Tăng cường kiểm tra chất lượng xăng dầu và giá gas thị trường

Theo H.Lan/Báo Sóc Trăng

Xăng, dầu và gas là những mặt hàng thiết yếu phục vụ hàng ngày cho đời sống xã hội, có vai trò rất quan trọng trên thị trường tiêu dùng. Vì vậy, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Sóc Trăng có kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với các mặt hàng này trong bối cảnh dịch bệnh, nhằm góp phần ổn định thị trường.

Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng tăng cường kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh gas trong tỉnh. Ảnh: H.Lan
Cục Quản lý thị trường tỉnh Sóc Trăng tăng cường kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh gas trong tỉnh. Ảnh: H.Lan

Toàn tỉnh Sóc Trăng hiện có khoảng 419 cơ sở kinh doanh xăng dầu và khoảng 314 cơ sở kinh doanh gas. Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, nhiều cơ sở kinh doanh gặp không ít khó khăn do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng, giá cả theo quy định.

Ghi nhận tại cửa hàng gas Nguyên Anh 2 tại Phường 7 (TP. Sóc Trăng), qua công tác kiểm tra của Cục QLTT tỉnh, cơ sở kinh doanh thực hiện đầy đủ các quy định, như: các biện pháp phòng, chống cháy nổ; niêm yết giá bán của từng loại gas… nhất là đảm bảo khâu phòng, chống dịch bệnh trong giao, nhận gas.

Theo anh Phạm Bảo Châu - chủ cửa hàng gas Nguyên Anh 2, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, tỉnh triển khai thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh đã ảnh hưởng đến doanh thu của cửa hàng, bởi thị trường thu hẹp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cũng tạm đóng cửa để phòng dịch.

Tuy nhiên, doanh số bán lẻ cho các hộ gia đình tăng 20% so với trước thời điểm dịch bùng phát nhưng doanh số chung của cửa hàng vẫn sụt giảm 30% so với cùng kỳ. Anh Châu cũng cho biết thêm, đảm bảo an toàn trong giao nhận gas trong mùa dịch được cửa hàng rất chú trọng.

Nếu trước đây, người dân gọi gas, cửa hàng báo giá là trong tích tắc hàng đã giao dịch xong nhưng giờ các thao tác, tiếp xúc với khách hàng thay đổi hoàn toàn. Để đảm bảo an toàn, 100% bình gas đều được phun khử khuẩn và tất cả nhân viên phải mặc đồ bảo hộ, không được tiếp xúc với khách hàng khi giao dịch, nhằm tránh lây nhiễm bệnh.

Đối với các cơ sở kinh doanh xăng, dầu thì dịch bệnh đã tác động rất lớn đến doanh thu của các đơn vị này, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội khi người dân ở nhà, chỉ ra ngoài khi thật cần thiết và hoạt động giao thương hàng hóa trong nội tỉnh, giữa các tỉnh đều bị hạn chế.

Theo chia sẻ của anh Nguyễn Văn Khang - Phó Giám đốc Chi nhánh Xăng dầu Petrolimex tỉnh Sóc Trăng, sản lượng bán lẻ xăng dầu của cửa hàng trong tỉnh sụt giảm đến 70%. Trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, các cửa hàng bố trí 50% nhân lực và thực hiện 3 tại chỗ. Bên cạnh đó, cửa hàng trang bị kính bảo hộ, nước sát khuẩn tay, khẩu trang cho tất cả nhân viên. Đặc biệt, trong quá trình giao dịch với khách hàng phải thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, như tiền trả của khách và tiền nhân viên thối lại cho khách đều được đặt vào thùng, để giữ khoảng cách và tránh tiếp xúc trực tiếp. Nhờ đó, vừa qua tại một cửa hàng trên địa bàn huyện Thạnh Trị, tất cả nhân viên nơi đây đều an toàn khi có trường hợp F0 ghé đổ xăng.

Ông Nguyễn Hùng Em - Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Sóc Trăng thông tin, thực hiện Quyết định số 2093/QĐ-UBND của UBND tỉnh về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 bắt buộc theo mức độ nguy cơ với 4 khu vực: bình thường mới (vùng xanh), nguy cơ (vùng vàng), nguy cơ cao (vùng cam) và nguy cơ rất cao (vùng đỏ).

Theo đó, công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của đơn vị cũng có những thay đổi để phù hợp với tình hình mới, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và công tác quản lý địa bàn. Triển khai đường dây nóng của Cục QLTT, tiếp nhận tin báo từ người dân 24/24h để kịp thời xử lý những thông tin, phản ánh của người dân về các tổ chức, cá nhân vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, đơn vị triển khai thực hiện Công văn số 4778/BCĐ389-CQTT của Ban Chỉ đạo 389 Bộ Công Thương và Công văn số 1817/TCQLTT-CNV của Tổng cục QLTT về việc tăng cường phòng, chống buôn lậu và kiểm tra, xử lý vi phạm lĩnh vực xăng dầu. Qua đó, Cục QLTT tỉnh đã chỉ đạo các đội QLTT tăng cường thực hiện các biện pháp nghiệp vụ, quản lý địa bàn, phối hợp các ngành chức năng kiểm tra đột xuất các cơ sở có dấu hiệu vi phạm về đầu cơ, găm hàng, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận khác trong kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó, Đoàn Kiểm tra liên ngành Ban Chỉ đạo 389 tỉnh do Cục QLTT tỉnh chủ trì cũng tiếp tục công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm đối với xăng dầu và gas trên địa bàn tỉnh. Kết quả, từ đầu năm 2021 đến nay, Cục QLTT đã triển khai kiểm tra 102 vụ xăng dầu, gas (61 vụ xăng dầu và 41 vụ gas), phần lớn các cơ sở kinh doanh đều thực hiện đúng theo quy định pháp luật, nhất là khuyến cáo 5K, 5T của Bộ Y tế; song song đó qua kiểm tra cũng đã phát hiện và xử phạt 14 vụ vi phạm với tổng số tiền trên 1 tỉ đồng.

Các hành vi vi phạm về kinh doanh xăng dầu chủ yếu là bán xăng dầu kém chất lượng, kinh doanh xăng dầu không đúng với nội dung ghi trong giấy phép. Còn với mặt hàng gas chủ yếu là vi phạm về các điều kiện trong kinh doanh như không có giấy đủ điều kiện cửa hàng bán lẻ gas chai, niêm yết giá bán không rõ ràng và một số hành vi vi phạm khác… Tất cả các trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian tới, Cục QLTT sẽ tiếp tục công tác quản lý, nắm địa bàn cũng như đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra về chất lượng xăng dầu, giá gas trên thị trường để quản lý chặt chẽ chất lượng xăng dầu, giá cả theo quy định, kịp thời phát hiện, xử lý những hành vi vi phạm trong kinh doanh các mặt hàng thiết yếu này, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.