Tăng cho vay ngoại tệ: Con dao hai lưỡi
(Tài chính) Những tháng đầu năm, khi tín dụng hầu như không tăng trưởng, hoạt động cho vay ngoại tệ được nới rộng đã góp phần đẩy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt trên 3%. Tuy nhiên, đây là liệu pháp “cực chẳng đã” với nhiều “tác dụng phụ”.
Tín dụng ngoại tệ: Lợi thì có lợi…
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 6/2014, tín dụng tăng 3,52% so với cuối năm 2013, trong đó có sự đóng góp từ việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ cao. Tín dụng ngoại tệ tăng 12,03% trong khi tín dụng bằng VND tăng 2,17%.
Lãi suất cho vay ngoại tệ thấp hơn 4 - 5% so với lãi suất cho vay nội tệ là một trong những lý do được giải thích về việc tăng tín dụng ngoại tệ. Tuy nhiên, mức chênh lệch lãi suất cao này đã có từ vài năm gần đây do chính sách chống USD hoá nền kinh tế của NHNN, như giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay, siết cho vay ngoại tệ... Với chính sách này, tăng trưởng tín dụng ngoại tệ năm 2013 là âm 16% (theo báo cáo của BSC).
Thực tế, một nguyên nhân quan trọng khiến tín dụng ngoại tệ tăng là việc NHNN đã “nới tay” cho phép các ngân hàng mở rộng tín dụng ngoại tệ. Theo quy định của NHNN, khách hàng chỉ được vay vốn bằng ngoại tệ nếu có đủ nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động sản xuất - kinh doanh để trả nợ. Trường hợp khách hàng không có hoặc không đủ nguồn thu ngoại tệ thì tổ chức tín dụng được phép cho vay sau khi có sự chấp thuận của NHNN.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của NHNN, trong 6 tháng đầu năm, khi tín dụng tăng trưởng thấp, NHNN đã linh hoạt sử dụng cách thức này để góp phần hỗ trợ tín dụng. Ngoài ra, cũng có nguyên nhân là diễn biến tỷ giá năm nay ổn định và dễ dự đoán hơn trước giúp giảm thiểu rủi ro khi vay ngoại tệ.
Việc mở rộng tín dụng ngoại tệ từ đầu năm đến nay có mặt tích cực và tiêu cực. Mặt tích cực là đỡ cho sự “ì ạch” của tín dụng nội tệ, tạo độ tăng trưởng tín dụng chung. Tuy nhiên, theo ý kiến của một chuyên gia tài chính ngân hàng, xét về mặt tiêu cực thì cho vay ngoại tệ là “con dao hai lưỡi” nếu tiếp tục áp dụng biện pháp này để đẩy tăng trưởng tín dụng.
Ngoài những đối tượng thực sự có nhu cầu ngoại tệ để giao dịch thương mại với nước ngoài, việc mở rộng cho vay ngoại tệ có thể dẫn đến sự lạm dụng để đầu cơ. Trong tình hình biển Đông đang phức tạp hiện nay, nếu có một biến động nào đó, tỷ giá sẽ bị đẩy lên rất nhanh và đây có thể là điều mà giới đầu cơ sẽ lợi dụng.
Đi ngược tiến trình giảm đô la hoá
Cùng với đó, cho vay ngoại tệ cũng mang lại rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Theo số liệu từ NHNN, hệ số sử dụng vốn của hệ thống các ngân hàng (tín dụng ngoại tệ/huy động ngoại tệ) lên tới 99,5%.
Cũng theo NHNN, cùng với việc bán ngoại tệ cho NHNN, hệ thống ngân hàng hiện nay đang có trạng thái ngoại tệ âm. Nếu việc cho vay được đẩy mạnh thì trạng thái âm càng lớn, nhất là khi huy động ngoại tệ đang giảm sút (giảm 5,5% tính đến tháng 5 theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia). Điều này sẽ ảnh hưởng tính an toàn của hệ thống ngân hàng trong trường hợp tỷ giá có biến động mạnh. Theo quy định của NHNN, trạng thái ngoại tệ âm hoặc dương của ngân hàng không được vượt quá 20% vốn tự có của ngân hàng.
Một số báo cáo gần đây của các tổ chức cũng cảnh báo về hiện tượng này. Báo cáo của Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia đầu tháng 7 vừa qua cho rằng, cho vay ngoại tệ tăng đã khiến thanh khoản với ngoại tệ chịu áp lực nhất định.
Còn báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán BSC nhận định, việc đẩy mạnh tín dụng ngoại tệ đem đến một số hệ lụy nhất định: thanh khoản ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng trong khi dồi dào trên thị trường tự do, đe dọa nỗ lực giảm thiểu đô la hoá nền kinh tế.
Tính toán dựa trên số liệu của NHNN, tỷ lệ cho vay bằng ngoại tệ trong tổng dư nợ đã xấp xỉ 15%. Việc tăng cho vay ngoại tệ sẽ đi ngược lại tiến trình xóa đô la hóa mà NHNN đã thực hiện khá thành công vài năm gần đây.
Khi NHNN đặt ra chủ trương xóa đô la hóa, mục tiêu là các ngân hàng chỉ thực hiện quan hệ mua bán, thay vì quan hệ cho vay và huy động. Vì vậy, cho vay ngoại tệ tăng có thể tạo ra cung cầu trên thị trường, đi ngược lại tiến trình xoá đô la hoá.
Theo một số chuyên gia tài chính, việc cho vay ngoại tệ đối với hoạt động xuất nhập khẩu để hỗ trợ nền kinh tế là cần thiết, nhưng không nên lạm dụng và phải được kiểm soát chặt chẽ để tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng thị trường.
Việc tăng trưởng tín dụng ngoại tệ ở Việt Nam vài năm trước đây rõ ràng đã tác động thiếu tích cực đối với nền kinh tế, không phù hợp với khả năng và điều kiện cụ thể của Việt Nam. Sau một thời gian đã dần hạn chế, nên chăng cần hạn chế tối đa và có thể cần tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tín dụng ngoại tệ ở Việt Nam, thay vào đó, mọi nhu cầu về ngoại tệ sẽ được giải quyết thông qua quan hệ mua - bán trên thị trường ngoại hối.