Nhiều kết quả đạt được

Nhận định tình hình kinh tế - xã hội thời gian tới tiếp tục khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Luật thuế theo hướng giảm thuế nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Những điều chỉnh này cũng đã ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), do vậy, từ đầu năm đến nay, ngành Thuế đã chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện công tác thanh tra, kiểm tra thuế, góp phần quan trọng vào hoàn thành dự toán thu NSNN. Việc thực hiện thanh tra, kiểm tra thuế theo các chuyên đề chuyên sâu; dựa trên cơ sở phân tích rủi ro, phần nào đã đáp ứng được yêu cầu cải cách của Ngành, công khai minh bạch về chính sách thuế, tạo sự công bằng giữa những người nộp thuế. Qua thanh tra, kiểm tra cũng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp (DN) trốn thuế để truy thu cho NSNN.

Để triển khai tốt kế hoạch và mục tiêu đặt ra trong năm 2014, ngay từ cuối năm 2013, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tiến hành phân tích, lựa chọn những DN có rủi ro cao để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm 2014. Trong đó, tập trung vào một số nội dung như: Triển khai công tác chống các hành vi vi phạm về hóa đơn thông qua ứng dụng “đối chiếu chéo bảng kê hóa đơn” nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời có hiệu quả đối với các DN, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn bất hợp pháp; Thanh tra các DN giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ, qua đó xác định rõ mục đích các giao dịch, nhận diện một số hình thức hợp pháp hóa đơn, chứng từ thanh toán qua ngân hàng của DN; phát hiện hành vi và dấu hiệu chuyển giá… Với kế hoạch đã được giao (toàn hệ thống phấn đấu thanh tra đạt tối thiểu 1,65% số DN nộp thuế và kiểm tra tại DN tối thiểu đạt 13% số DN đang quản lý thuế; Thực hiện kiểm tra hồ sơ tại cơ quan thuế đạt 100%), các cục thuế tiến hành giao nhiệm vụ đến từng phòng, chi cục thuế, đội thuế và gắn với kết quả thi đua khen thưởng của từng đơn vị. Đồng thời, tổ chức sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực để tập trung tối đa cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

Tính đến tháng 8/2014, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra trên 33.000 DN, đạt 45% kế hoạch năm, tăng 95% so với cùng kỳ năm 2013. Tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra 6.245 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Số tiền nộp vào NSNN là 4.305 tỷ đồng, bằng 69% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra và tăng 12% so với cùng kỳ năm 2013.

Riêng đối với thanh tra hoạt động chuyển giá, trong gần 2 quý đầu năm 2014, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 557 DN báo lỗ, có dấu hiệu chuyển giá. Qua đó, truy thu, truy hoàn và xử phạt 579,3 tỷ đồng, giảm khấu trừ 25,6 tỷ đồng, giảm lỗ 1.517,2 tỷ đồng. Cùng với kết quả trên, kết quả thanh tra, kiểm tra hoạt động chuyển giá cũng đã tạo ra hiệu ứng và sức lan tỏa mạnh mẽ, số lượng các DN FDI kê khai thu lỗ giảm đi rõ rệt và nhiều DN trước đây kê khai bị lỗ thì nay đã kê khai có lãi lớn.

Cùng với thanh tra, kiểm tra thuế, việc tổng hợp, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi thủ đoạn gian lận và chiếm đoạt tiền thuế cũng là nội dung được các cơ quan Thuế quan tâm. Trong 6 tháng đầu năm 2014, toàn Ngành đã thu được 17.500 tỷ đồng, chiếm 29% số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2013 chuyển sang, trong đó thu và xử lý nợ thuế bằng biện pháp quản lý nợ chiếm 82,7%; bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 17,3%.

Một số tồn tại trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế

Những tồn tại chủ yếu bao gồm: Tiến độ triển khai công tác thanh tra, kiểm tra thuế còn chậm so với kế hoạch đề ra, hiệu quả thanh tra, kiểm tra chưa cao; Số thuế xử lý sau thanh tra, kiểm tra chưa được DN nộp kịp thời vào NSNN; Tính ngăn ngừa và dự báo các hành vi vi phạm mới còn chưa có kết quả nổi bật…

Trong 6 tháng đầu năm 2014, ngành Thuế đã thu được 17.500 tỷ đồng, chiếm 29% số nợ thuế tại thời điểm 31/12/2013 chuyển sang, trong đó thu và xử lý nợ thuế bằng biện pháp quản lý nợ chiếm 82,7%; bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 17,3%.
Nguyên nhân là do chính sách thuế còn một số nội dung chưa được đồng nhất với các chính sách quy định theo ngành, lĩnh vực; Quy trình thanh tra mới số 74/QĐ-TCT đã bước đầu hỗ trợ cho công tác thanh tra thuế nhưng vẫn còn một số điểm chưa phù hợp giữa Luật Thanh tra và chức năng thanh tra chuyên ngành; Chưa có chế tài xử phạt nghiêm khắc cho các trường hợp cố tình không cung cấp tài liệu hoặc kéo dài thời gian cung cấp tài liệu phục vụ cho công tác thanh tra; Việc khai thác thông tin từ cơ sở dữ liệu còn nhiều vướng mắc do sự phân quyền quản lý, không khai thác được thông tin, dữ liệu kê khai thuế của các DN thuộc các cơ quan thuế quản lý. Chưa kể, trong quá trình tiến hành thanh tra, kiểm tra thuế, kế toán đơn vị đặc biệt là kế toán làm thuê cho nhiều DN chưa hợp tác cung cấp và giải trình số liệu với đoàn kiểm tra, cá biệt có trường hợp có hành vi đối phó với đoàn thanh tra, kiểm tra; Một số DN đầu tư nước ngoài sử dụng phần mềm kế toán quốc tế không theo chuẩn mực kế toán Việt Nam, toàn bộ sổ sách kế toán bằng tiếng Anh…, dẫn đến, có cuộc thanh tra, kiểm tra còn kéo dài, xử lý chưa dứt điểm….

Những thủ đoạn gian lận thuế điển hình

Qua thực tế công tác thanh tra, kiểm tra thuế, ngành Thuế đã phát hiện nhiều thủ đoạn gian lận thuế của các DN, có thể liệt kê những thủ tục, cách thức điển hình như:

- Lợi dụng cơ chế thông thoáng về thủ tục thành lập DN, thủ tục tự in hóa đơn, một số cá nhân ở Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đã thành lập một chuỗi DN để cung cấp hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho các DN “đen” tại Tây Nguyên làm thất thoát tiền hoàn thuế GTGT, gây thất thu NSNN.

- Lợi dụng cơ chế xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới đất liền, chính sách thanh toán biên mậu Việt Nam – Campuchia (thanh toán bằng đồng Việt Nam thông qua tài khoản vãng lai mở tại các chi nhánh ngân hàng thương mại Việt Nam sát biên giới), cơ chế miễn kiểm tra Hải quan hoặc kiểm tra theo tỷ lệ (phân luồng xanh) đối với hàng hóa xuất khẩu tiểu ngạch, mua hóa đơn của các DN "ma", siêu thị… hợp thức hóa đầu vào để lập hồ sơ xuất khẩu khống một phần hoặc toàn bộ hàng hóa nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ NSNN.

- Lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục thành lập DN của Luật DN, một số cá nhân sử dụng chứng minh thư nhân dân thất lạc, hoặc thuê, mua chứng minh nhân dân rồi báo mất sau đó thuê người làm giám đốc để thành lập DN nhằm kinh doanh mua bán bất hợp pháp hóa đơn, tiếp tay cho việc chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ NSNN.

- Tạo chứng từ thanh toán qua ngân hàng cho hàng hóa mua vào từ 20 triệu đồng trở lên để được khấu trừ thuế đầu vào (hoàn thuế) thông qua phương thức nộp tiền mặt vào tài khoản của người mua hóa đơn, sau đó người mua hóa đơn chuyển trả vào tài khoản cho người bán hóa đơn; Hoặc sau khi người mua chuyển khoản thanh toán cho người bán thì lập tức người bán chuyển trả cho người mua qua một tài khoản khác. Hành vi này diễn ra khá phổ biến và song trùng với hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp đã phát hiện tại một số địa phương như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Lâm Đồng, Đắc Lắk…

- Tạo chứng từ thanh toán qua ngân hàng cho hàng hóa xuất khẩu qua biên giới đất liền để đủ điều kiện được hoàn thuế xuất khẩu thông qua phương thức quay vòng tiền thanh toán hàng hóa nhập khẩu (của người nước ngoài) nộp vào tài khoản vãng lai, để hợp thức hóa thủ tục thanh toán qua ngân hàng đối với doanh thu hàng xuất khẩu nhằm gian lận tiền hoàn thuế. Hành vi này khá phổ biến và song trùng với hành vi xuất khẩu khống một phần hoặc toàn bộ hàng hóa, hoặc khai không đúng mặt hàng xuất khẩu đã được phát hiện được tại các tỉnh Tây Nam Bộ, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội.

- Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp cùng với ủy nhiệm chi giả để chiếm đoạt tiền thuế: Trường hợp này cơ quan thuế đã phối hợp với công an điều tra vụ trốn thuế xảy ra tại một số công ty về sử dụng hóa đơn bất hợp pháp để kê khai thuế GTGT đầu vào nhằm chiếm đoạt tiền thuế GTGT.

- Một số DN nhập lậu các mặt hàng nhập khẩu thuế nhập khẩu cao, sau đó mua hóa đơn của DN "ma" để hợp thức hóa đầu vào và hợp thức hóa thủ tục thanh toán qua ngân hàng, gây thất thu thuế GTGT khâu nhập khẩu, thuế nhập khẩu và các khoản nộp NSNN.

- Tổ chức hệ thống DN mà nhân thân trong gia đình làm giám đốc, kế toán trưởng, thủ kho… các DN này thường có lãi lớn nhưng lại thực hiện 2 hệ thống sổ sách kế toán với mục đích kê khai nộp thuế thấp để trốn thuế.

Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao công tác thanh tra, kiểm tra thuế

Trên cơ sở phân tích, đánh giá các kết quả đạt được và tồn tại trong công tác thanh tra, kiểm tra từ đầu năm đến nay, ngành Thuế tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới như sau:

Về nhiệm vụ

- Toàn Ngành phấn đấu hoàn thành kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được Bộ Tài chính giao. Theo đó, đảm bảo thanh tra đạt tối thiểu 1,65% và kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đạt tối thiểu 13% số lượng DN thuộc diện quản lý thuế. Phấn đấu tăng thu qua thanh tra, kiểm tra trên 14.000 tỷ đồng; số nộp ngân sách trên 10.000 tỷ đồng. Trong đó, chú trọng thanh tra, kiểm tra 100% hồ sơ sau hoàn và có số thuế hoàn lớn; Chú trọng nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; Đảm bảo số lượng, chất lượng thanh tra DN chuyển giá.

Trong 2 quý đầu năm 2014, ngành Thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 557 DN báo lỗ, có dấu hiệu chuyển giá. Qua đó, truy thu, truy hoàn và xử phạt 579,3 tỷ đồng, giảm khấu trừ 25,6 tỷ đồng, giảm lỗ 1.517,2 tỷ đồng.

- Phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi thủ đoạn gian lận và chiếm đoạt tiền thuế.

- Hoàn thành chương trình cải cách và hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra theo đúng lộ trình.

- Tổ chức, triển khai hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy thanh tra, kiểm tra thuế các cấp, đặc biệt là bộ phận thanh tra tại cấp Chi cục Thuế để đáp ứng yêu cầu trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế.

- Phục vụ đầy đủ, kịp thời yêu cầu thanh tra chuyên đề: Công tác thanh tra, kiểm tra đối với ngành Thuế giai đoạn 5 năm (2009-2013) của Thanh tra Chính phủ.

Về giải pháp

Từ nay đến cuối năm 2014, tình hình vi phạm và tội phạm về thuế có khả năng gia tăng. Nhằm đấu tranh phòng chống gian lận và tội phạm về thuế, chống thất thu và gian lận thương mại, ngành Thuế triển khai mạnh mẽ các giải pháp sau:

- Tổ chức sắp xếp, bổ sung nguồn nhân lực tối đa cho công tác thanh tra, kiểm tra; Triển khai giao nhiệm vụ cụ thể đến từng đoàn, đội gắn với động viên, thi đua, khen thưởng, phấn đấu hoàn thành thu NSNN năm 2014.

- Tổ chức hội nghị tổng kết công tác thanh tra, kiểm tra năm 2014 và triển khai công tác năm 2015; Trong đó, chú trọng đúc rút, nhân rộng các mô hình thanh tra, kiểm tra thuế có hiệu quả.

- Tham mưu cho ủy ban và chính quyền cùng cấp chỉ đạo các cơ quan ban ngành địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế đưa ra các giải pháp đề phòng, xử lý, ngăn chặn kịp thời đối với các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

- Tập trung triển khai công tác “chống các hành vi vi phạm về hóa đơn” qua ứng dụng “đối chiếu bảng kê hóa đơn” trong toàn Ngành nhằm phát hiện ngăn chặn, xử lý kịp thời hành vi kinh doanh mua bán hóa đơn bất hợp pháp, trốn thuế.

- Bộ phận thanh tra, kiểm tra phối hợp chặt chẽ với bộ phận kê khai, tin học thường xuyên rà soát, quản lý chặt chẽ đối tượng nộp thuế; Phân loại, giám sát chặt chẽ các đối tượng có dấu hiệu kinh doanh mua bán hóa đơn bất hợp pháp, đồng thời có giải pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm, chống thất thu cho NSNN.

- Tập trung triển khai hoàn thành chiến lược cải cách, hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra của Ngành; Đẩy mạnh ứng dụng tin học cho hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế…

- Tăng cường kiểm soát tuân thủ đối với hoạt động công vụ của các đoàn, đội và cán bộ thực thi nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra DN để đề phòng, ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm.

- Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, trao đổi nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra thuế nâng cao năng lực và kỹ năng cho công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế; Xây dựng tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ và kỹ năng thanh tra chống chuyển giá, thanh tra chuyên ngành dược, thanh tra chuyên ngành ngân hàng…

- Kiện toàn nhân lực thanh tra, kiểm tra toàn ngành Thuế theo hướng: Tiếp tục tăng cường lực lượng cho công tác thanh tra, kiểm tra đạt tối thiểu 30-35% tổng số cán bộ công chức cơ quan vào cuối năm 2014; hình thành tổ chức thanh tra tại các chi cục thuế đảm bảo điều kiện theo quy định của Luật Thanh tra; Xây dựng và triển khai thí điểm cơ chế đánh giá hiệu quả công việc kết hợp với bố trí, sử dụng luân phiên, luân chuyển cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra thuế…

Tăng cường thanh tra, kiểm tra thuế đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước

TỔNG CỤC THUẾ

(Tài chính) Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước. Do vậy, để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, tạo nguồn lực tài chính đủ mạnh để phát triển kinh tế, xây dựng đất nước, đòi hỏi phải thực hiện công tác quản lý thuế một cách hiệu quả. Trong đó, thanh tra, kiểm tra thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Xem thêm

Video nổi bật