Tại sao Mark Zuckerberg có thể trở thành người nguy hiểm nhất thế giới ?
Là CEO của Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, Mark Zuckerberg có quyền lực phi thường mà không phải ai cũng tưởng tượng được. Và đó chính là lý do khiến một giáo sư ở Đại học New York cho rằng Zuckerberg là "người nguy hiểm nhất thế giới".
Scott Galloway, dạy marketing ở Đại học New York và cũng là một triệu phú tự thân, đưa ra nhận định trên khi nói về động thái sáp nhập các dịch vụ nhắn tin của các nền tảng mà Facebook sở hữu: WhatsApp, Instagram và Facebook Messenger. Trong khi khách hàng vẫn có thể sử dụng 3 ứng dụng này riêng biệt, nhưng cả 3 đều có cùng cơ sở hạ tầng kỹ thuật khi kế hoạch của Zuckerberg hoàn tất, dự kiến vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2020.
Trên thực tế, hơn 2,7 tỷ người sử dụng ít nhất 1 trong 3 dịch vụ nhắn tin trên mỗi tháng. Và hơn 2,1 tỷ người sử dụng Facebook, Instagram, WhatsApp hay Messenger mỗi ngày. "Viễn cảnh chúng ta chỉ có một cá nhân quyết định các thuật toán cho một nền tảng 2,7 tỷ người sử dụng thật đáng sợ - bất kể ý định của người đó là thế nào", Galloway cho biết. Theo ông lý do là bởi sự đa dạng về ý kiến và quan điểm của cộng đồng sẽ giúp cho quá trình dân chủ luôn được lành mạnh.
Một vấn đề đáng lo ngại nữa liên quan đến Zuckerberg và Facebook, theo Galloway, đó là họ đã chịu rất nhiều chỉ trích vì những nhân tố xấu sử dụng nền tảng này để truyền bá các thông tin sai lệch và gây chia rẽ trên Facebook cùng Instagram.
Trong khi đó, động thái sáp nhập các dịch vụ gửi tin nhắn của Facebook có thể là một nỗ lực để tự vệ chống lại một vụ kiện chống độc quyền sắp diễn ra.
Vào cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ nói rằng sẽ mở một cuộc rà soát chống độc quyền ở các công ty công nghệ lớn nhất trong nước, và mặc dù không một công ty nào bị nêu đích danh, nhưng chắc chắn ai cũng nghĩ đến những công ty khổng lồ như Facebook, Google, Amazon và Apple.
Galloway cho rằng Zuckerberg muốn đạt đến ngưỡng để nếu chính phủ có ý định chia nhỏ Facebook, công ty này sẽ viện đến lý lẽ cho rằng hành động đó sẽ hủy hoại toàn bộ nền tảng mạng xã hội của họ và xóa bỏ mọi lợi ích kinh tế đi kèm.
Facebook cũng có thể viện lý do là nếu bị phân rã thành các công ty nhỏ hơn, họ sẽ không thể cạnh tranh với những công ty công nghệ khổng lồ của Trung Quốc, như WeChat và Tik Tok. Điều này, theo Galloway, được gọi là "lý luận của nhà vô địch quốc gia" trong kinh tế học: "Nếu các người, dù bằng cách nào, thu nhỏ quy mô và quyền lực của chúng tôi, chúng tôi sẽ không thể bảo vệ lãnh thổ của chúng ta trước sự lớn mạnh của các công ty Trung Quốc".
Galloway không tin vào điều đó và cho rằng "những công ty nhỏ hơn, linh hoạt và gọn nhẹ hơn đã cho thấy khả năng hoạt động hiệu quả không kém gì các công ty có quy mô lớn".
"Điều này không hề tốt cho toàn thế giới, toàn xã hội và cho thấy rõ con đường mà họ định đi" Galloway chỉ trích, và ông còn cho rằng việc phê chuẩn thương vụ Facebook mua lại Instagram của các nhà cầm quyền liên bang trước đây là một thất bại to lớn.