Tâm điểm chứng khoán: Biến động và bài học vỡ lòng của nhà đầu tư F0
Chuyên gia có quan điểm trái chiều về sự vận động của dòng tiền trong thời gian còn lại của năm Tân Sửu. Đồng thời cũng có những lời khuyên khác nhau về hành động của nhà đầu tư sau biến động.
Bắt mạch dòng tiền
Nhà đầu tư Việt Nam đã được chứng kiến một tuần giao dịch đầy sóng gió dù chỉ còn khoảng 2 tuần nữa là đến Tết Âm lịch. Nhóm Bất động sản đã có những biến động làm chao đảo khiến nhiều danh mục bị tổn thất lớn trong 5 phiên giao dịch vừa qua.
Trong số này, theo ông Võ Văn Cường, Giám đốc đầu tư TPS, một bộ phận không nhỏ là nhà đầu tư F0 và đây có thể là bài học cho lứa nhà đầu tư mới tham gia thị trường sau giai đoạn mua lên là có lời các cổ phiếu Midap và Penny.
Theo thống kê của ông Cường, trong 4 tháng gần đây, tỷ trọng giao dịch của các cổ phiếu Penny chiếm khoảng 9%, nhóm vốn hóa vừa chiếm khoảng 53% trong khi nhóm Bluechips là khoảng 38%. Theo vị này, đây là diễn biến trái ngược với giai đoạn đầu năm 2021 khi dòng tiền đổ vào các cổ phiếu lớn luôn chiếm trên 50% thậm chí có lúc đạt tới 60% toàn thị trường. Còn cổ phiếu vốn hóa nhỏ giai đoạn trước chỉ chiếm khoảng 3%.
“Sự dịch chuyển về các cổ phiểu lớn khó ghi nhận từ nay cho đến Tết do thời gian còn lại là quá ngắn trong khi tuần tới còn có sự kiện đáo hạn phái sinh tháng Một”, Giám đốc đầu tư TPS cho biết.
Việc dòng tiền vận động mạnh ở các cổ phiếu Penny lẫn Midcap đương nhiên sẽ khiến định giá của nhiều cổ phiếu vượt ra ngoài yếu tố cơ bản. Chỉ tính trên kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, PE của các cổ phiếu Penny cũng đã lên tới 22 lần, chạm đỉnh lịch sử. Vì vậy, chỉ cần một vài yếu tố rủi ro hay thông tin bất lợi cũng làm ảnh hưởng mạnh tới nhóm cổ phiếu này.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm kinh doanh 3 Yuanta Hà Nội, thời gian vừa qua, dòng tiền trên thị trường tập trung rất mạnh vào nhóm bất động sản đầu cơ và giá trị cổ phiếu của nhóm nãy đã bị kéo lên qua cao so với giá trị thực. Do vậy khi nhóm cổ phiếu bất động sản có dấu hiệu vỡ bong bóng thì việc dòng tiền ồ ạt rời bỏ nhóm bất động sản dịch chuyển về nhóm cổ phiếu có cơ bản tốt là việc chắc chắn sẽ sảy ra.
Nhà đầu tư nên hành động ra sao?
Sau hoảng loạn tuần qua, điều nhiều nhà đầu tư trong đó chủ yếu là F0 quan tâm đó là nên hành động ra sao?
Theo Võ Văn Cường, tác động của các cổ phiếu bị nhà đầu tư bán tháo lên chỉ số là không nhiều. Nhà đầu tư chỉ nên nhìn nhận biến động vừa qua như một bài học để sàng lọc cổ phiếu một cách thận trọng, phân phối tài sản một cách hợp lý hơn vào các cổ phiếu nóng.
Chuyên gia này cho rằng, các câu chuyện trung hạn, dài hạn như hồi phục kinh tế, nâng hạng thị trường, đầu tư công… vẫn hỗ trợ cho thị trường đi lên.
“Ngay cả nhóm ngành Bất động bị chao đảo tuần qua thì tôi vẫn tin rằng đây là nhóm sáng giá nhất trong năm 2022. Các cơ hội đầu tư cho nhóm này vẫn còn nhiều nên nhà đầu tư cũng tránh mù quáng bán tháo những cổ phiếu tốt”, Giám đốc đầu tư TPS chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, các nhóm Ngân hàng, Năng lượng, Bán lẻ, Tiện tích cũng khá hấp dẫn và có nhiều câu chuyện để kể trong năm 2022. Sau giai đoạn chạy theo dòng tiền đầu cơ, ông Cường vẫn kỳ vọng nhà đầu tư sẽ quay về các cổ phiếu có yếu tố cơ bản, có kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV/2021.
“Tôi luôn duy trì quan điểm, kênh chứng khoán có hiệu suất sinh lời hơn các kênh đầu tư khác ở thời điểm hiện tại”, ông Cường nhận định.
Còn theo ông Nguyễn Việt Quang, đối với nhà đầu tư đã chót “đu đỉnh” đối với nhóm cổ phiếu bất động sản thì cần phải quyết liệt cắt lỗ đối với nhóm cổ phiếu này. Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc thị trường tuần qua đón nhận rất nhiều thông tin xấu.
“Các cổ phiếu bất động sản đã có giai đoạn đi lên dựng đứng và đã có nhiều phiên trần liên tục do vậy khi nhóm này quay đầu giảm sẽ sảy ra hiện tượng sàn liên tục và nhà đầu tư cần quyết liệt cắt lỗ tránh thiệt hại và chuyển sang đầu tư vào các cổ phiếu có nền tảng tốt và định giá hợp lý như nhóm ngân hàng”, ông Quang cho biết.
Nhận định về xu hướng thị trường, theo ông Quang, giai đoạn tới VN-Index sẽ tiếp tục dao động quanh ngưỡng 1.500 điểm khi mà dòng tiền đang bị phân hóa khá mạnh. Tuy nhiên vị này cho rằng kịch bản xấu khi dòng tiền bị sức ép rút ra để tránh kỳ nghỉ Tết dài là rất khó xảy ra khi mà nhóm ngân hàng thể hiện là một trụ đỡ khá chắc chắn cho thị trường. Việc nhà đầu tư hạn chế giao dịch dẫn đến thanh khoản thấp phần lớn là do thị trường đang đón nhận nhiều thông tin trái chiều và kỳ nghỉ Tết dài sắp tới là những yếu tố khiến nhà đầu tư hạn chế giao dịch.
“Tôi cho rằng nhóm nghành ngân hàng, chứng khoán, nông nghiệp sẽ là những nhóm ngành có kết quả tăng trưởng khả quan” chuyên gia Yuanta nhận định.