Tấm thẻ quyền lực
Trong bối cảnh đại dịch Covid–19 vẫn đang tiếp tục hoành hành, khi mà khẩu trang được xem là “tấm áo giáp” bắt buộc nếu con người muốn di chuyển hay giao thương, thì nay xuất hiện một tấm thẻ “quyền lực” mới giúp người ta có thể đi lại quốc tế, được nhắc nhiều nhất chính là giấy chứng nhận tiêm vaccine, hay còn gọi là “hộ chiếu vaccine”.
Trước mắt, nhiều quốc gia trên thế giới đã ủng hộ việc sử dụng “tấm thẻ” này như một giải pháp đi lại quốc tế thời hậu vaccine. Những ai có tấm thẻ này có thể đi lại tự do mà những người chưa có tấm thẻ sẽ không được phép.
Gần đây, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã lên tiếng ủng hộ việc này. Đặc biệt, Trung Quốc đã chính thức triển khai chương trình cấp chứng nhận y tế điện tử dành cho người dân trong nước và trở thành nước dẫn đầu thế giới về kế hoạch cấp "hộ chiếu vaccine" trong đại dịch.
Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA) đã phát triển một công cụ số gọi là Thẻ thông hành số (Digital Travel Pass), sử dụng trong lĩnh vực hàng không nhằm giúp hành khách quản lý lịch trình đi lại và chứng minh cho các hãng hàng không và cơ quan có thẩm quyền rằng họ đã được tiêm phòng hoặc xét nghiệm Covid-19.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Common Project, một tổ chức phi lợi nhuận của Thụy Sỹ, đã phát triển và đang trong giai đoạn thử nghiệm Thẻ thông hành chung (Common Pass). Ứng dụng này cho phép người dùng truy cập các thông tin về xét nghiệm, vaccine và ứng dụng sẽ sinh ra mã QR Code để cung cấp thông tin cho các nhà chức trách khi cần thiết.
Còn Tổ chức Du lịch Thế giới nói rằng, việc áp dụng chứng nhận tiêm phòng vaccine sẽ là công cụ đặc biệt quan trọng giúp ứng phó với đại dịch, thúc đẩy tái khởi động hoạt động du lịch quốc tế một cách an toàn.
Trong khu vực ASEAN thì Singapore, Thái Lan… cũng đã bắt đầu bàn tới câu chuyện này nhằm đẩy mạnh giao thương và đón khách du lịch thời hậu vaccine.
Nhưng không phải quốc gia nào cũng ủng hộ tấm thẻ này, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết chính phủ của ông không có kế hoạch áp dụng 'hộ chiếu vaccine' chứng thực một người đã được tiêm phòng, ở cấp liên bang đối với người dân người Canada.
Nhà lãnh đạo Canada cho rằng việc chuẩn hóa một biện pháp như vậy có thể có 'tác động gây chia rẽ thực sự' đối với Canada và các cộng đồng dân cư.
Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng phải khẳng định rằng, trong thời gian ngắn tới, chắc chắn giải pháp này sẽ được triển khai ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, bởi sau một năm đóng cửa giao thương, du lịch… đã đến lúc thế giới cần trở lại trạng thái “bình thường mới” và đây cũng sẽ là một xu thế mới, phù hợp trong hoàn cảnh dịch Covid–19 vẫn đang hoành hành trên phạm vi toàn cầu.
Chỉ có điều, nếu như khẩu trang là cách bảo vệ an toàn và dễ thực hiện cho mọi công dân thế giới thì “hộ chiếu vaccine” lại không phải là thứ dễ tiếp cận như vậy. Bởi nó còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó là điều kiện, hoàn cảnh của mỗi quốc gia, thậm chí là tư duy, suy nghĩ của mỗi cá nhân tiêm hay không tiêm.
Đó là chưa kể cơ hội tiếp cận vaccine cũng không phải dễ dàng khi mà lượng vaccine sản xuất trên toàn cầu vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu trên thế giới, điều này dễ gây ra việc bất bình đẳng giữa người có và chưa có “tấm thẻ” này.
Cho dù còn nhiều tranh cãi, nhưng phải thừa nhận ở hoàn cảnh hiện nay, bên cạnh tấm hộ chiếu thông thường thì “hộ chiếu vaccine” thực sự là tấm thẻ đầy quyền lực nếu con người muốn giao thương hoặc du lịch quốc tế.