Tăng cường tín dụng cho các đối tượng mục tiêu

Theo Hà An/thoibaonganhang.vn

Thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ-NHNN ngày 24/7/2020 về Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó “tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, DNNVV và các đối tượng chính sách” được xem là mục tiêu quan trọng trong thời gian tới.

DN và người dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng. Nguồn: internet
DN và người dân tiếp cận nguồn vốn dễ dàng. Nguồn: internet

Tăng cường cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

 Với mục tiêu khơi thông nguồn vốn cho ngành nông nghiệp, từ năm 1999, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn được triển khai thực hiện với nhiều cơ chế nổi bật.  Trong đó, nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với hộ dân sản xuất nông nghiệp lên tối đa 200 triệu đồng; đối với hợp tác xã, liên hiệp HTX tối đa 3 tỷ đồng;  Quy định chính sách tín dụng khuyến khích, thúc đẩy tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao (như cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 70-80% giá trị của dự án liên kết theo chuỗi giá trị);  Quy định cơ chế xử lý nợ trong trường hợp rủi ro do nguyên nhân khách quan, thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng.

Đến 30/6/2020, dư nợ cho vay lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt 2.107.318 tỷ đồng, tăng gấp 1,11 lần so với thời điểm cuối năm 2016; với sự tham gia của khoảng 83 tổ chức tín dụng và hơn 1.000 Quỹ tín dụng nhân dân.

Bên cạnh đó, NHNN còn tổ chức triển khai nhiều chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp như cho vay hỗ trợ lãi suất để tăng cường cơ giới hóa và giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch và  kịp thời thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng trong hoạt động tín dụng, nhất là khách hàng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Nguồn vốn tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn thời gian qua luôn đạt mức tăng trưởng bình quân cao hơn mức tăng trưởng bình quân chung của nền kinh tế, góp phần không nhỏ trong thành tích mà ngành nông nghiệp Việt Nam đạt được trong những năm qua, đã tạo được những hiệu ứng tích cực, góp phần hoàn thành các mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới vượt kế hoạch đề ra.

Hỗ trợ DNNVV với nhiều ưu đãi.

Trong những năm qua, nguồn vốn tín dụng đã được triển khai và dành nhiều ưu đãi cho đối tượng DNNVV. Trong đó, NHNN đã ban hành khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tín dụng cho DNNVV tiếp cận vốn vay phù hợp với quy mô, đặc thù hoạt động của mình.  Đặc biệt, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng vay nhằm tăng cường khả năng cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, đơn giản hóa thủ tục cho vay.

Trong bối cảnh đại dịch Covid – 19, với mục tiêu hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NHNN đã ban hành các cơ chế, trong đó cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ; giảm phí thanh toán; chỉ đạo các TCTD đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn cả nước, tạo thêm kênh “tiếp vốn” quan trọng, hiệu quả giúp các doanh nghiệp được tiếp cận vốn vay ưu đãi của ngân hàng với lãi suất hợp lý.  Với sự đồng hành của các ngân hàng, đến ngày 30/6/2020, tín dụng đối với DNNVV đạt hơn 1,6 triệu tỷ đồng, tăng trên 37% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng khoảng 19,3% tổng dư nợ đối với nền kinh tế, với trên 200 ngàn DNNVV còn dư nợ.

Trong những năm gần đây, nguồn vốn tín dụng cho DNNVV luôn tăng trưởng cao,  các gói sản phẩm đa dạng  tạo thêm nhiều giá trị gia tăng cho DN thông qua các dịch vụ tiện ích; quy trình, thủ tục cấp tín dụng đối với doanh nghiệp ngày càng đơn giản, phù hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp được tiếp cận vốn dễ dàng.

Góp phần quan trọng trong giảm nghèo nhanh và bền vững

Trong những năm vừa qua, các chương trình tín dụng chính sách xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã góp phần quan trọng trong giảm nghèo nhanh và bền vững, ổn định an ninh chính trị và xây dựng nông thôn mới. Từ 3 chương trình tín dụng khi mới thành lập từ năm 2002, đến nay NHCSXH đã và đang triển khai thực hiện 20 chương trình tín dụng cùng một số chương trình, dự án do các địa phương,  tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước uỷ thác thực hiện. Mạng lưới hoạt động của ngân hàng đã được bao phủ trên toàn quốc với 63 chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố với 10.426 điểm giao dịch xã. Tính đến 30/6/2020, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 54% so với 31/12/2015, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt 9,7%, với hơn 6,5 triệu khách hàng còn dư nợ.

Tín dụng chính sách xã hội đã được triển khai đến 100% xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, NHCSXH đã cho vay gần 10 triệu lượt khách hàng vay vốn, góp phần giúp trên 1,7 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 1,3 triệu lao động; gần 350 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập...

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025

Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp và sự quyết tâm, nỗ lực của  hệ thống TCTD, vốn tín dụng ngân hàng đã đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng của nền kinh tế. Cơ cấu nguồn vốn tín dụng đã chuyển dịch theo hướng tập trung vào các khu vực sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên theo đúng chủ trương của Chính phủ, góp phần đẩy lùi “tín dụng đen”.

Để đạt mục tiêu Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đề ra, trong đó phấn đấu đến cuối năm 2025, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn trên tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đạt 25%, ít nhất 250.000 DNNVV có dư nợ tại các TCTD và hoàn thành mục tiêu phục vụ người nghèo, người thu nhập thấp; thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt một số nội dung trọng tâm:

Thứ nhất, điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, ưu tiên tập trung nguồn vốn cho nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, nhằm nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, góp phần ngăn chặn tín dụng đen.

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện, bổ sung một số cơ chế chính sách liên quan lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khu vực Doanh nghiệp nhỏ và vừa, tín dụng chính sách xã hội; lồng ghép các mục tiêu tài chính toàn diện trong quá trình cung ứng vốn vay của ngành ngân hàng góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Thứ ba, tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ quy định tại Luật Hỗ trợ, trong đó có các chính sách hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua các loại hình Quỹ như Quỹ phát triển DNNVV, Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

Thứ tư, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho NHCSXH trong việc triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách; đẩy mạnh triển khai thí điểm đề án tín dụng tiêu dùng tại các địa phương nhằm phục vụ nhu cầu đời sống hợp pháp của hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Thứ năm, tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tăng cường tuyên truyền, phổ biến các chính sách về tín dụng nông nghiệp, nông thôn, các chương trình tín dụng chính sách để chuyển tải vốn đến người dân, doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.

Thời gian tới, nghành Ngân hàng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, nghành, địa phương nhằm nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm bảo hiểm trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; cân đối, bố trí nguồn vốn cho NHCSXH để triển khai các chương trình tín dụng chính sách; tuyên truyền, phổ biến các chương trình, chính sách tín dụng của Nhà nước và của ngành Ngân hàng. NHNN đề nghị các địa phương tiếp tục kiện toàn hoạt động Quỹ Bảo lãnh tín dụng, phối hợp chặt chẽ với ngành ngân hàng trong việc tổ chức, triển khai thực hiện các chương trình kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp và tăng cường nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội.