Tận dụng cơ hội từ tín dụng bán lẻ

Anh Thư

Tín dụng bán lẻ là động lực tăng trưởng của nhiều ngân hàng trong thời gian qua. Với biên lợi nhuận cao và khả năng phân tán rủi ro, không ít ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng bán lẻ trong thời gian tới.

Tín dụng bán lẻ tăng mạnh trong thời gian qua
Tín dụng bán lẻ tăng mạnh trong thời gian qua

Tín dụng bán lẻ là hình thức cung cấp tín dụng của ngân hàng cho các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tín dụng bán lẻ có ý nghĩa quan trọng đối với ngân hàng, các khách hàng và cả nền kinh tế.

Tín dụng bán lẻ tăng mạnh trong thời gian qua và Vietcombank là ngân hàng được nhắc đến như một điển hình thành công khi đẩy mạnh tín dụng bán lẻ. Đại diện Vietcombank cho biết, 5 - 6 năm trước đây, thị trường vẫn nhìn Vietcombank như một ngân hàng bán buôn nhưng giờ bán lẻ tăng trưởng trung bình 30%/năm. 

Trong năm 2019, tín dụng bán buôn của Vietcombank chỉ tăng 2,3% trong khi tín dụng bán lẻ tăng tới 32,3%. Theo Công ty chứng khoán SSI, mảng bán lẻ chiếm khoảng 40% lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng này.

Ước tính của SSI về 1 ngân hàng khác là BIDV cũng cho biết, dư nợ tín dụng bán lẻ tăng trưởng 21,5% trong năm 2019 so với năm 2018, chiếm 34,1% tổng dư nợ cho vay (so với năm 2018 là 32,2%).

Đối với VIB, ngân hàng này cho biết dư nợ cho vay khách hàng cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ tính đến thời điểm cuối năm 2019 đạt gần 110.000 tỷ đồng, tăng trưởng 46% so với đầu năm và chiếm 82% tổng dư nợ cho vay.

Người tiêu dùng Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng nhanh hơn các nước trong khu vực có mức thu nhập tương đồng. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng bán lẻ đang dần giảm tốc do kinh tế vĩ mô phát triển bớt nóng hơn cũng như chính sách siết dần của Ngân hàng Nhà nước đối với lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Theo các chuyên gia kinh tế, cạnh tranh trong tín dụng bán lẻ bởi thế sẽ ngày càng khốc liệt.

Với biên lợi nhuận cao và khả năng phân tán rủi ro, không ít ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tín dụng bán lẻ trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đẩy mạnh phát triển tín dụng bán lẻ, các ngân hàng cần chú trọng một số vấn đề sau:

Thứ nhất, phát triển các sản phẩm tín dụng bán lẻ.

Các sản phẩm cần được xây dựng để phù hợp với nhiều loại đối tượng khác nhau. Chiến lược phát triển sản phẩm tín dụng bán lẻ của các ngân hàng cần được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, phân tích các sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh.

Điều quan trọng nữa là các ngân hàng nên tập trung phát triển các sản phẩm tín dụng bán lẻ hướng tới những đối tượng khách hàng có tiềm năng, có thu nhập tốt, có năng lực và có công việc ổn định, ví dụ như đối tượng khách hàng cá nhân là các cán bộ công chức, công nhân viên của các tổ chức, các công ty lớn…     

Thứ hai, quản lý và phát triển khách hàng tín dụng bán lẻ.

Các ngân hàng cần kết hợp phát triển khách hàng mới song song với việc duy trì lượng khách hàng hiện có; cần có chính sách chăm sóc khách hàng tận tình, chu đáo, đặc biệt đối với những khách hàng uy tín, tiềm năng cần có các ưu đãi kịp thời, thích hợp.

Thứ ba, đẩy mạnh hoạt động quảng cáo, tuyên truyền.

Muốn làm tốt công tác quảng cáo, marketing các sản phẩm tín dụng bán lẻ, các ngân hàng cần đẩy mạnh việc quảng cáo, tuyên truyền để người dân biết đến và hiểu về các chương trình, sản phẩm, chính sách tín dụng bán lẻ của ngân hàng. Việc quảng cáo giới thiệu có thể thực hiện bằng quảng cáo qua băng rôn, áp phích, tờ rơi hoặc qua các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, cần thực hiện thực hiện quảng cáo qua mạng bằng cách thông qua các dịch vụ truyền thông như website, mạng xã hội…

Bên cạnh các giải pháp nêu trên, các ngân hàng cần nâng cao trình độ cán bộ tín dụng bán lẻ về cả năng lực chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp; thực hiện ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ, đặc biệt là giải pháp ngân hàng số để phục vụ hoạt động bán lẻ của ngân hàng.

Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quản lý tín dụng bán lẻ, các ngân hàng cần quản lý tốt rủi ro tín dụng, hạn chế nợ quá hạn, nợ xấu đến mức tối đa...