Tận dụng cơ hội phát triển bền vững thị trường tài chính tiêu dùng
Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam phát triển mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây và trở thành một trong những lĩnh vực thu hút nguồn vốn đầu vào lớn từ các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, để phát triển bền vững thị trường này, cần giải quyết một số vấn đề đặt ra.
Nhiều dư địa phát triển
Theo tính toán của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC), quy mô thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam liên tục có sự tăng trưởng mạnh, ước tính từ mức 646.000 tỷ đồng vào năm 2016 sẽ tiến tới mốc 1.000.000 tỷ đồng vào năm 2019, với mức tăng trưởng bình quân 29% mỗi năm.
Đà phát triển mạnh của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam thời gian qua bắt nguồn từ quy mô dân số đạt ngưỡng gần 95 triệu dân, tốc độ đô thị hóa và tỷ lệ dân thành thị cao, mức thu nhập không ngừng tăng. Bên cạnh đó, các yếu tố có ý nghĩa tác động quyết định là những thay đổi lớn trong thói quen của người tiêu dùng (thói quen vay mượn từ người thân, bạn bè hoặc thị trường tài chính không chính thống dần chuyển sang vay mượn từ các công ty tài chính) và nhu cầu cao về tín dụng bất động sản của tầng lớp thu nhập trung bình.
Tất cả các yếu tố trên đã giúp thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam phát triển mạnh và trở thành một trong những lĩnh vực thu hút nguồn vốn đầu vào lớn từ các đối tác nước ngoài, trong đó, có nhiều tập đoàn tài chính lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc.
Có thể kể đến, HDBank chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của Công ty Tài chính (CTTC) HD Finance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản); Công ty Cho thuê tài chính TNHH một thành viên BIDV (BLC), từ công ty do BIDV sở hữu 100% vốn điều lệ đã trở thành Công ty Cho thuê tài chính TNHH BIDV - SuMi TRUST (BSL), với sự tham gia sở hữu 49% vốn điều lệ của Ngân hàng Tín thác Sumitomoh Mitsui. Trong khi đó, Ngân hàng TechcomBank cũng xác nhận thực hiện thương vụ chuyển nhượng toàn bộ vốn tại CTTC TechcomFinance cho Lotte Card (Hàn Quốc)…
Việc các CTTC huy động được nguồn vốn lớn từ nhà đầu tư nước ngoài có uy tín được kỳ vọng giúp họ có nguồn lực mạnh hơn, từ đó, các chiến lược kinh doanh được xây dựng hấp dẫn hơn, với mức lãi suất cho vay tốt hơn.
Nhìn thấy cơ hội để khai thác tiềm năng này, cuộc chạy đua thâu tóm và thành lập công ty tài chính của các ngân hàng Việt cũng diễn ra khá sôi động. Cụ thể như Vietcombank dự kiến sẽ thành lập công ty tài chính tiêu dùng; ACB, Sacombank cũng có kế hoạch mua lại hoặc thành lập mới công ty tài chính tiêu dùng…
Nếu như ở các nước phát triển, tỷ trọng cho vay tiêu dùng thường chiếm khoảng từ 40% đến 50% trên tổng dư nợ, thì tỷ lệ này của các TCTD Việt Nam hiện chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 5% trên tổng dự nợ tín dụng. Các chuyên gia kinh tế, tài chính dự báo, trong vòng vài năm tới, sự cạnh tranh sẽ diễn ra mạnh mẽ, kéo theo những thay đổi tích cực về hoạt động kinh doanh, cơ chế lãi suất… nhằm giành thị phần lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Và khi đó, đối tượng được hưởng lợi trực tiếp không ai khác chính là những người tiêu dùng trong nước.
Để thị trường tài chính tiêu dùng phát triển bền vững
Dư địa phát triển thị trường tài chính tiêu dùng vẫn còn rất lớn vì mức thâm nhập thị trường này còn thấp và số lượng người chưa sử dụng dịch vụ ngân hàng ở Việt Nam là đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại, thách thức đặt ra để thị trường này phát triển bền vững.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cho rằng, muốn phát triển thị trường tài chính tiêu dùng, Ngân hàng Nhà nước, các cơ quan quản lý nhà nước… cần hoàn hiện hành lang pháp lý, đồng thời tăng cường giáo dục tài chính, nâng cao nhận thức tài chính tiêu dùng và văn hóa tiêu dùng của người dân theo xu hướng phát triển chung của thế giới.
Hiện nay, lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn cho vay thương mại. Lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại hiện trong khoảng 11-20%. Còn tại các CTTC, mức lãi suất dao động từ 20% tới hơn 50%. Theo nhiều chuyên gia kinh tế - tài chính, muốn giảm lãi suất tiêu dùng có nhiều giải pháp nhưng cần ưu tiên xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở dữ liệu và khai thác sử dụng công nghệ hiệu quả tốt cho tất cả các bên, giảm gánh nặng đối với người vay.
Trong khi đó, về phía cơ quan quản lý, Ngân hàng Nhà nước cho biết, Ngân hàng Nhà nước đặc biệt lưu ý việc bảo vệ người tiêu dùng trước những rủi ro vỡ nợ, đồng thời khuyến cáo các CTTC cần nâng cao quy trình thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ, lịch sử vay, trả và các yếu tố khác của khách hàng để tránh những xung đột xã hội.