Tăng cường giám sát để ổn định hệ thống tài chính quốc gia

Ts. Nguyễn Minh Phong

(Tài chính) Nhận dạng các rủi ro hệ thống và tăng cường sự cẩn trọng vĩ mô, nhằm giữ ổn định hệ thống tài chính quốc gia là vấn đề ngày càng nóng trong hoạt động quản lý nhà nước ở mỗi quốc gia, đặc biệt từ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.

Tăng cường giám sát để ổn định hệ thống tài chính quốc gia
Giữ ổn định hệ thống tài chính quốc gia là vấn đề ngày càng nóng trong hoạt động quản lý nhà nước ở mỗi quốc gia. Nguồn: internet
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhận diện và giám sát rủi ro hệ thống tài chính là việc luôn nóng ở mọi quốc gia, nhất là các nước mới phát triển thể chế tài chính thị trường. Rủi ro hệ thống là tình trạng tiền khủng hoảng khi có một tác nhân hay một cú sốc nào đó phát sinh ảnh hưởng đến sự ổn định của toàn hệ thống tài chính, gây mất mát, thiệt hại kinh tế hay sụt giảm giá trị không chỉ đối với hệ thống tài chính, mà còn có thể lây lan sang nền kinh tế thực, gây tổn thất vật chất cho sản lượng thực của nền kinh tế và phúc lợi xã hội.

Rủi ro hệ thống tài chính là hội tụ và cộng hưởng hệ lụy các nhóm nguyên nhân đa dạng, từ rủi ro kinh tế, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và rủi ro đạo đức. Rủi ro hệ thống phản ánh sự thất bại trực tiếp của hoạt động giám sát an toàn vi mô và cũng đặt yêu cầu nâng cao vai trò của giám sát vĩ mô. Việc lượng hóa rủi ro hệ thống tài chính là không dễ và không như nhau cho các nền kinh tế và giai đoạn, bối cảnh khác nhau. Tuy nhiên, yêu cầu chung đặt ra cho giám sát vĩ mô là xây dựng hệ thống các khuôn khổ và quy định nhằm giám sát, đánh giá, điều tiết các phản ứng chính sách phù hợp với hệ thống tài chính nhìn từ góc độ tổng thể, chứ không chỉ tập trung vào từng định chế tài chính riêng lẻ hay các biện pháp kinh tế nhất định một cách biệt lập.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 làm bộc lộ những yếu kém trong hệ thống giám sát tài chính thế giới, đã đưa ra 5 thông điệp:

Thứ nhất, không có ngoại lệ đổ vỡ và khủng hoảng cho bất kỳ mô hình kinh doanh và nhà nước nào, kể cả các đại gia và cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới;

Thứ hai, sự chuyển hóa giữa nợ công-nợ tư và vai trò ngày càng lớn của khủng hoảng tài chính đối với khủng hoảng chu kỳ, bất ổn vĩ mô, xã hội và chính trị;

Thứ ba, yêu cầu phối hợp hài hòa sử dụng bàn tay nhà nước và bàn tay thị trường trong một mô hình nhà nước kiểu mới.

Thứ tư, coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính 2 mặt của các giải pháp chính sách, nhằm đa dạng hóa và phối hợp hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế trong quản lý phát triển và vượt qua khủng hoảng.

Thứ năm, tăng cường dự báo, thông tin, bảo vệ người tiêu dùng và giữ vững lòng tin trên thị trường tài chính...

Sau khủng hoảng tài chính năm 2008, các nền kinh tế lớn đã tích cực cải cách hệ thống giám sát tài chính nhằm tăng cường hiệu quả giám sát, kịp thời phát hiện rủi ro và ngăn ngừa việc tái diễn khủng hoảng trong tương lai. Đặc biệt, các chuẩn mực giám sát tài chính của các nước được cải cách theo hướng tăng cường khả năng chống đỡ của hệ thống tài chính quốc gia và tiếp tục phát triển dựa trên các chuẩn mực quốc tế được khuyến nghị bởi các tổ chức quốc tế như: Ủy ban Basel của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) với các nguyên tắc về giám sát ngân hàng; Ủy ban Chứng khoán quốc tế (IOSCO) với các nguyên tắc về giám sát chứng khoán....

Nhằm bảo đảm an toàn về vốn (với 3 trụ cột chính: dự phòng rủi ro; quản lý và giám sát rủi ro; kỷ luật thị trường) và an toàn thanh khoản, Basel III tăng cường các chuẩn mực giám sát theo các hướng sau: (i) nâng cao chất lượng vốn nhằm giúp các ngân hàng có khả năng bù đắp các khoản lỗ tốt hơn, từ đó tăng khả năng chống đỡ tốt hơn trước các cú sốc; (ii) yêu cầu các ngân hàng bổ sung vốn, theo đó, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu vẫn là 8% nhưng tỷ lệ của loại vốn có chất lượng cao được nâng lên (tỷ lệ vốn cấp 1 tăng từ 4% lên 6%, tỷ lệ vốn của cổ đông thường cũng được tăng từ 2% lên 4,5%); (iii) quy định về tiêu chuẩn thanh khoản cũng yêu cầu các ngân hàng nắm giữ các tài sản có tính thanh khoản cao và có chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu chi trả và thanh toán trong những trường hợp khó khăn.

Bên cạnh đó, cơ chế giám sát các tập đoàn tài chính được tăng cường theo hướng hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý và giám sát, đảm bảo giám sát chặt chẽ và toàn diện hoạt động của cả tập đoàn, tập trung vào công ty mẹ, bảo đảm sự minh bạch về cơ cấu quản lý và pháp lý nhằm giúp cơ quan giám sát có thể đánh giá đúng về toàn bộ rủi ro mà tập đoàn đó phải đối mặt.

Việt Nam hiện tổ chức giám sát tài chính theo định chế hay theo chức năng, do nhiều cơ quan đảm nhiệm riêng lẻ, chủ yếu thiên về giám sát tuân thủ, chưa coi trọng giám sát rủi ro hệ thống, chưa bao quát hết các tập đoàn kinh tế, nhất là tập đoàn tài chính (cả chính thức lẫn phi chính thức) trong nước, các tập đoàn xuyên quốc gia:  NHNN giám sát các hoạt động ngân hàng - tiền tệ; Bộ Tài chính giám sát thị trường bảo hiểm và các hoạt động của các cơ quan/ doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giám sát thị trường chứng khoán; Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thực hiện tham mưu, tư vấn, giúp Thủ tướng Chính phủ trong điều hành giám sát toàn bộ hệ thống tài chính đất nước.

Ngoài ra, các công cụ phục vụ giám sát an toàn vĩ mô và giám sát an toàn vi mô, nhất là đối với giám sát dựa trên rủi ro còn chưa đầy đủ, chuẩn hóa và thống nhất với của quốc tế. Bản thân các cơ quan thanh tra giám sát tài chính cũng còn nhiều bất cập về nhân lực, phương tiện kỹ thuật và công nghệ thu thập, xử lý thông tin; các mô hình phân tích định lượng, cảnh báo, kiểm định rủi ro cho cả hệ thống tài chính và cho từng định chế tài chính còn ít được ứng dụng phục vụ cho hoạt động giám sát từ xa…

Việt Nam đang và sẽ phải làm nhiệm vụ kép, tức vừa phải tái cơ cấu để nền kinh tế có thể phát triển theo chiều sâu, có hiệu quả với sức cạnh tranh, vừa phải tăng cường giám sát đảm bảo an toàn tài chính - tiền tệ cho quá trình này. Hơn nữa, công tác giám sát an toàn tài chính vĩ mô còn phải xử lý hài hòa những mâu thuẫn giữa yêu cầu phải công khai để giám sát an toàn với yêu cầu bảo đảm bí mật tài chính, tránh lạm dụng và phá hoại hoặc sự ngăn cản thông tin vì lợi ích nhóm; cũng như giữa yêu cầu chính xác số liệu để giám sát với sự hạn chế chất lượng thông tin và số liệåu thống kê hiện nay.

Trong thời gian tới, hoạt động giám sát hệ thống tài chính ở nước ta có ý nghĩa ngày càng quan trọng trong bảo đảm an toàn hệ thống tài chính, phát triển ổn định kinh tế - xã hội và cần được tăng cường các nội dung sau:

Thứ nhất, tăng cường hiệu lực giám sát tuân thủ để kiểm tra luật pháp và chính sách có được thực hiện đúng đắn và phù hợp hay không; đồng thời chuyển dần sang giám sát dựa trên rủi ro, giúp dự báo được rủi ro khủng hoảng của từng khu vực tài chính, cũng như toàn bộ nền kinh tế; nghiên cứu, giao nhiệm vụ giám sát an toàn hệ thống tài chính - tiền tệ cho một cơ quan nhất định mang tính độc lập.

Thứ hai, nâng cao hiệu quả và hiệu lực giám sát chuyên ngành (theo định chế tài chính), đồng thời, từng bước áp dụng mô hình giám sát hợp nhất một phần và sau đó là toàn bộ đối với hệ thống tài chính; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan giám sát tài chính trong và ngoài nước trong hoạt động giám sát toàn bộ hệ thống tài chính, kể cả các tập đoàn tài chính đa năng và giám sát đối với tài chính doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả doanh nghiệp mang tính độc quyền). Việc nới lỏng cả chính sách tài khóa và tiền tệ để phục hồi tăng trưởng cần được giám sát để bảo đảm sự ổn định của từng lĩnh vực, cũng như sự phối hợp được thực hiện hài hòa, tránh chồng chéo, lấn sân hoặc hạn chế, triệt tiêu lẫn nhau giữa 2 nhóm chính sách này.

Thứ ba, thu hẹp cách biệt các chuẩn mực trong nước với quốc tế (hoàn tất Basel II, tiến tới Basel III) và xây dựng và áp dụng các chỉ tiêu giám sát và ngưỡng cảnh báo an toàn vĩ mô, các mô hình định lượng và các quy chuẩn, chỉ tiêu giám sát các tập đoàn tài chính; giám sát an toàn thị trường tài chính vĩ mô và vi mô, hướng tới sự ổn định của toàn bộ thị trường tài chính và bảo đảm duy trì sự ổn định của từng định chế tài chính, bảo vệ được người tiêu dùng (nhà đầu tư, chuyên và không chuyên) trên thị trường tài chính. Coi trọng áp dụng rộng rãi chuẩn mực quốc tế về kế toán, kiểm toán, báo cáo tài chính và hệ thống thống kê; phát triển các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước (hiện đã có ba tổ chức) có năng lực, uy tín chuyên môn cao; xây dựng các quy chế, quy trình, tiêu chí giám sát chung giữa các cơ quan hữu quan và giữa các cơ quan giám sát riêng với nhau; xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quản lý (MIS) để hỗ trợ giám sát và dự báo nhanh chóng, kịp thời, chính xác)...

Ngoài ra, cần xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước theo nguyên tắc mỗi vấn đề chỉ do một cơ quan phụ trách và các cơ quan có liên quan cần xác định cơ chế phối hợp và chia sẻ thông tin mang tính pháp lý cho nhau.

Công tác giám sát bảo đảm an toàn tài chính - tiền tệ sẽ phát huy tốt hơn trong nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường. Việc ban hành các chính sách mang nặng tính hành chính, hoặc việc nhà nước can thiệp quá mạnh vào thị trường, khó tiên liệu, không phù hợp với quy luật của thị trường sẽ không những có tác dụng ít hoặc không có tác dụng, mà còn làm méo mó thị trường, gây khó khăn cho công tác giám sát và từ đó, gây những rủi ro, kém hiệu quả và tổn thất về tài chính cho đất nước. Công tác giám sát an toàn tài chính - tiền tệ chỉ có thể làm tốt được nếu như có được dựa trên hệ thống dữ liệu thông tin đầy đủ, chính xác và cơ chế công bố thông tin công khai, minh bạch. Điểm khác biệt quan trọng lớn nhất giữa giám sát an toàn tài chính - tiền tệ với các loại hình giám sát khác là công cụ sử dụng chủ yếu là căn cứ vào thông tin và số liệu của các báo cáo.

Vì vậy, cần sớm có các quy định cụ thể hóa danh mục các thông tin phải được công bố phù hợp với thông lệ quốc tế và cơ quan công bố phải chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác và kịp thời của những thông tin này; thành lập cơ quan chuyên trách thu thập và công bố số liệu tổng hợp về tình hình tài chính - tiền tệ; khuyến khích các ý kiến phản biện, phân tích, đánh giá và trao đổi thiện chí và khoa học về tình hình, cũng như các số liệu tài chính – tiền tệ được công bố...