Chính sách thuế quan của Donald Trump đối với Trung Quốc sẽ là "đòn bẩy" cần thiết cho ông Biden
Clete Willems, cựu nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Nhà Trắng cho biết, các áp đặt thuế quan thương mại của Tổng thống Donald Trump đã tạo ra "đòn bẩy" mà chính quyền sắp tới của ông Biden có thể sử dụng nhằm đạt được kết quả mong muốn trong đàm phán quốc tế.
Tổng thống Donald Trump đã áp dụng mức thuế cao đối với các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Canada và Liên minh châu Âu vì ông cho rằng các công ty Mỹ đang bị đối xử không công bằng.
Động thái của ông Trump đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và các quốc gia khác, cũng như gây ra cuộc chiến thương mại với Trung Quốc vốn đang đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu.
Clete Willems, cựu nhà đàm phán thương mại hàng đầu của Nhà Trắng cho biết, các áp đặt thuế quan thương mại của Tổng thống Donald Trump đã tạo ra "đòn bẩy" mà chính quyền sắp tới của ông Biden có thể sử dụng nhằm đạt được kết quả mong muốn trong đàm phán quốc tế.
Một số chuyên gia thương mại đã nói rằng Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể sẽ ủng hộ việc hợp tác với các đồng minh, qua đó sử dụng việc loại bỏ thuế quan trừng phạt để giải quyết các tranh chấp quốc tế.
Tuy nhiên, phần lớn chuyên gia đều cho rằng ông Biden có thể không muốn gỡ bỏ các chính sách thuế quan mà Tổng thống Trump đã áp đặt.
"Cho dù họ yêu thích thuế quan hay ghét nó, chúng cũng đã tạo ra đòn bẩy cho Mỹ. Những câu hỏi quan trọng về hệ thống đa phương đã được đặt ra và tôi hy vọng rằng chính quyền Joe Biden sẽ có thể sử dụng đòn bẩy này để giải quyết vấn đề", ông Willems nói với CNBC.
"Đồng thời, tôi nghĩ rằng ông Biden sẽ sử dụng cách tiếp cận hợp lý hơn với các đồng minh và đối tác quan trọng, đặc biệt là so với cách tiếp cận cũ của chính quyền Donald Trump", ông nói thêm.
Clete Willems là phó trợ lý của chủ tịch phụ trách kinh tế quốc tế và phó giám đốc của Hội đồng Kinh tế Quốc gia cho đến tháng 4 năm ngoái. Ông ấy hiện là đối tác tại công ty luật Akin Gump Strauss Hauer & Feld.
Về việc đối phó với Trung Quốc, ông Willems cho biết thực hiện một cách tiếp cận đa phương là "bước đi đúng đắn". Nhưng ông Biden cũng sẽ cần các đồng minh như châu Âu và Nhật Bản thể hiện "tham vọng nhiều hơn nữa" trong việc sẵn sàng đối đầu với Bắc Kinh.
Các quốc gia khác đang chia sẻ mối lo ngại của Mỹ liên quan đến các hoạt động công nghiệp của Trung Quốc, chẳng hạn như cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước để giành được lợi thế cạnh tranh.
Nhưng chính quyền ông Trump lại thích đối đầu đơn phương với Bắc Kinh, và thậm chí còn tố cáo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho phép các nước như Trung Quốc lợi dụng.
"Tôi nghĩ rằng việc Mỹ thực hiện kế hoạch này một cách đa phương là hoàn toàn hợp lý, nhưng việc khiến các quốc gia đồng minh mạnh dạn và tham vọng hơn sẽ là khó hơn nhiều. Ho thực sự cần phải sớm thúc đẩy vấn đề này và cùng nhau thực hiện nó như 1 khối liên kết", ông Willems nói.