Tận dụng lợi thế các FTA chưa hiệu quả
(Tài chính) Khi tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), mục đích của Việt Nam là đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường. Thế nhưng, cho đến nay, việc tận dụng lợi thế mà FTA mang lại của doanh nghiệp (DN) vẫn chưa hiệu quả, nếu không muốn nói là có chiều hướng đi xuống.
Lợi thế
Tại Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu 2013 do Bộ Công Thương ngày 11/4, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nội dung quan trọng nhất trong các FTA mà Việt Nam tham gia đến nay là lộ trình cắt giảm thuế quan, khi thuế quan giảm mạnh là cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận thị trường và đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong những năm gần đây, xuất khẩu sang các thị trường có FTA liên quan tới Việt Nam đều có mức tăng trưởng cao. Cụ thể, trong năm 2011 và 2012, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN tăng tương ứng 30,7% và 27%, sang Nhật bản là 39,5% và 25%, Trung Quốc là 52% và 17%, sang Hàn Quốc là 52,5% và 18%...
Các FTA Việt Nam đã tham gia cho tới nay về cơ bản là với các nước có cơ cấu kinh tế tương đối giống Việt Nam, thậm chí là cạnh tranh với nước ta như các nước ASEAN, Trung Quốc. Tuy nhiên, các đối tác FTA mới mà Việt Nam đang tiến hàng đàm phán bao gồm EU, EFTA, Hàn Quốc, Liên minh Hải quan Nga Belarus và Kazakhstan đều là các nền kinh tế có cơ cấu hàng hóa thương mại bổ sung với việt Nam.
Ông Jean-Jacques Bouflet, Tham tán công sứ, Trưởng ban kinh tế thương mại phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho rằng, khi có FTA song phương Việt Nam - EU, 90% sản phẩm sẽ được xuất nhập khẩu vào thị trường của nhau với mức thuế 0%. Ngoài việc được hưởng lợi để tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, Việt Nam còn được hưởng lợi trong việc thu hút nhiều hơn luồng vốn đầu tư nước ngoài.
Chưa được DN quan tâm
Tuy nhiên, thông qua những con số thống kê trên của Bộ Công Thương có thể thấy rằng, khả năng tận dụng các cam kết mở cửa thị trường theo các FTA của DN Việt Nam vẫn còn hạn chế, giảm qua từng năm ở các thị trường.
Nguyên nhân là do hiện không ít DN chưa hiểu hoặc chưa quan tâm đến các ưu đãi về thuế quan. Sự thiếu quan tâm này làm cho DN mất đi lợi thế về thuế, khả năng cạnh tranh, hàng hóa trên thị trường quốc tế. DN cũng chưa cập nhật đầy đủ về cam kết cắt giảm thuế quan hàng năm của các đối tác trong các FTA với Việt Nam.
Bên cạnh đó, sự chuyển đổi cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu sản xuất của các DN để đáp ứng các tiêu chí về chứng nhận xuất xứ diễn ra chậm và chưa đáp ứng được các nhu cầu hiện nay.
Ông Jean-Jacques Bouflet cho biết, hiện tỷ lệ hàng hóa của Việt Nam thực được hưởng ưu đãi thuế quan phổ cập GSP rất là thấp, chỉ có khoảng 24%, thấp hơn nhiều so với thời gian trước 2009 là 44%. Nguyên nhân là do sự phát triển của ngành dệt may đã chín muồi, các vụ kiện chống bán phá giá… làm cho việc hưởng ưu đãi này giảm dần, không nhiều sản phẩm của DN Việt Nam đủ điều kiện hưởng lợi.
Để khắc phục những hạn chế trên cũng như đón đầu các cơ hội, ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, DN phải tổ chức, đổi mới phương thức kinh doanh, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, xác lập các liên kết từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng và xuất khẩu, hình thành các chuỗi cung ứng để có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Hiện Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ ngành liên quan đẩy nhanh thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.