Tổng cục Hải quan:
"Tăng tốc" triển khai Đề án cải cách mô hình kiểm tra chuyên ngành
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đang quyết liệt triển khai các nhiệm vụ cần thiết. Trong đó, xây dựng, trình Bộ Tài chính trinh Chính phủ ban hành Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra chất lượng và kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.
Việc xây dựng Nghị định là thể chế hóa chủ trương, chính sách của Chính phủ về cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.
Đồng thời, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực về chất lượng của hàng hóa nhập khẩu, bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân, bảo vệ môi trường, an ninh kinh tế, an ninh quốc gia; Đảm bảo tuân thủ đúng theo quy định của các Luật: Hải quan; Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; An toàn thực phẩm; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Chăn nuôi; Trồng trọt; Thủy sản; Quản lý ngoại thương.
Cùng với đó Nghị định mới cũng sẽ kế thừa các quy định đã được triển khai thực hiện tốt tại các Nghị định: 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm; 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; 85/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 quy định thực hiện thủ tục hành chính theo Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; 17/2020/NĐ-CP ngày 5/2/2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và áp dụng thống nhất cho hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Nghị định phải đảm bảo nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực thông qua tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan quản lý nhà nước; phát triển, ứng dụng tối đa các hệ thống công nghệ thông tin hiện có để đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục kiểm tra và đảm bảo minh bạch thông tin. Đảm bảo áp dụng đầy đủ, hiệu quả các phương pháp kiểm tra tiên tiến như truy xuất nguồn gốc, quản lý rủi ro, phù hợp với thông lệ quốc tế, Công ước/Hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.
Để triển khai Đề án cũng như kế hoạch của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, các đơn vị trong ngành Hải quan đã vào cuộc mạnh mẽ. Theo đó, các đơn vị đã thành lập tổ triển khai Đề án, nghiên cứu đề án, tham gia ý kiến vào Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; thông báo công khai đến cộng đồng doanh nghiệp hiểu rõ các nội dung cải cách của đề án.
Hầu hết các đơn vị đều xác định nhiệm vụ quan trọng là cần chuẩn bị nguồn lực để thực hiện việc kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm tại cửa khẩu; đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức đào tạo chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ cho công chức thực hiện công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu theo mô hình mới. Cùng với đó, cử công chức tham gia triển khai; tổ chức nghiên cứu, đóng góp ý kiến, đồng thời lấy ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn.
Nội dung của Nghị định đảm bảo quy định rõ nội dung cơ quan Hải quan là đầu mối kiểm tra đối với hàng hóa nhập khẩu. Trước mắt, giai đoạn 2022-2024, cơ quan Hải quan có quyền và trách nhiệm quyết định phương thức kiểm tra; nắm được thông tin đăng ký kiểm tra ngay từ khi doanh nghiệp đăng ký kiểm tra, quá trình kiểm tra, quyết định cho mang hàng về bảo quản hay không; sử dụng kết quả kiểm tra để giải quyết thủ tục hải quan. Tiến tới, giai đoạn sau năm 2024, cơ quan Hải quan là đầu mối thống nhất kiểm tra, quyết định phương thức kiểm tra; tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểm tra; tổ chức kiểm tra và thông báo kết quả kiểm tra.
Bên cạnh đó, các quy định trình tự, thủ tục kiểm tra rõ ràng, thống nhất, cho dù doanh nghiệp lựa chọn kiểm tra tại cơ quan Hải quan hay bộ quản lý ngành. Đảm bảo mục tiêu tạo thuận lợi, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cắt giảm chi phí, thời gian thông quan… Tránh ùn tắc tại cửa khẩu, tạo áp lực về khối lượng công việc cho chi cục hải quan cửa khẩu.