Những tín hiệu khả quan
8 tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế-xã hội của Việt Nam tiếp tục có những chuyển biến tích cực; kinh tế vĩ mô ngày một ổn định vững chắc; tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước. Đáng chú ý, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm nay có thể ước đạt 5,54%, cao hơn so với cùng kỳ năm trước (5,14%). Dự báo này không phải là không có cơ sở trong bối cảnh đã xuất hiện nhiều yếu tố tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế để có thể đạt được mục tiêu đề ra cho cả năm, cụ thể:
- Về thu ngân sách nhà nước (NSNN): Theo Bộ Tài chính, tính chung 8 tháng đầu năm, tổng thu NSNN thực hiện ước đạt 576,9 nghìn tỷ đồng, bằng 73,7% dự toán, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 389,28 nghìn tỷ đồng, bằng 72,2% dự toán, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2013 (không kể tiền sử dụng đất, bằng 72,3% dự toán, tăng 19,8%). Thu về dầu thô ước đạt 72,77 nghìn tỷ đồng, bằng 85,4% dự toán, bằng 97% so với cùng kỳ năm 2013. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 112,22 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán, tăng 22% so với cùng kỳ năm 2013.
- Về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI): Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2014, đã có 7,9 tỷ USD vốn FDI được giải ngân, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm nay, vốn thực hiện có khả năng tăng 8,7% so với năm 2013, đạt 12,5 tỷ USD. Trong khi đó, trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký ước đạt trên 10,23 tỷ USD, bằng 81% so với cùng kỳ năm trước.
- Về xuất, nhập khẩu: Trong 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 96,98 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2013; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 95,29 tỷ USD, tăng 12%; xuất siêu gần 1,7 tỷ USD, bằng 1,75% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt, xuất khẩu của khu vực FDI (kể cả dầu thô) trong 8 tháng qua đạt 65,23 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm 67,3% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 8 tháng đầu năm, khu vực FDI xuất siêu 11,8 tỷ USD.
- Về lạm phát: Theo Tổng cục Thống kê, đến nay, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp. Cụ thể, CPI tháng 8/2014 tăng 0,22% so với tháng trước (tháng trước tăng 0,23%). So với tháng 12/2013, CPI tháng 8 tăng 1,84%, là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm qua. So với cùng kỳ, CPI tháng 8 tăng 4,31%, bình quân 8 tháng tăng 4,73%. Trong khi đó, theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, trong tháng 8 lạm phát cơ bản là 3,34%, thấp hơn lạm phát tổng thể 4,31% và cũng thấp hơn lạm phát cơ bản của cùng kỳ năm ngoái là 4,43%. Với xu hướng này, Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia dự báo lạm phát sẽ tiếp tục ổn định từ nay đến cuối năm và nếu không có những biến động lớn về giá các mặt hàng cơ bản thì nhiều khả năng lạm phát cả năm 2014 sẽ chỉ xấp xỉ 5%.
- Về sản xuất công nghiệp: Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng năm nay ước tính tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2013. Trong mức tăng chung 8 tháng của toàn ngành công nghiệp, ngành chế biến, chế tạo tăng 8,1%, đóng góp 5,6 điểm phần trăm; sản xuất và phân phối điện tăng 11,2%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 6,2%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai thác tiếp tục giảm ở mức 0,8%, làm giảm 0,2 điểm phần trăm mức tăng chung…
- Về sự cải thiện niềm tin của người tiêu dùng: Theo Roy Morgan và ANZ Việt Nam, chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam trong tháng 8 đạt 135,5 điểm, tăng 1,4 điểm so với tháng trước. Chỉ số niềm tin tiêu dùng hiện tại rõ ràng cao hơn chỉ số trung bình 131,6, tính từ đầu năm 2014 đến nay và đạt cao nhất kể từ tháng 3 vừa qua (136,4). Xét về tình hình kinh tế Việt Nam, 51% (tăng 4%) người tiêu dùng kỳ vọng Việt Nam sẽ ở “trạng thái tốt” về mặt tài chính trong vòng 12 tháng tới, trong khi đó, chỉ có 15% người tiêu dùng tham gia khảo sát cho rằng sẽ có những “trạng thái xấu” (tỷ lệ này không đổi so với tháng trước)…
Tính đến ngày 20/8/2014, đã có 7,9 tỷ USD vốn FDI được giải ngân, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm nay, vốn thực hiện có khả năng tăng 8,7% so với năm 2013, đạt 12,5 tỷ USD. Trong khi đó, trong 8 tháng đầu năm, tổng vốn đăng ký ước đạt trên 10,23 tỷ USD, bằng 81% so với cùng kỳ năm trước.
Nhận diện những thách thức
Mới đây, Chính phủ cho biết sẽ không điều chỉnh các chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được đề ra cho năm 2014, đồng nghĩa với việc giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 5,8%. Để đạt mức tăng trưởng này, thì GDP trong những tháng cuối năm sẽ phải đạt mức tăng trên 6%. Đây là một thử thách không dễ, nhất là trong bối cảnh chúng ta đối mặt với không ít thách thức, cụ thể:
Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng đạt thấp. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 26/8/2014 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 4,5% so với cuối 2013. Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn so với cùng kỳ năm 2013 gần 2%. Theo Ngân hàng Nhà nước, mức tăng này phù hợp với sức hấp thụ của nền kinh tế bởi thực tế, tuy có cải thiện nhất định, nhưng nền kinh tế vẫn khó khăn, sức hấp thụ vốn còn yếu.
Thứ hai, chỉ số hàng hóa tồn kho dù đã được cải thiện, song chưa được nhiều. Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 8 tháng đầu năm 2014 giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2013. Cụ thể: chỉ số hàng tồn kho trong 8 tháng 2014 là 13,4 %, tăng 0,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do chỉ số hàng tồn kho trong tháng 7/2014 giảm 0,1%, trong khi đó chỉ số tiêu thụ tăng 0,1% so với tháng 6/2014.
Thứ ba, tổng cầu của nền kinh tế hiện chậm cải thiện. Đây chính là vấn đề nóng được tiếp tục đưa ra tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8/2014, khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục đưa ra các giải pháp nhằm tăng tổng cầu cho nền kinh tế, tạo động lực tăng trưởng kinh tế cho năm 2015.
Liệu có thể đạt mục tiêu?
Trước những băn khoăn về tính khả thi của mục tiêu tăng trưởng 5.8% trong năm nay, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, nếu không triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp một cách đồng bộ và hiệu quả, cùng với những ảnh hưởng xấu từ bên ngoài, thì tăng trưởng GDP năm 2014 khó đạt mục tiêu đề ra và chỉ đạt khoảng 5,25%.
Trước tình hình đó, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành đưa ra các giải pháp, biện pháp tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; tái cơ cấu nền kinh tế; cải cách hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho DN và người dân đầu tư, kinh doanh. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, kể từ tháng 8 các bộ, ngành đã tích cực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, giải ngân các dự án đầu từ công, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN, cải thiện việc tiếp cận vốn của DN. Đồng thời, chú trọng đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng gắn liền với kiểm soát, giảm lãi suất…
Đồng tình với những giải pháp này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, để cải thiện tăng trưởng cũng cần chú trọng đến các chính sách hỗ trợ cho nguồn lực sản xuất hàng hóa như cải cách thể chế hỗ trợ DN, miễn giảm thuế, tăng năng suất... Do vậy, những tháng cuối năm, chính sách điều hành cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ DN, bởi cùng với mặt bằng lãi suất đang có xu hướng giảm thêm, việc giảm nghĩa vụ thuế sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí hoạt động, qua đó dần cải thiện bức tranh lợi nhuận, góp phần hỗ trợ tích cực cho kích cầu nền kinh tế. Để làm được điều đó, các chuyên gia kinh tế cũng khuyến nghị, cần phải duy trì mặt bằng giá ổn định, tăng cường niềm tin cũng như tâm lý tiêu dùng; Cần có sự gắn kết trong hệ thống phân phối hỗ trợ tiêu dùng, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng rút ngắn khoảng cách từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng…
Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng cần tính toán phương án để giải ngân vốn “tồn ứ” hiện nay. Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư từ NSNN, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ giải pháp xử lý vướng mắc trong thực hiện các dự án khởi công mới thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia…
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tình hình thu chi ngân sách 8 tháng đầu năm của Bộ Tài chính;
2. Số liệu thống kê về tình hình FDI 8 tháng đầu năm của Bộ Kế hoạch & Đầu tư;
3. Số liệu thống kê của Cổng thông tin điện tử Ngân hàng Nhà nước.
Tăng trưởng kinh tế 2014: Những vấn đề đặt ra
(Tài chính) Trong 8 tháng đầu năm 2014, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục xu hướng tích cực, lạm phát ổn định và trong tầm kiểm soát, thu ngân sách đạt khá... Tuy nhiên, đã xuất hiện không ít lo ngại rằng với đà tăng trưởng thấp như hiện nay, trong khi chúng ta chưa vượt qua được sự trì trệ của nền kinh tế thì mục tiêu tăng trưởng 5,8% cho cả năm 2014 liệu có thể về đích thành công?
Xem thêm