Quản lý rủi ro: Yêu cầu bắt buộc trong cải cách kiểm tra chuyên ngành
Là một trong 7 nội dung cải cách lớn của Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu do Bộ Tài chính trình Chính phủ mới đây, nguyên tắc quản lý rủi ro sẽ được áp dụng đầy đủ, thực chất nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nhưng vẫn đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Phù hợp thông lệ quốc tế
Tại Điều 4.7 của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (Hiệp định EVFTA) quy định: “Mỗi Bên phải tiến hành các thủ tục kiểm tra và giải phóng hàng cũng như thủ tục kiểm tra sau thông quan trên cơ sở các nguyên tắc đánh giá rủi ro và kiểm tra, hơn là kiểm tra toàn diện từng lô hàng để xác định việc tuân thủ tất cả các yêu cầu nhập khẩu.
Các Bên đồng ý thông qua và áp dụng các yêu cầu và thủ tục kiểm soát nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh và chuyển tải đối với hàng hóa dựa trên các nguyên tắc quản lý rủi ro, được áp dụng để tập trung các biện pháp đánh giá tuân thủ vào các giao dịch cần được chú ý thích đáng”.
Như vậy, việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro vào công tác kiểm tra chuyên ngành là yêu cầu bắt buộc để thực hiện cam kết trong EVFTA đối với việc ra quyết định thông quan và giải phóng hàng của cơ quạn hải quan. Nói cách khác, việc thực hiện kiểm tra chuyên ngành đối với tất cả các lô hàng nhập khẩu là không phù hợp với các cam kết của EVFTA. Các tiêu chí để áp dụng quản lý rủi ro đề xuất áp dụng trong đề án tuân thủ theo cam kết này của EVFTA.
Chính vì vậy, Đề án đề xuất áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, bao gồm các nội dung:
Đánh giá rủi ro trong khâu nhập khẩu, theo đó, đánh giá theo tiêu chí lựa chọn đối với nhà xuất khẩu, nhà sản xuất ở nước ngoài. Thông qua hoạt động này, cơ quan kiểm tra chuyên ngành sẽ có nguồn thông tin tạo cơ sở dữ liệu lâu dài, đầy đủ để nhận diện được hàng hóa theo các mức độ rủi ro khác nhau từ khi được nhập khẩu vào Việt Nam từ đó có biện pháp quản lý phù hợp, ngăn ngừa từ xa rủi ro;
Đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Thông qua hoạt động này, cơ quan kiểm tra chuyên ngành căn cứ theo lịch sử kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để nhận diện được nhà nhập khẩu nào tuân thủ tốt pháp luật, nhà nhập khẩu nào thường xuyên vi phạm pháp luật, có rủi ro cao trong nhập khẩu hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành để từ đó tạo thuận lợi hoặc tăng cường kiểm tra đối với các nhà nhập khẩu theo các mức độ rủi ro khác nhau;
Xây dựng Danh mục hàng hóa rủi ro của từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành: thông qua hoạt động phân tích, đánh giá để nhận diện mặt hàng nào có xuất xứ từ đâu, mặt hàng nào thường xuyên bị vi phạm có rủi ro cao, mặt hàng nào có rủi ro trung bình, rủi ro thấp để tập trung nguồn lực kiểm tra, hoặc miễn kiểm tra mặt hàng rủi ro. Các bộ quản lý ngành, lĩnh vực phối hợp cung cấp cho cơ quan Hải quan các thông tin rủi ro để thực hiện áp dụng quản lý rủi ro “tích hợp” trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Kiểm tra ngẫu nhiên 5% để đánh giá tuân thủ
Nguyên tắc quản lý rủi ro sẽ được áp dụng theo hướng thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên không quá 5% để đánh giá tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Cơ quan Hải quan sẽ tập trung nguồn lực để kiểm tra, kiểm soát đối với hàng hóa của doanh nghiệp không tuân thủ pháp luật, gian lận thương mại, những lô hàng rủi ro cao có khả năng vi phạm. Đối với các tổ chức, cá nhân chấp hành tốt pháp luật trong hoạt động xuất nhập khẩu, những lô hàng không có rủi ro sẽ được áp dụng phương thức kiểm tra đơn giản, từ đó giảm được thời gian thông quan, giảm chi phí làm thủ tục nhập khẩu.
Nhằm nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp, đảm bảo vai trò kiểm soát của các cơ quan quản lý nhà nước, Đề án đề xuất áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu thông qua việc thực hiện kiểm tra ngẫu nhiên không quá 5% hàng hóa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm.
Theo đó, cơ quan Hải quan thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm hoặc ngẫu nhiên (không quá 5%) để đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan.
Việc thực hiện kiểm tra như trên có vai trò trong việc nâng cao tính tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp do cơ quan Hải quan có thể thực hiện kiểm tra bất kỳ lúc nào mặc dù hàng hóa nhập khẩu thuộc trường hợp miễn kiểm tra, hàng hóa nhập khẩu đã được chuyển đổi sang áp dụng phương thức kiểm tra thông thường hay kiểm tra giảm.