơn giản hóa thủ tục hành chính...
Tái cơ cấu DN theo ngành, lĩnh vực, không phân biệt cấp, cơ quan quản lý. Tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty toàn diện từ mô hình tổ chức, nguồn nhân lực, chiến lược phát triển, đến thị trường, sản phẩm... Trước mắt, tập trung soát xét, điều chỉnh sự phân cấp, phân công giữa Chính phủ và các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chức năng của cơ quan đại diện chủ sở hữu DNNN; Đổi mới quy trình, xác định rõ quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xem xét, quyết định nhân sự lãnh đạo chủ chốt của DNNN; Tăng cường năng lực cho cơ quan quản lý, giám sát tài chính DN nhằm hướng tới quản lý nhà nước chuyên sâu về tài chính DN; Cùng với đó, ban hành cơ chế kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả trong hoạt động DNNN trên cơ sở yêu cầu DNNN công khai minh bạch thông tin như các DN niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Trong hoạt động của DNNN cần tăng cường hơn nữa tính công khai, minh bạch; kết quả sản xuất kinh doanh phải được công bố công khai, minh bạch, trung thực, kịp thời với báo chí, dư luận để xã hội hiểu đúng về DNNN. Chủ tịch HĐQT DNNN, bộ quản lý ngành phải chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ này. Các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương cần hết sức quan tâm, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và thúc đẩy quá trình đổi mới, sắp xếp, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.
Vai trò của SCIC
Sau hơn 7 năm hình thành và hoạt động, mô hình quản lý vốn nhà nước tập trung tại SCIC đã phát huy hiệu quả nguồn lực nhà nước tại các DN, đồng thời góp phần quan trọng vào công tác sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN.
Năm 2012, SCIC thuộc top DN kinh doanh hiệu quả trong số 73 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Cụ thể, tổng lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2011; lợi nhuận sau thuế đạt gần 3.900 tỷ đồng, tăng 30%; nộp ngân sách hơn 600 tỷ đồng (không tính khoản thu cổ tức 2.100 tỷ đồng đã nộp thuế trước khi chuyển về SCIC), tăng 83%. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước bình quân đạt 22%, tăng 32%. Tính đến hết năm 2012, SCIC đã thực hiện bán vốn tại gần 600 DN, thu về cho Nhà nước hơn 3.300 tỷ đồng. So với giá trị sổ sách, khoản tiền thu được gấp hơn 2 lần cho thấy đồng vốn nhà nước không chỉ được bảo toàn mà còn tạo thêm giá trị gia tăng. Danh mục đầu tư của SCIC cũng tăng mạnh, tại thời điểm 31/12/2012, tổng giá trị theo sổ sách kế toán khoảng 14.000 tỷ đồng, trong khi giá thị trường ước đạt 50.000 tỷ đồng.
Không chỉ thực hiện tái cơ cấu phần vốn nhà nước tại DN, SCIC còn đem lại các giá trị gia tăng cho DN trong danh mục quản lý thông qua việc giới thiệu các nhà đầu tư chiến lược, nâng cao năng lực quản trị, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, thông qua đó gia tăng giá trị của DN và phần vốn nhà nước tại DN. Trên thực tế, hầu hết các DN sau khi chuyển giao về SCIC đều đạt tốc độ tăng trưởng khá. Chẳng hạn, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) lũy kế thu cổ tức về cho cổ đông Nhà nước đến nay đã đạt hơn 2.600 tỷ đồng (gấp hơn ba lần số vốn Nhà nước đầu tư ban đầu), tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trung bình đạt hơn 40%/năm trong ba năm qua. Công ty cổ phần Viễn thông FPT lũy kế đến nay đã thu cổ tức gần 500 tỷ đồng (gấp hơn 3 lần giá trị vốn nhà nước đầu tư ban đầu), tỷ suất ROE trong ba năm qua trung bình đạt trên 70%/năm...
Đánh giá về mô hình SCIC, Kết luận số 78-KL/TW ngày 26/7/2010, Bộ Chính trị đã chỉ đạo cần tiếp tục củng cố, phát huy mô hình này. Nghị định số 99/2012/ NĐ-CP của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn nhà nước đầu tư vào DN đặt SCIC là tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ thành lập, là một trong 5 tập đoàn, tổng công ty đặc biệt có điều lệ tổ chức và hoạt động do Chính phủ trực tiếp ban hành (cấp nghị định). Vấn đề đặt ra hiện nay là cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm nâng cao năng lực quản trị và tài chính để SCIC sớm trở thành một tổ chức đầu tư tài chính chuyên nghiệp của Chính phủ, thực hiện tốt vai trò đại diện chủ sở hữu tại các DN nhận chuyển giao. Nghị định 99/2012/NĐ-CP cũng khẳng định vai trò của SCIC trong việc tiếp nhận và quản lý phần vốn Nhà nước tại DN. Đồng thời, Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện khuôn khổ, thể chế cho hoạt động của SCIC, trong đó có Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của SCIC và Điều lệ mới của SCIC sẽ ban hành trong năm 2013. Trên cơ sở nghị định và điều lệ mới của SCIC, Tổng công ty sẽ khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển của Tổng công ty đến 2020, đẩy mạnh tái cơ cấu theo Đề án tái cơ cấu được Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh việc hoàn thiện khuôn khổ thể chế, SCIC sẽ tăng cường hoạt động đầu tư vào các ngành, lĩnh vực chiến lược trên nguyên tắc hiệu quả, trong đó quan tâm đến các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, các dự án cơ sở hạ tầng, bất động sản... tìm hiểu cơ hội để đầu tư mua lại phần vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty.
Trên tinh thần đó, SCIC cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, xây dựng hệ thống quy trình nghiệp vụ, tổ chức bộ máy và mở rộng quan hệ hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế, nâng cao trình độ cán bộ, nhất là làm rõ trách nhiệm của người đại diện sở hữu vốn nhà nước tại DN. Đặc biệt, cần nghiên cứu đổi mới tổ chức và chức năng SCIC theo lĩnh vực, nhóm ngành kinh tế - xã hội, nâng dần tính tập trung một đầu mối và tính chuyên nghiệp trong quản lý, thay vì kiểu tổ chức và hoạt động vừa ôm đồm, vừa phân tán và bị quá tải như hiện nay; Cần bảo đảm sự công khai, minh bạch về tài chính trong quá trình thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản nhà nước tại các DNNN; Khẩn trương xác định các tiêu chí và thứ tự ưu tiên làm căn cứ để tổ chức và quản lý DNNN, khắc phục tình trạng trì trệ hoặc lạm dụng, trục lợi trong phân công chủ quản và “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong chỉ đạo, điều hành. Đồng thời, đẩy mạnh việc bán vốn của Nhà nước tại những DNNN không cần nắm giữ, tập trung nguồn lực đầu tư vào những lĩnh vực có tác động quan trọng đối với nền kinh tế.
SCIC cần chủ động và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai ngay trong nửa đầu năm 2013 các chương trình hành động và đề án tái cơ cấu theo lĩnh vực, ngành hoặc vùng lãnh thổ thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước được giao; Đổi mới, phát triển và tiến tới áp dụng đầy đủ khung quản trị hiện đại theo thông lệ tốt của kinh tế thị trường với các DNNN; Thực hiện nghiêm pháp luật, kỷ cương hành chính nhà nước và kỷ luật thị trường, đổi mới hệ thống đòn bẩy khuyến khích bảo đảm DNNN hoạt động theo cơ chế thị trường và cạnh tranh bình đẳng như các DN thuộc các thành phần kinh tế khác và phù hợp cam kết hội nhập, tôn trọng, vận dụng đầy đủ, đúng đắn các quy luật, nguyên tắc của kinh tế thị trường, xem nhu cầu thị trường, cơ chế thị trường và hiệu quả, lợi ích là căn cứ chính để quyết định việc phân bổ các nguồn lực cho phát triển. Trong quá trình tái cơ cấu và quản lý DNNN “hậu tái cơ cấu”, nâng cao vai trò và năng lực, trách nhiệm của của người đại diện SCIC là nhằm vừa bảo đảm an toàn vốn nhà nước, vừa không cản trở quá trình kinh doanh thị trường của DN.
Bên cạnh đó, để bảo đảm các DNNN và chủ thể tham gia các quan hệ thị trường tuân thủ “luật chơi” đã đề ra, cần hoàn thiện căn bản hệ thống công cụ và cơ chế giám sát, chế tài phân định rõ thẩm quyền, nghĩa vụ của từng cấp từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của SCIC trong thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu và phần vốn Nhà nước đầu tư vào DN khác.
Tài liệu tham khảo:
1. Kết luận số 50-KL/TW ngày 29/10/2012: "Tiếp tục sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả DNNN";
2. Hội nghị Tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN;
3. Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015” (Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012);
4. Báo cáo Tổng kết năm 2012 của SCIC; Định hướng phát triển giai đoạn 2011- 2015 và tầm nhìn đến năm 2020.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 7 - 2013
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và vai trò của SCIC
(Tài chính) Trước yêu cầu mới của nền kinh tế, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước đã bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Những vướng mắc, khó khăn không chỉ ở nội tại doanh nghiệp mà còn từ phía quản lý của Nhà nước. Do đó, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là nhiệm vụ cấp bách đặt ra đối với cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp, trong đó có Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)…
Xem thêm