Vaccine Covid-19 của nước nào tốt nhất?

Theo Phương linh/nhadautu.vn

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành dữ dội, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ, nhiều quốc gia đang nỗ lực chạy đua tìm thuốc điều trị và vaccine phòng ngừa.

 Bộ phận sản xuất vaccine của Sinopharm ở Bắc Kinh. Ảnh: REUTERS
Bộ phận sản xuất vaccine của Sinopharm ở Bắc Kinh. Ảnh: REUTERS

Thế giới đang ở giữa tâm bão đại dịch Covid-19, trong khi đó Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác đang làm việc cùng nhau về ứng phó, đồng thời chạy đua để phát triển, triển khai vaccine an toàn và hiệu quả. 

Theo thống kê mới nhất từ WHO, hiện có hơn 50 ứng cử viên vaccine Covid-19 đang được thử nghiệm. WHO đang phối hợp với các nhà khoa học, doanh nghiệp và các tổ chức y tế toàn cầu thông qua ACT Accelerator - Hợp tác toàn cầu để đẩy nhanh quá trình phát triển, sản xuất và tiếp cận công bằng đối với chẩn đoán, điều trị và vaccine Covid-19 mới.

Tại Trung Quốc, có 4 loại vaccine ngừa Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối, gồm Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm), Công ty dược phẩm sinh học Sinovac Biotech, Công ty sinh học CanSino Biologics và Viện Các chế phẩm sinh học Vũ Hán (trực thuộc Tập đoàn Công nghệ sinh học quốc gia Trung Quốc - CNBG).

Tính đến đầu tháng 11/2020 có 4 ứng viên vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 3, gồm 3 loại vaccine bất hoạt và 1 loại vaccine phát triển theo công nghệ vector virus (Ad5-nCoV sử dụng adenovirus).

Ông Doãn Vệ Đông, Chủ tịch Sinovac Biotech, cho biết công ty này đã thử nghiệm 7 phương pháp tiêm chủng khác nhau, cuối cùng nhận thấy hướng nghiên cứu vaccine bất hoạt là tốt nhất.

Ông này khoe vaccine CoronaVac có thể "chống lại tất cả các chủng virus SARS-Cov-2 trên thế giới", công ty đủ sức sản xuất 300 triệu liều CoronaVac mỗi năm và đến đầu năm 2021 có đủ vaccine tiêm chủng đại trà cho người dân.

Đến nay, có khoảng 60.000 người tình nguyện ở nước ngoài tham gia thử nghiệm các loại vaccine ngừa Covid-19 của Trung Quốc.

Trung Quốc dự kiến đến cuối năm nay sẽ sản xuất 610 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 mỗi năm. Số lượng này có thể tăng lên hơn 1 tỷ liều vào năm 2021.

Mặc dù vaccine đang trong quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, từ tháng 7/2020 Chính phủ Trung Quốc đã bật đèn xanh tiêm chủng đại trà vaccine cho hàng trăm ngàn người với lý do phục vụ mục đích khẩn cấp. Công tác tiêm chủng quy mô lớn bắt đầu thí điểm ở tỉnh Chiết Giang.

Thống đốc bang Sao Paulo của Brazil Jao Doria thông báo Viện Butantan - một trong những trung tâm nghiên cứu y tế hàng đầu của nước này - đã bắt đầu dự án cải tạo một cơ sở của cơ quan này thành một nhà máy sản xuất vaccine ngừa Covid-19 với công suất lên tới 100 triệu liều/năm, trên cơ sở hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa Sao Paulo và phòng thí nghiệm Sinovac của Trung Quốc.

Ông Doria cho biết đây sẽ là nhà máy sản xuất vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên tại Mỹ Latin. Dự kiến công trình có vốn đầu tư trị giá khoảng 142 triệu real (26,5 triệu USD) sẽ được hoàn thiện vào tháng 9/2021 và loại vaccine sẽ được cơ sở này sản xuất là CoronaVac, do phòng thí nghiệm Sinovac nghiên cứu và phát triển.

Brazil là quốc gia Mỹ Latin được lựa chọn thử nghiệm một loạt loại vắc xin ngừa Covid-19 đang được các phòng thí nghiệm trên thế giới nghiên cứu. Ngoài loại vắc xin của Trung Quốc, Brazil cũng là nơi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin do Công ty dược AstraZeneca và Trường đại học Oxford của Anh nghiên cứu, cũng như của Công ty đa quốc gia Johnson & Johnson và liên doanh BioNTech (Đức) và Wyeth/Pfizer (Mỹ).

Trong khi đó, ngày 11/8, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine Covid-19 mang tên Sputnik V, được phát triển bởi Viện Nghiên cứu Khoa học về Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga.

Thử nghiệm sau đăng ký của vaccine Sputnik V bắt đầu ở Moscow vào ngày 7/9. Đến 9/9, các tình nguyện viên bắt đầu nhận những mũi tiêm chủng vaccine đầu tiên. Tổng số có 40.000 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm, trong đó có 10.000 người được sử dụng giả dược thay vì vaccine.

Hãng tin TASS dẫn nguồn tin từ ông Ramil Khabriyev - thành viên ủy ban giám sát độc lập kiểm tra kết quả thử nghiệm lâm sàng vaccine - ngày 10/12 cho biết, dữ liệu sơ bộ thu được trong các thử nghiệm vaccine Covid-19 Sputnik V của Nga cho thấy hiệu quả 69,3% sau khi tiêm liều thứ nhất và lên tới 96,2% sau liều tiêm thứ 2. Trước đó, Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF) đã báo cáo rằng vaccine Covid-19 Sputnik V có hiệu quả tới 95%.

Tại Hoa Kỳ, Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) quốc gia này đã phê duyệt vaccine Covid-19 của Pflzer và BioNTech của Đức phát triển dành cho trường hợp khẩn cấp, một bước ngoặt đáng chú ý trong đại dịch 100 năm có một này.

Theo đó, FDA đã cấp phép cho loại vaccine Covid-19 mang tên BNT162b2 của Pfizer và BioNTech, sau cuộc thử nghiệm diện rộng với hơn 43.000 người cho thấy nó có hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 tới 95%. Vaccine sử dụng công nghệ RNA thông tin cải tiến để đưa vào cơ thể protein đột biến trên bề mặt của virus SARS-CoV-2. Kết quả của cuộc thử nghiệm đã được công bố trên Tạp chí Y học New England vào ngày 10/12.

Đây là loại vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên được phê duyệt ở Mỹ. Mỹ trở thành quốc gia thứ tư phê duyệt loại vaccine này để tiêm chủng đại trà, sau Anh, Bahrain và Canada. Nhưng đây sẽ là quốc gia đông dân nhất tiêm chủng Covid-19 bằng vaccine của Pfizer.

Quyết định phê duyệt vaccine Covid-19 của FDA sẽ khởi động quá trình phân phối vaccine của Chính phủ liên bang tới 64 bang, phạm vi và thành phố tại Mỹ. Chính phủ lên kế hoạch phân phối 2,9 triệu liều vaccine trong vòng 24 giờ và sẽ bổ sung thêm 2,9 triệu liều trong 21 ngày sau đó để các bệnh nhân tiêm liều thứ 2, tướng Gustave Perna – quản lý logistics cho chương trình phân phối vaccine của Tổng thống Trump – cho biết trong ngày 9/12. Vaccine Covid-19 của Pfizer cần phải được tiêm 2 liều, mỗi liều cách nhau 3 tuần.

Vaccine Covid-19 được phê duyệt trong bối cảnh không thể nào khẩn cấp hơn. Các bệnh viện trên khắp nước Mỹ giờ đang phải nhận lượng bệnh nhân Covid-19 cao hơn bao giờ hết và nước Mỹ sắp ghi nhận thêm những kỷ lục mới ảm đạm hơn trong đại dịch lần này.

Trước đó, một ứng cử viên sáng giá của Hoa Kỳ là Moderna với kết quả trong một phân tích sơ bộ của thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn cuối, hãng này cho biết vaccine Covid-19 của họ đã có hiệu quả 94,5% trên người.

Khi vaccine được phép sử dụng, việc phân phối sẽ là một thách thức đáng kể. Hiện tại, việc xử lý mũi tiêm vẫn đang được nghiên cứu. Ví dụ, vaccine của Pfizer và BioNTech phải bảo quản ở nhiệt độ cực kỳ lạnh trước vài ngày sử dụng.

Trong khi đó, Moderna cho biết vaccine của họ có thể bảo quản ở nhiệt độ tủ lạnh trong 30 ngày – lâu hơn nhiều so với ước tính trước đó là 7 ngày. Để bảo quản lâu hơn, vaccine có thể được giữ trong tủ đông, dù không cần đến các thiết bị đặc biệt như vaccine của Pfizer.

Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc đua sản xuất vaccine Covid-19 với ứng cử viên mới nhất vừa được thử nghiệm lâm sàng.

Theo đó, ngày 10/12, Bộ Y tế, Học Viện Quân y (Bộ Quốc Phòng) và Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Dược NANOGEN chính thức thông tin khởi động dự án thử nghiệm lâm sàng dự án vaccine phòng Covid-19 – NANO COVAX do Công ty NANOGEN nghiên cứu và sản xuất.

Tại Việt Nam, hiện có 4 nhà sản xuất vaccine phòng Covid-19 đang nỗ lực, tập trung các nguồn lực nghiên cứu, sản xuất, đó là Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC), Công ty Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH), Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC) và Công ty Công nghệ sinh học Dược NANOGEN.

Từ tháng 5/2020, Công ty NANOGEN đã bắt đầu tiến hành nghiên cứu và sản xuất vaccine Covid-19. Đây là dự án theo đơn đặt hàng của Bộ Khoa học - Công nghệ. Vaccine Covid-19, có tên gọi NANO COVAX, được phát triển theo công nghệ protein tái tổ hợp.

Theo đại diện NANOGEN, nhược điểm của loại vaccine này là vấn đề thời gian vì phải tạo dòng và chọn lọc trên tế bào, nhưng ưu đểm lớn nhất của vaccine NANO COVAX là tạo được đáp ứng miễn dịch tốt, độ an toàn cao, ít tác dụng phụ và có điều kiện bảo quản thuận lợi hơn so với các loại vaccine khác (bảo quản 2 độ C – 8 độ C).

Sau quá trình thử nghiệm tiền lâm sàng trên chuột Balb/c, chuột Hamster và khỉ cho quả rất tốt, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược NANOGEN đã nộp hồ sơ xin được cấp phép thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19 trên người.

Sáng 9/12, Hội đồng Đạo đức/Ban Đánh giá các vấn đề đạo đức trong nghiên cứu y sinh học của Bộ Y tế đã họp và phê duyệt thử nghiệm lâm sàng vaccine NANO COVAX.

Từ ngày 10/12, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược NANOGEN phối hợp với Học viện Quân Y (Bộ Quốc Phòng) bắt đầu quá trình thử nghiệm vaccine trên người. Công ty NANOGEN đã tham khảo các nghiên cứu lâm sàng của nước ngoài, xây dựng các tiêu chí đánh giá độ an toàn và hiệu quả dựa trên đặc điểm quần thể và dịch tễ học tại Việt Nam để lập đề cương nghiên cứu và lựa chọn thiết kế nghiên cứu phù hợp.