Tăng tính cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trong thu mua hàng hóa

Theo daibieunhandan,vn

Thông tư 08 thay thế Nghị định 23 của Bộ Công Thương quy định chi tiết về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam vừa chính thức có hiệu lực. Nhiều ý kiến cho rằng, đây sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp trong nước vươn lên, khẳng định vị thế tại thị trường nội địa.

Tăng tính cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI trong thu mua hàng hóa
Doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh, chia sẻ hài hòa lợi ích với nông dân thì mới khẳng định được vị thế trên thị trường nội địa. Nguồn: Internet
Thời gian qua, nhiều thương lái nước ngoài, các doanh nghiệp FDI đã thâm nhập sâu vào thị trường nội địa, về tận vùng nông thôn thu mua trực tiếp các sản phẩm nông nghiệp. Chiêu trò của các doanh nghiệp, thương lái này là thu mua ồ ạt cùng một thời điểm khiến nông dân đổ xô đi thu gom nguyên liệu hàng hóa để rồi sau đó ép giá xuống, khiến người dân thiệt hại nặng nề. Điều đáng nói là ngay cả những sản phẩm không đạt chất lượng nhưng họ vẫn thu mua với giá tương đương sản phẩm đạt chuẩn gây xáo trộn thị trường trong nước. Thực trạng này khiến nhiều ngành như nông sản, thủy sản tại nước ta bị các doanh nghiệp FDI thâu tóm, gây lũng đoạn thị trường. Đồng thời, ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trong nước do không thể cạnh tranh.

Chính vì vậy, để bảo đảm sự bền vững trong sản xuất hàng hóa cũng như lợi ích lâu dài của người nông dân, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 08 nhằm cụ thể hóa Nghị định 23 về hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa của doanh nghiệp FDI. Theo đó, các doanh nghiệp FDI đã được cấp phép quyền xuất khẩu chỉ được trực tiếp mua hàng hóa của thương nhân Việt Nam có đăng ký kinh doanh hoặc có quyền nhập khẩu, quyền phân phối hàng hóa đó để xuất khẩu; không được tổ chức mạng lưới mua gom hàng hóa tại Việt Nam để xuất khẩu, bao gồm việc mở địa điểm để mua gom hàng hóa xuất khẩu, trừ trường hợp pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực thương mại, cam kết trong các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết thì các doanh nghiệp FDI được thu mua hàng xuất khẩu và phân phối trong nước nhưng phải thông qua các doanh nghiệp nội địa chứ không được phép trực tiếp giao dịch với người sản xuất. Do vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để không cho phép các doanh nghiệp FDI trực tiếp mua hàng. Và Thông tư 08 ra đời trong thời điểm này là hết sức hợp lý nhằm ngăn chặn tình trạng thao túng, tranh mua tranh bán của các doanh nghiệp FDI đối với các mặt hàng trong nước. Đây sẽ là cơ hội đối với các doanh nghiệp trong nước vươn lên, khẳng định vị thế của mình ở thị trường nội địa. Đồng thời, là tiền đề để tạo lập thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Lợi ích là như vậy, song Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Đặng Kim Sơn cho rằng, Thông tư này đã vô tình gây tổn hại đến những doanh nghiệp FDI làm ăn chân chính. Hiện có khoảng 30 doanh nghiệp FDI đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong chương trình đối tác công - tư. Những doanh nghiệp này đang cùng Nhà nước xây dựng hạ tầng sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương; đầu tư giống, vốn, đào tạo kỹ thuật canh tác cho nông dân trồng nhiều loại cây công nghiệp và nuôi trồng thủy sản, hỗ trợ nông dân tiếp cận các chứng nhận chất lượng sản phẩm. Nếu cấm các doanh nghiệp FDI thiết lập hệ thống thu mua hàng hóa trực tiếp sẽ khiến họ không mặn mà đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Mặt khác, Thông tư 08 đã vô tình tạo thế độc quyền thu mua nguyên liệu hàng hóa cho doanh nghiệp trong nước và cũng không thể khẳng định người dân không bị ép giá và sản phẩm được bán theo đúng giá thị trường. Điều này dường như đi ngược với cơ chế thị trường mà hầu hết các lĩnh vực kinh tế đang hướng đến.

Trong xu thế mở rộng hội nhập kinh tế, nhiều nước trên thế giới như Indonesia thay vì cấm các doanh nghiệp FDI trực tiếp thu mua nông sản thì quy định doanh nghiệp FDI phải đầu tư vùng nguyên liệu thì mới được thu mua nông sản trực tiếp từ nông dân. Nếu trong 3 năm, doanh nghiệp FDI không đầu tư được vùng nguyên liệu và không có sản phẩm xuất khẩu sẽ thu hồi giấy phép thu mua. Tuy nhiên, quan trọng là doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh, chia sẻ hài hòa lợi ích với nông dân thì mới khẳng định được vị thế trên thị trường nội địa.