Tận dụng cơ hội phát triển thị trường lao động bền vững
(Tài chính) Không chỉ đẩy nhanh tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao hơn, sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015 còn được Giám đốc ADB Việt Nam Tomoyuki Kimura nhận định: có thể giúp nước ta cạnh tranh trên thị trường toàn cầu dựa trên năng suất lao động và kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn.
Cộng đồng Kinh tế ASEAN dự kiến sẽ được thành lập vào cuối năm 2015, được coi là bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của nền kinh tế Đông Nam Á, hướng tới một cơ sở sản xuất và thị trường chung của toàn khu vực. Trong đó, phải kể đến, xã hội là một trong ba trụ cột chính của AEC, bên cạnh an ninh - chính trị và kinh tế.
Theo Báo cáo Cộng đồng ASEAN 2015: Quản lý hội nhập hướng tới việc làm tốt hơn và thịnh vượng chung do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố tại cuộc đối thoại chính sách quốc gia mới đây, AEC hình thành thúc đẩy sự gia tăng tất yếu của các dòng đầu tư và thương mại, tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế hướng tới các ngành có giá trị cao hơn sẽ được đẩy nhanh. Nhờ đó, AEC sẽ cho phép các lao động có tay nghề cao, dịch vụ, đầu tư và hàng hóa của 10 quốc gia thành viên của ASEAN được di chuyển tự do trong khu vực. Là một trong một số nước được nhận định sẽ hưởng lợi nhiều hơn từ việc hội nhập kinh tế khu vực sâu rộng so với các nước khác do nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào ngoại thương, đối với nước ta, AEC có thể giúp cạnh tranh trên thị trường toàn cầu dựa trên năng suất lao động và kỹ năng nghề nghiệp tốt hơn.
Thực tế, điều này có nghĩa là AEC cho phép nước ta cạnh tranh trên thị trường toàn cầu trên cơ sở cải cách và tăng năng suất lao động, từ đó, thúc đẩy việc làm trong các khu vực chính. Theo dự báo từ ILO và ADB, đến năm 2025, AEC sẽ giúp tạo thêm 14 triệu việc làm ở khu vực ASEAN và cải thiện đời sống của 600 triệu người dân hiện sinh sống trong khu vực. Đối với nước ta, sự ra đời của AEC được dự báo sẽ hỗ trợ thức đẩy tăng trưởng việc làm thêm 10,5%.
Song, Báo cáo của ILO và ADB cũng chỉ ra rằng, trong giai đoạn 2010 - 2025, nhu cầu đối với việc làm cần tay nghề trung bình sẽ tăng nhanh nhất, ở mức 28%. Vì vậy, đối với những người tìm việc mà thiếu những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết sẽ không thể nắm bắt được những cơ hội mới ấy. Thậm chí, nếu không đẩy mạnh phát triển kỹ năng cùng với tay nghề, lao động nước ta có thể bị mất việc ngay trên thị trường việc làm trong nước.
Hơn nữa, theo ông Yoshiteru Uramoto - Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ILO: lợi ích chung không được chia đều cho tất cả. Trong khi một số ngành sẽ trở nên phát đạt thì một số ngành khác lại có thể phải cắt giảm việc làm. Nên phải hành động thật quyết đoán và quản lý hợp lý để thực thi một cách hiệu quả chính sách, bảo đảm những rủi ro từ tiến trình hội nhập AEC sẽ không khiến cho chúng ta bị thụt lùi hoặc làm trầm trọng hơn tình trạng bất bình đẳng.
Để đạt được mục tiêu đó, vị đại diện ILO này cho biết, cần giải quyết câu hỏi là việc hội nhập và kết nối trong khu vực sẽ giúp cải thiện mức sống của những người dân bình thường như thế nào? Và những biện pháp ấy có giúp họ tìm được một công việc tốt, ổn định đi kèm thu nhập tốt và điều kiện làm việc tốt hay không?
Theo đó, đầu tiên là ưu tiên thực hiện các biện pháp nâng cao năng suất lao động và chất lượng việc làm trong ngành nông nghiệp và đa dạng hóa công việc trong các ngành chế tạo mới, trong khi vẫn tiếp tục hỗ trợ ngành dệt may. Đơn giản vì tỷ trọng việc làm của ngành nông nghiệp theo nghiên cứu của ILO và ADB có thể giảm xuống còn 35,2% vào năm 2025 nhưng ngành này vẫn tạo ra khoảng 22 triệu việc làm cho người lao đông, tăng 2 triệu lao động so với không hội nhập AEC. Trong bối cảnh đó, nâng cao năng suất lao động trong ngành nông nghiệp sẽ là yếu tố then chốt.
Tiếp theo, cần mở rộng độ bao phủ phúc lợi xã hội, trong đó có cơ chế bảo hiểm thất nghiệp trên toàn quốc. Biện pháp này sẽ góp phần giảm bớt những tác động của chuyển dịch cơ cấu và hỗ trợ người lao động chuyển sang làm việc ở các ngành với năng suất cao hơn. Cần củng cố hệ thống đào tạo phát triển kỹ năng, tập trung cải thiện giáo dục trung học và đào tạo nghề để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với lao động có kỹ năng nghề trung bình. Thêm nữa, hệ thống công đoàn cũng là một yêu cầu bức thiết để tạo ra môi trường kinh doanh bền vững hơn. Điều này góp phần bảo đảm rằng, tăng năng suất lao động đi kèm tiền lương cao hơn và điều kiện làm việc tốt hơn, đồng thời bảo đảm một thị trường lao động bền vững. Cuối cùng, theo khuyến nghị của ILO, cần cải thiện công tác bảo vệ nhóm lao động di cư và các hệ thống phục vụ việc công nhân kỹ năng của họ, đặc biệt là ở những ngành nghề mà trong đó các lao động với kỹ năng thấp và trung bình chiếm tỷ lệ cao như xây dựng.