Tài sản tăng kỷ lục, giới tỷ phú toàn cầu đang giàu nhất từ trước đến nay
Khi nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp và phá sản vì đại dịch Covid-19, tổng tài sản của giới tỷ phú toàn cầu lại tăng hơn 2.000 tỷ USD, lên mức cao nhất từ trước đến nay.
Số liệu trên đến từ báo cáo Riding the Storm, vừa được ngân hàng UBS và công ty kiểm toán PwC công bố. Theo đó, tổng tài sản nắm giữ bởi các tỷ phú trên toàn cầu đã tăng lên mạnh mẽ trong thời gian đại dịch, lên 10.200 tỷ USD. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, và đồng thời cho thấy tốc độ tăng trưởng tài sản nhanh nhất của giới tỷ phú thế giới trong 10 năm qua.
Ngoài ra, một kỷ lục đáng chú ý nữa cũng được xác lập trong thời gian Covid-19: Sự xuất hiện của tỷ phú 200 tỷ USD đầu tiên trên thế giới - Jeff Bezos. Theo báo cáo, tổng giá trị tài sản ròng của ông chủ Amazon đã cán mốc trên vào tháng 8/2020, ngay khi UBS và PwC tổng kết số liệu báo cáo năm về các tỷ phú.
Hưởng lợi từ các gói kích thích tài chính
Được biết, tổng tài sản của giới tỷ phú tăng đến 27,5% trong giai đoạn tháng 4-7/2020, từ mức 8.000 tỷ USD vào đầu tháng 4. Điều này phần lớn nhờ vào các gói kích thích tài chính từ chính phủ các nước.
"Tài sản của giới tỷ phú có mối tương quan với thị trường vốn cổ phần. Từ cuối tháng 3/2020, những gói nới lỏng định lượng và tài khóa khổng lồ từ chính phủ các nước đã giúp thúc đẩy đà phục hồi trên thị trường tài chính", báo cáo viết.
Theo một nghiên cứu độc lập của ngân hàng Goldman Sachs vào tháng 2/2020, hơn 50% cổ phiếu mà các hộ gia đình Mỹ nắm giữ thuộc về doanh nghiệp của 1% người giàu nhất.
Thêm vào đó, gói cứu trợ Covid-19 theo Đạo luật CARES càng hỗ trợ đắc lực cho việc này. Một lỗ hổng pháp luật vào tháng 3 đã cho phép các tỷ phú hưởng lợi từ khoản tiền hỗ trợ 1,7 tỷ USD của chính phủ Mỹ. Kể từ đó, hơn 133 công ty lớn đã nhận 5 tỷ USD từ Bộ Tài chính.
Thế nên, khi thị trường tăng mạnh như vào thời điểm cuối tháng 3, những người giàu nhất sẽ hưởng lợi nhiều hơn cả. Bằng chứng là, tài sản của giới tỷ phú trước đó đã giảm 6,6%, tương đương 564 tỷ USD, xuống còn 8.000 tỷ USD, và giữ ở mức này trong phần lớn thời gian của năm 2019 và quý I/2020.
Song, đà phục hồi của thị trường đã giúp tổng tài sản của giới tỷ phú tăng lên nhanh chóng như vừa nêu; đến mức cả những chuyên gia theo dõi tài sản dày dạn nhất cũng ngạc nhiên.
"Các tỷ phú kiếm tiền cực kỳ tốt trong và sau khủng hoảng", Josef Stadler - trưởng bộ phận văn phòng gia đình của UBS Global Wealth Management nhận xét. Trong đó, một số có mức tăng tài sản nhiều hơn hẳn so với người khác, tuỳ vào lĩnh vực mà doanh nghiệp của họ hoạt động.
Tỷ phú công nghệ và y tế vươn lên
Cụ thể, đại dịch đã thúc đẩy tiến trình số hoá, và ứng dụng công nghệ, khi hàng triệu người bị buộc phải làm việc tại nhà, trong khi các công ty đưa dây chuyền hoạt động lên các nền tảng đám mây. Bên cạnh đó, không thể không kể đến số tiền khổng lồ rót vào ngành y tế, với mục đích tìm ra vắc-xin ngừa Covid-19.
"Những gì chúng tôi tìm thấy là sự phân cực đáng kể trong khối lượng tài sản nắm giữ. Các tỷ phú là nhà phát minh, hay sở hữu sáng kiến đột phá trong lĩnh vực công nghệ, chăm sóc sức khỏe và công nghiệp, đang nhanh chóng và ồ ạt vượt lên trên số còn lại", Stadler nói.
Dù đã bắt đầu manh nha từ năm 2018 và 2019, song chính Covid-19 mới là chất xúc tác giúp xu hướng phân cực này trở nên rõ ràng hơn. Theo đó, tài sản của các tỷ phú là nhà phát minh, như Elon Musk hay James Dyson, tăng mạnh nhất trong thời gian tháng 4-7/2020, ở mức 44,4%.
Riêng tài sản của các tỷ phú công nghệ và y tế lần lượt tăng bình quân 41,3% và 36,4%. Đáng chú ý, nếu so với mức tăng tài sản của giới tỷ phú toàn cầu nói chung là 27,5%, hay con số 12,8% và 13,2% của ngành dịch vụ tài chính cùng bất động sản, có thể thấy đây là mức tăng vượt bậc.
Do đó, sự phân cực tài sản trong các ngành nghề khác nhau là "bằng chứng cho thấy tài sản của các tỷ phú có mối quan hệ mật thiết với thị trường vốn cổ phần", và "mức độ giàu có của từng tỷ phú sẽ được xác lập bởi công ty mà họ nắm quyền", Marcel Tschanz - trưởng bộ phận tư vấn ngân hàng tại PwC Thụy Sĩ, nhận xét.
Đóng góp cho từ thiện cao kỷ lục, nhưng...
Đồng thời, Covid-19 cũng làm tăng số tiền quyên góp cho hoạt động từ thiện của các tỷ phú, khi giới tỷ phú đang cho đi nhiều hơn bao giờ hết. Dù vậy, báo cáo cho biết, "con số cho đi hiện hữu có thể chỉ là một phần nhỏ trong tổng số tài sản của các tỷ phú, bởi họ thường có xu hướng ít để lộ thông tin".
Theo một báo cáo độc lập cũng của UBS và PwC, hơn 75% gia đình giàu có có xu hướng quyên góp kín đáo. "Xu hướng ít để lộ thông tin đồng nghĩa với việc các đóng góp xã hội của họ không phải lúc nào cũng được ghi nhận", Guy Hudson - trưởng bộ phận marketing của Stonehage Fleming, nói.
Song, dù con số 7,2 tỷ USD quyên góp trong giai đoạn Covid-19 của 209 tỷ phú trên toàn cầu đã là mức kỷ lục, nó vẫn chưa là gì khi chỉ chiếm 0,3% so với tổng tài sản tăng thêm trong cùng kỳ. Và, khi được hỏi "Bạn có định cho đi nhiều hơn trong năm nay, vì Covid-19, so với những năm trước không?" hơn nửa số người tham gia nghiên cứu của Stonehege Fleming đã trả lời "Không".
Về dự định trong 12 tháng tiếp theo, chỉ một vài tỷ phú đặt hoạt động từ thiện lên đầu danh sách. Hiện, trong số các câu trả lời được đưa ra, từ thiện đứng ở vị trí thứ 6, với 25% tỷ phú nói có kế hoạch "cho đi" trong 12 tháng tới. Thay vào đó, "lập kế hoạch kế nhiệm" là một trong những câu trả lời phổ biến nhất.