Tân Thủ tướng Anh đối mặt áp lực khủng hoảng kinh tế, chính trị
Tân Thủ tướng Anh Sunak sẽ phải có những hành động cấp bách để ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị đang có diễn biến phức tạp ở quốc gia này.
Thông báo từ Điện Buckingham nêu rõ, ông Sunak đã được Vua Charles III bổ nhiệm làm Thủ tướng Anh tiếp theo và chấp thuận đề nghị thành lập nội các mới của ông. Đáng chú ý, ông Sunak là Thủ tướng đầu tiên nhậm chức trong triều đại của Vua Charles III, sau khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời. Ông cũng là người da màu đầu tiên, người Anh gốc Á đầu tiên và cũng là người gốc Ấn đầu tiên dẫn dắt nước Anh.
Ngay sau đó, ông đã có bài phát biểu đầu tiên tại số 10 phố Downing, London. Tân Thủ tướng Anh cho rằng nước Anh đang đối mặt với nhiều thách thức, từ cuộc khủng hoảng kinh tế, hậu quả dai dẳng của đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine.
Tân Thủ tướng Anh bày tỏ lòng biết ơn đối với người tiền nhiệm Liz Truss và cho rằng bà đã đúng khi nỗ lực để thay đổi đất nước và cải thiện tăng trưởng. Ông coi đó là "mục đích cao quý" và ông ngưỡng mộ nỗ lực của bà, nhưng cũng nói thêm rằng bà Truss đã mắc một số sai lầm.
"Tôi đã được bầu làm lãnh đạo đảng Bảo thủ và Thủ tướng của các bạn để sửa chữa những sai lầm đó. Và công việc sẽ được bắt đầu ngay bây giờ", ông Sunak nhấn mạnh; đồng thời cam kết mang đến sự ổn định kinh tế cho nước Anh, dù sẽ có những quyết định khó khăn.
Với những ưu tiên chính sách của mình, Tân Thủ tướng Anh cho biết sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ cụ thể như xây dựng hệ thống y tế mạnh mẽ hơn, trường học tốt hơn, đường phố an toàn hơn, kiểm soát biên giới, bảo vệ môi trường, ủng hộ tăng sức mạnh cho lực lượng vũ trang, tận dụng các cơ hội của Brexit, nơi các doanh nghiệp đầu tư, đổi mới và tạo việc làm.
“Chính phủ mà tôi lãnh đạo sẽ không để thế hệ tiếp theo phải giải quyết các khoản nợ. Tôi cũng sẽ thắt chặt lại tinh thần đoàn kết đất nước của chúng ta, không phải bằng lời nói mà bằng hành động", ông Sunak tuyên bố.
Tân Thủ tướng cũng nhắc tới những thành tích đáng kinh ngạc của cựu Thủ tướng Boris Johnson và bày tỏ sự biết ơn cũng như "trân trọng sự ấm áp và tinh thần rộng lượng của ông ấy”, Tân thủ tướng Anh nói.
Giờ đây, Tân Thủ tướng Anh phải đối mặt với vô vàn thách thức để đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng, trong bối cảnh đảng Bảo thủ bị chia rẽ và mất vị trí trước đảng Lao động đối lập trong các cuộc thăm dò dư luận sau 4 tháng hỗn loạn về chính trị và thị trường tài chính.
Giới quan sát đánh giá, đảng Bảo thủ hiện đang bị chia rẽ theo nhiều đường hơn là tả và hữu, nhưng ông Sunak có thể sẽ gặp khó khăn nhất với cánh dân túy ủng hộ Brexit (Brexiteer) trong nội bộ đảng. Theo ông alma Shah, một cựu cố vấn của Đảng Bảo thủ, nói với CNN “một trong những ưu tiên hàng đầu của Tân thủ tướng sẽ là đàm phán Nghị định thư Bắc Ireland. Nếu cuộc đàm phán không đi theo hướng mà nhóm Brexiteer mong muốn, họ sẽ gây nhiều cản trở đến ông Sunak".
Việc nước Anh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế lớn cũng đòi hỏi hành động cấp bách hơn từ ông Sunak khi mùa đông lạnh giá và thiếu năng lượng đang đến gần.
Bên cạnh đó, danh tiếng quốc tế của Anh đã bị ảnh hưởng trước khi bà Truss nhậm chức. Những vụ bê bối buộc ông Boris Johnson phải từ chức, cùng với những lời phát biểu vi phạm luật pháp quốc tế đối với thỏa thuận Brexit đã làm các nhà lãnh đạo thế giới giảm dần thiện cảm với Vương quốc Anh, dù điều này phần nào đã được cải thiện do sự tiên phong của Anh trong việc viện trợ cho Ukraine.
Theo luật, cuộc tổng tuyển cử tiếp theo phải diễn ra chậm nhất là vào tháng 1/2025. Với việc đảng Lao động đang dẫn trước trong các cuộc thăm dò dư luận, rất khó có khả năng ông Sunak sẽ đẩy nhanh tiến hành bầu cử sớm.