Thanh tra thuế: Những nội dung cơ bản
Thanh tra thuế bao gồm thanh tra người nộp thuế (NNT) và thanh tra nội bộ ngành Thuế. Phạm vi bài viết đề cập đến hoạt động thanh tra người nộp thuế.
Thanh tra NNT là thanh tra quá trình chấp hành luật thuế của NNT, nói cách khác là thanh tra việc chấp hành các nhiệm vụ mà Nhà nước giao phó cho họ trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước. Nội dung thanh tra NNT tập trung vào các vấn đề cơ bản sau đây:
Thứ nhất, thanh tra việc chấp hành những quy định về đăng ký kê khai nộp thuế. Đăng ký kê khai nộp thuế là nghĩa vụ bắt buộc của các đối tượng nộp thuế khi ra kinh doanh, nếu các đối tượng nộp thuế khi kinh doanh mà không đăng ký thuế, hoặc kê khai không trung thực bị coi là hành vi vi phạm pháp luật cần phải có biện pháp chấn chỉnh kịp thời. Nội dung của công tác thanh tra chấp hành những quy định đăng ký kê khai nộp thuế gồm thanh tra việc chấp hành nghĩa vụ đăng ký kinh doanh, thanh tra tính trung thực của các tài liệu, số liệu kê khai trong đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế về vốn, địa điểm kinh doanh, ngành nghề kinh doanh, thời gian thực tế kinh doanh... nhằm chấn chỉnh các hiện tượng gian lận trong việc kê khai đăng ký thuế.
Thứ hai, thanh tra việc chấp hành chế độ lưu giữ số liệu, tài liệu kinh doanh nghĩa vụ bắt buộc của đối tượng nộp thuế. Đây là cơ sở pháp lý để xác định nghĩa vụ nộp thuế của NNT. Các cơ sở kinh doanh phải chấp hành lập chứng từ, sổ kế toán,lập báo cáo tài chính và báo cáo thuế theo chế độ quy định thống nhất của Nhà nước. Mọi hành vi vi phạm các chế độ quy định này đều bị coi là hành vi vi phạm pháp luật cần phải được ngăn chặn kịp thời. Nội dung thanh thuế trong lĩnh vực này tập trung vào kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp của chứng từ ban đầu, kiểm tra việc chấp hành chế độ và quy trình hạch toán kế toán, việc tính thuế, xác định số thuế phải nộp, số thuế được khấu trừ, việc lập các báo cáo tài chính và báo cáo thu nộp ngân sách của các đối tượng nộp thuế... Đây là nội dung phức tạp nhất, tốn nhiều thời gian công sức nhất nhưng lại có tác dụng lớn nhất trong việc phát hiện và ngăn chặn các hành vi gian lận, khai man, trốn lậu thuế đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và tính công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các đối tượng nộp thuế.
Thứ ba, thanh tra việc chấp hành nghĩa vụ nộp thuế của NNT. Nộp thuế đầy đủ và đúng hạn là nghĩa vụ của NNT. Mọi trường hợp cố tình dây dưa, chậm nộp hoặc chây ỳ đều là những hành vi vi phạm và có ảnh hưởng xấu đến kỷ luật thu nộp cần phải được chấn chỉnh. Việc dây dưa, chậm nộp tiền thuế kéo dài rất có thể là mầm mống của việc chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước, cho nên công tác thanh tra thuế cần phải ngăn chặn những hiện tượng này, nhất là trong điều kiện các cơ sở kinh doanh tự kê khai, tính thuế và nộp thuế vào Kho bạc Nhà nước theo quy trình quản lý thu thuế hiện nay.
Một số kết quả công tác thanh tra thuế
Đối với Việt Nam, việc thực hiện phương pháp NNT tự tính, tự kê khai thuế đã phân rõ trách nhiệm giữa cơ quan thuế và NNT. NNT chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai và nghĩa vụ nộp thuế của mình, cơ quan thuế có trách nhiệm quản lý việc thu nộp thuế, phát hiện những hành vi vi phạm các luật thuế và xử lý theo đúng quy định. Do bỏ chế độ thuế chuyên quản, ngành Thuế đã tập trung nguồn lực để tăng cường công tác thanh tra việc thu nộp thuế. Cơ quan thuế đã ban hành quy trình nghiệp vụ thanh tra thuế; đồng thời, tiến hành sắp xếp bố trí cán bộ thuế theo hướng tăng số lượng cán bộ thuế làm công tác thanh tra thuế, trình độ cán bộ cũng được nâng cao để đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ mới. Có thế nói kết quả đạt được thông qua công tác thanh tra thuế là rất lớn.
Năm 2012, kế hoạch thanh tra tập trung vào các doanh nghiệp (DN) lỗ có dấu hiệu chuyển giá, DN có hoạt động giao dịch liên kết. Qua thanh tra, kiểm tra đã xác định nhiều DN từ lỗ đã có lãi. Công tác thanh tra cả năm 2012 thực hiện được trên 7.000 DN tăng 15,4% so với thực hiện năm 2011 là 6.101 DN, đạt 90,1% kế hoạch năm 2012. Tổng số truy thu, truy hoàn và phạt ước phấn đấu cả năm đạt 5.500 - 6.000 tỷ đồng, tăng 61%-76% so với cùng kỳ năm 2011(3.409 tỷ đồng). Trong năm 2012, song song với việc triển khai công tác theo kế hoạch, công tác thanh tra còn tập trung vào thực hiện thanh tra chuyên đề, được triển khai toàn diện từ Tổng cục tới các cục thuế, đem lại hiệu quả tốt, cụ thể:
- Chuyên đề kiểm tra, đôn đốc nợ đọng: Toàn Ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 307 DN, số tiền thuế kiến nghị xử lý truy thu và đôn đốc nợ đọng vào NSNN 3.227,9 tỷ đồng (trong đó: tăng thu cho NSNN qua thanh tra, kiểm tra hơn 1.281,2 tỷ đồng, chiếm 28,85% tổng số truy thu qua thanh tra, kiểm tra toàn Ngành, đôn đốc số thuế nợ đọng còn phải nộp NSNN số tiền hơn 1.946,7 tỷ đồng); giảm khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) 39 tỷ đồng; giảm lỗ 455,9 tỷ.
Riêng tại Tổng cục Thuế đã xử lý tại 97 tập đoàn, tổng công ty kiến nghị xử lý truy thu và đôn đốc nợ đọng vào NSNN số tiền 2.207 tỷ (trong đó: số tiền thuế tăng thêm qua thanh tra, kiểm tra là 861,7 tỷ đồng, đôn đốc thu số thuế nợ đọng là 1.345,7 tỷ đồng), giảm khấu trừ hơn 34,2 tỷ đồng, giảm lỗ hơn 158,2 tỷ đồng, ngoài ra qua thanh tra, kiểm tra đôn đốc thu nộp Đoàn kiểm tra tại Tập đoàn Cao su và Tập đoàn Than – Khoáng sản còn yêu cầu DN tự điều chỉnh kê khai nộp NSNN năm 2012 số tiền 725 tỷ đồng.
- Chuyên đề kiểm tra ngân hàng thương mại: Toàn ngành Thuế đã ban hành 97 quyết định thanh, kiểm tra đối với các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, trong đó đã hoàn thành thanh, kiểm tra đối với 94 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng, ra quyết định truy thu và phạt hơn 150,9 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế GTGT 5,1 tỷ đồng và đôn đốc thu nộp 1.415,6 tỷ đồng, trong đó tại Tổng cục Thuế đã thanh, kiểm tra tại 19 ngân hàng thương mại và kiến nghị truy thu thuế tăng thêm qua thanh, kiểm tra là 92 tỷ đồng; Giảm khấu trừ thuế GTGT là 3,1 tỷ đồng; đôn đốc thu vào NSNN số thuế tồn đọng năm 2011 là 1.214,3 tỷ đồng.
- Phối hợp với Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (Cục Phòng chống rửa tiền) nắm bắt các thông tin về các giao dịch thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ của một số DN kinh doanh hàng hóa không có thật và sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, kê khai thuế GTGT đầu vào và xác định chi phí khi tính thu nhập chịu thuế không đúng quy định... theo đó xác định thuế GTGT tăng qua thanh tra là: 3,6 tỷ đồng; số thuế TNDN tăng qua thanh tra là 8,38 tỷ đồng. Qua thanh tra đã chỉ đạo 14 Cục thuế thành lập bộ phận xử lý các DN thanh toán qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ đểnghiên cứu, xửlýthông tin, thanh́, kiểm tra thuế, đềxuất xửlýtheo chếđộquy định đối với các DN đóng trên địa bàn cógiao dịch thanh toán qua ngân hàng códấu hiệu đáng ngờnhằm chống thất thu thuế.
Ưu điểm và hạn chế
Công tác thanh tra, kiểm tra thuế đã đem lại các tác động tích cực đến công tác quản lý thuế, cụ thể:
- Qua thanh tra, ngoài việc tăng thu vào NSNN khoản tiền thuế khai thiếu, thuế ẩn lậu còn tập trung đôn đốc các khoản tiền thuế nợ đọng bị chiếm dụng vào ngân sách; Phát hiện các dạng ẩn lậu thuế để xử lý kịp thời và kiến nghị điều chỉnh bổ sung chính sách cho phù hợp với thực tế.
- Việc tập trung thanh tra theo các chuyên đề vừa qua đạt hiệu quả cao, việc xử lý được toàn diện, thống nhất trong cả Ngành không bỏ sót nguồn thu đặc biệt là đối với những ngành nghề đang được dư luận quan tâm. Riêng đối với thanh tra chuyên đề các DN lỗ trong toàn Ngành đã mang lại kết quả, truy thu, phạt hành vi vi phạm pháp luật thuế và điều chỉnh giảm khá lớn số lỗ của các DN kê khai, chấn chỉnh việc kê khai thuế của DN. Tập trung thanh tra các DN kê khai lỗ bước đầu đã có tác dụng, đánh động đến các DN thường xuyên khai lỗ, đặc biệt đối với các DN có quan hệ giao dịch liên kết. Một số trường hợp phải điều chỉnh lại giá bán, giá gia công, DN kê khai lỗ không nộp thuế, sau khi thanh tra phải nộp thuế truy thu và phạt, mất quyền ưu đãi, thu hồi thuế GTGT đã hoàn hoặc giảm trừ số lỗ.
Công tác thanh tra thuế thời gian qua mặc dù đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên cũng cần nhận thấy rằng các hiện tượng vi phạm các quy định về thuế rất lớn. Điều này do nhiều nguyên nhân có thể kể đến như:
Một là, chưa có quy trình phân loại kiểm tra một cách có hệ thống, khoa học để nhằm phát hiện đối tượng có nhiều khả năng trốn thuế, lậu thuế để tiến hành thanh tra, do vậy hiệu quả của thanh tra thuế chưa thật cao.
Hai là, nhìn chung vẫn còn một bộ phận cán bộ thanh tra thuế chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của tình hình hiện nay, bộ phận thanh tra thuế mỏng về số lượng, bên cạnh trình độ cán bộ làm công tác thanh tra thuế cũng còn nhiều hạn chế nên hiệu quả công tác thanh tra thuế chưa hiệu quả.
Ba là, việc tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm theo quyết định của thanh tra thuế chưa đủ sức răn đe, quyền hạn của bộ phận thanh tra thuế còn ít nên cũng ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác thanh tra thuế.
Phương hướng hoàn thiện công tác tranh tra thuế
Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định số 2180/ QĐ-TCT ngày 27/12/2012 về việc giao kế hoạch thanh tra, nhiệm vụ kiểm tra 2013 của toàn ngành Thuế là 8.747 DN đạt 1,79%; nhiệm vụ kiểm tra là 63.239 DN đạt 13% trên tổng số DN hoạt động sản xuất kinh doanh thuộc đối tượng quản lý thuế và tập trung vào DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá; khai thác tăng thu các DN có số nộp thuế lớn; DN nhiều năm chưa được thanh tra, kiểm tra; các DN được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế, các DN đang được ưu đãi kinh doanh khu công nghiệp, khu chế xuất; thanh tra kết hợp với kiểm tra sau hoàn thuế; thanh tra các DN tạm nhập tái xuất; thanh tra các lĩnh vực phát sinh thuế nhà thầu nước ngoài (liên kết đào tạo, bản quyền sản xuất, tiêu thụ ôtô,...). Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, toàn Ngành triển khai thanh tra, kiểm tra một số chuyên đề như: thanh tra hoàn thuế; tăng cường kiểm tra các hộ thuế khoán trong phạm vi toàn Ngành; thanh tra, kiểm tra các DN lỗ có dấu hiệu chuyển giá; Phấn đấu thực hiện đôn đốc số thu nộp vào NSNN đạt 75-80% tổng số thuế truy thu và phạt qua thanh tra, kiểm tra.
Để hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ trên, trong thời gian tới công tác thanh tra thuế cần được tăng cường, hoàn thiện theo các hướng sau đây:
- Trước hết, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chế độ chính sách thuế cho phù hợp. Pháp luật thuế là cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra thuế.
- Tập trung xây dựng các tài liệu thanh tra, kiểm tra mang tính chuyên sâu, chuyên ngành.
- Triển khai áp dụng rộng rãi các ứng dụng tin học vào công tác thanh tra, kiểm tra thuế và quan tâm chỉ đạo sát sao nhập dữ liệu vào các ứng dụng tin học (ứng dụng TPR và BCTC); cập nhật đầy đủ cơ sở dữ liệu thông tin về NNT, áp dụng phổ biến việc sử dụng tiêu chí đánh giá rủi ro để phân tích lựa chọn lập kế hoạch, kiểm tra hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế đạt hiệu quả cao.
- Tăng cường số lượng đội ngũ cán bộ thanh tra thuế, đồng thời phải nâng cao chất lượng cán bộ. Hiện nay, cán bộ thanh tra tuy đã được bổ sung về số lượng và đã có nhiều cố gắng nâng cao trình độ chất lượng nhưng do khối lượng công việc nhiều, đối tượng quản lý đa dạng và phức tạp nên cơ quan thuế cần có sự phân công bố trí sắp xếp cán bộ theo hướng tăng số lượng đội ngũ cán bộ thuế làm công tác thanh tra thuế và chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ.
- Cần có sự phối hợp với các cơ quan khác như cơ quan kiểm toán, thanh tra tài chính, phải phân định rõ chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan thanh tra, kiểm tra để tránh thanh tra chồng chéo đối với các cơ sở kinh doanh, gây phiền hà và ảnh hưởng không tốt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của NNT.
- Đối với các cuộc thanh tra thuế cần nắm chắc NNT về đặc điểm ngành nghề sản xuất kinh doanh, quy trình công nghệ, năng lực sản xuất, hình thức đăng ký nộp thuế để áp dụng phương pháp thanh tra phù hợp nhằm không kéo dài gây phiền hà cho đối tượng được thanh tra.
- Phải động viên được quần chúng tham gia khi tiến hành thanh tra. Phải biết dựa vào quần chúng đáng tin cậy, có hiểu biết sự việc để thu thập các thông tin tư liệu cần thiết về đối tượng đang thanh tra, để phục vụ cho công tác thanh tra.
Tài liệu tham khảo:
1. Học viện Tài chính, Giáo trình Quản lý thuế, Nhà xuất Bản Tài chính 2010;
2. Tổng cục Thuế, Báo cáo tổng kết nhiệm vụ công tác thuế 2012, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác thuế năm 2013.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính số 5 - 2013
Tăng cường công tác thanh tra thuế ở Việt Nam
(Tài chính) Là một tổ chức trong hệ thống tổ chức của thanh tra nhà nước, đồng thời là tổ chức cấu thành trong bộ máy quản lý của ngành Tài chính, thanh tra tài chính nói chung và thanh tra thuế nói riêng là một công cụ quản lý tài chính có hiệu lực, đảm bảo cho phép luật, các chính sách chế độ và kế hoạch ngân sách nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh.
Xem thêm