Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: Đúng hướng và có kết quả rõ rệt
(Tài chính) Thảo luận tại hội trường về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng ngày 1/11, nhiều đại biểu Quốc hội khẳng định, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là quan trọng nhất của đề án tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế.
Ổn định hệ thống, góp phần thúc đẩy tăng trưởng
“Thành công lớn nhất là chúng ta đã đẩy lùi được nguy cơ đổ vỡ của những ngân hàng yếu kém”, Đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) nhấn mạnh khi đánh giá về tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Ông Hùng cho biết thêm, các giải pháp cơ cấu lại ngân hàng, cơ cấu lại nợ xấu, trích quỹ dự phòng rủi ro, bán nợ cho VAMC kết hợp với những chính sách tiền tệ thích hợp đã góp phần đáng kể vào quá trình phục hồi kinh tế.
Đồng quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Thế Tuy (Lạng Sơn) cũng khẳng định, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là đúng hướng và kết quả rõ rệt, chính sách tiền tệ ổn định, hệ thống ngân hàng tham gia tháo gỡ khó khăn cho DN, người kinh doanh, sản xuất có trách nhiệm hơn.
“Đặc biệt với chỉ đạo của Thống đốc NHNN, tất cả những cuộc tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội, của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở Lạng Sơn đều có các ngân hàng tham gia để trực tiếp có thể tháo gỡ, giải đáp những thắc mắc, khó khăn, những yêu cầu của cư tri”, Đại biểu Nguyễn Thế Tuy chia sẻ. Bên cạnh đó, việc giữ được giá của đồng tiền Việt Nam, ổn định thị trường vàng cũng đã tạo được ổn định cho nền kinh tế và đặc biệt tạo ra tâm lý yên tâm cho xã hội.
“Tôi cũng đồng ý với đại biểu Tuy, vì Thống đốc ngân hàng rất quyết liệt. Các buổi tiếp xúc cử tri đều cử các ngân hàng đi theo để giải quyết những vướng mắc từ cơ sở cho DN. Tôi cho rằng bộ nào cũng làm được như vậy thì rất hay”, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đánh giá.
Vị đại biểu của Lâm Đồng cũng cho cho rằng, việc cơ cấu lại các TCTD yếu kém cũng đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận. Theo đó, hệ thống ngân hàng vừa đảm bảo giữ an toàn, lại không giảm đầu tư, làm gián đoạn cung cấp dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế trong quá trình cơ cấu lại. "Những kết quả đạt được ban đầu về cơ cấu lại các TCTD góp phần quan trọng trong việc ổn định hệ thống tài chính, kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ và tạo cơ sở đẩy nhanh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trong giai đoạn tiếp theo", ông Thuyền nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Ninh Thuận) cũng cho rằng, các ngân hàng yếu kém đã được cơ cấu lại bằng việc sáp nhập, hợp nhất và khá ổn định, đặc biệt cải thiện nhiều so với thời điểm mới bắt đầu. Các TCTD đã được đổi mới, nâng cao hệ thống quản trị, điều hành, hệ thống kiểm soát, hệ thống kiểm toán nội bộ, rà soát, kiện toàn bộ máy, sắp lại hệ thống mạng lưới, cơ cấu lại hoạt động kinh doanh. Từng bước định hướng chiến lược kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường công nghệ thông tin, hiện đại hóa công nghệ của ngân hàng.
Đặc biệt, vị đại biểu của Ninh Thuận đánh giá cao việc các NHTM đã tập trung chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho các lĩnh vực sản xuất, hỗ trợ, giảm bớt khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Phải tháo gỡ khó khăn cho xử lý nợ xấu
Đề cập tới vấn đề xử lý nợ xấu, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, NHNN, các TCTD đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng. Nhờ đó nợ xấu đã được xử lý một bước, tốc độ tăng trưởng nợ xấu chậm lại, DN tiếp tục được vay vốn ngân hàng và lãi suất hợp lý, góp phần giảm bớt chi phí hoạt động cho khách hàng vay do không phải chịu lãi suất quá hạn và được vay với lãi suất thấp hơn.
Đặc biệt, theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, mặc dù mô hình của VAMC chưa từng có trong tiền lệ, nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD và hỗ trợ khó khăn cho khách hàng, qua đó khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn công cụ này trong việc xử lý nợ xấu.
Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền băn khoăn, chỉ với những cố gắng của ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu là chưa đủ, vì nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế, đòi hỏi cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và DN. Đặc biệt là việc phục hồi hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ trong xây dựng cơ bản, thúc đẩy đầu tư tiêu dùng, tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản.
“Thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, chậm được phục hồi vì vậy việc huy động vốn thu hút các nhà đầu tư trong nước tham gia tái cơ cấu xử lý nợ xấu của ngân hàng gặp nhiều khó khăn”, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền chia sẻ.
Một khó khăn nữa cũng được ông Thuyền nêu ra là, khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng còn nhiều bất cập, thiếu sự rõ ràng, minh bạch và đồng bộ, đồng thời cơ chế thực thi luật pháp có nơi, có lúc chưa đảm bảo nghiêm minh, công bằng, đặc biệt là chưa bảo vệ quyền lợi của chủ nợ. Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục xử lý tài sản tố tụng và thi hành án phức tạp kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí cho TCTD. “Tôi cho rằng giải quyết những hậu quả liên quan đến vấn đề tòa án và thi hành án là rất phức tạp. Cho nên phải sửa đổi những vấn đề đó”, ông Thuyền đề nghị.
Cũng chung quan điểm với ông Thuyền, Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cho rằng, nếu chỉ trông chờ vào nỗ lực của mình ngành ngân hàng trong việc xử lý nợ xấu là không đủ. "Bởi nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế và đòi hỏi sự tham gia nỗ lực của các ngành, các cấp, các giải pháp được đặt ra và được triển khai cách đồng bộ thì việc xử lý nợ xấu mới được triệt để và đạt được kết quả như mong muốn”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh.
Trong khi đó, đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, việc thành lập VAMC với giải pháp gần như không dùng nguồn ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu mà chỉ bằng một cơ chế hoạt động như vậy là chưa đủ, mà cần ban hành những quy định đầy đủ, tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục pháp lý để xử lý tài sản bảo đảm thuận lợi, giải quyết nhanh và hiệu quả đúng pháp luật các khoản nợ đã mua.