Tái cơ cấu nông nghiệp phải bắt đầu từ nút thắt tư duy - kinh phí - thị trường
(Tài chính) Hiện nay, nhiều địa phương đã triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng bằng các đề án hoặc kế hoạch thực hiện. Tuy nhiên, kinh phí và thị trường tiêu thụ là những mối lo được nhiều địa phương phản ánh là không thể đáp ứng được đòi hỏi của quá trình này. Các chuyên gia cho rằng, các nút thắt này có thể khắc phục được nếu như có thay đổi về tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp.
Song có thể thấy, sự chủ động của các địa phương trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp mới chỉ là điều kiện cần cho thành công của quá trình này. Các địa phương hiện đang đứng trước một khó khăn là kinh phí thực hiện rất lớn, trong khi nguồn lực tài chính ở nhiều nơi còn hạn chế. Theo tính toán của các tỉnh Hậu Giang, Đồng Tháp, Thanh Hóa… thì kinh phí thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp lên đến hàng trăm, nghìn tỷ đồng. Ngay như với Hà Tĩnh, dù đã chủ động trích ngân sách địa phương để hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự vẫn trăn trở, nếu như có thêm vốn đầu tư sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong sản xuất nông nghiệp. Các địa phương cũng không thể không chú ý đến kinh phí thực hiện cũng bởi nếu như chuyển đổi một giống cây trồng hay vật nuôi khác, thì kéo theo đó phải thay đổi hệ thống thủy lợi, đào tạo lại nông dân, tìm kiếm thị trường… Những việc này rất khó tìm doanh nghiệp thực hiện nên dễ thấy là chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm.
Đề án tái cơ cấu nông nghiệp đã xác định các địa phương sẽ thực hiện nhiệm vụ này dựa trên phát triển những cây, con là thế mạnh. Tuy nhiên, ngay cả phát triển cây, con là thế mạnh, thì các địa phương cũng đứng trước khó khăn là thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Những loại trái cây đặc sản ở nước ta chủ yếu trồng phân tán, chưa áp dụng cơ giới hóa, chưa chú trọng đưa công nghệ bảo tồn giống và phải qua nhiều tầng lớp phân phối. Do đó, nhiều loại cây trồng đặc sản ở nước ta vừa thoái hóa giống nhanh, vừa có giá bán cao hơn so với khả năng mua của người dân. Trái cây đặc sản vì thế rơi vào tình trạng không đủ điều kiện để xuất khẩu sang thị trường khó tính, song cũng không khai thác được thị trường trong nước. Nhiều loại trái cây đang chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Và vì lệ thuộc vào một thị trường tiêu thụ nên nông dân thường xuyên đứng trước nỗi lo được mùa mất giá, bị chèn ép giá bán.
Các chuyên gia cho rằng, nút thắt về kinh phí thực hiện và thị trường tiêu thụ có thể tháo gỡ được nếu như tháo gỡ được nút thắt về tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp. Bởi có thể thấy, lâu nay, không ít nông dân nước ta vẫn có cách nghĩ mạnh ai nấy làm, trồng theo phong trào, không chú ý bảo đảm quy trình kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn chặt chẽ, không rõ xuất xứ, nguồn gốc... Vì cách nghĩ, cách làm này mà nhiều sản phẩm nông nghiệp của nước ta không thể xuất khẩu sang những thị trường có yêu cầu và giá mua cao, phải phụ thuộc vào một vài thị trường, nên lợi nhuận thấp, dễ rơi vào tình cảnh được mùa mất giá. Không chỉ là người nông dân, doanh nghiệp cũng vì hám lợi mà sẵn sàng vi phạm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để tăng trọng lượng, có nhiều nguồn hàng. Hay như tình trạng doanh nghiệp giảm giá bán dưới mức giá bán chung của nhiều doanh nghiệp khác. Vì một vài trường hợp ngoại lệ này, mà nhiều doanh nghiệp kinh doanh chân chính phải chịu các lệnh cấm nhập khẩu, điều tra chống bán phá giá… và mất một lượng kinh phí lớn mới có thể tiếp tục khai thác được thị trường.
Vậy cần có những thay đổi như thế nào trong tư duy phát triển sản xuất nông nghiệp? Các chuyên gia cho rằng, địa phương phải thực dụng hơn, thay vì đầu tư vào tất cả những loại cây, con có lợi thế, hãy nghĩ đến những loại mà thị trường có nhu cầu, phù hợp với điều kiện của mình. Như vậy, diện đầu tư không quá rộng nên ngân sách địa phương có thể đảm đương được, thậm chí là đầu tư ra tấm, ra món để tạo sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, thu hút được người mua trong và ngoài nước, không phải lo bài toán thị trường tiêu thụ ở đâu. Địa phương cũng phải tính toán để hình thành chuỗi giá trị cho mỗi sản phẩm nông nghiệp chủ lực được lựa chọn, góp phần nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, cũng như tăng thu nhập cho nông dân.