Tăng trưởng kinh tế quý I/2014 và những khuyến nghị chính sách

GS., TS. Ngô Thắng Lợi - ThS. Ngô Quốc Dũng

(Tài chính) Năm 2014 đã đi được một phần tư chặng đường và nền kinh tế đã có nhiều dấu hiệu tích cực, tuy nhiên, vẫn có những biểu hiện của sự tăng trưởng thiếu bền vững, những khiếm khuyết của kinh tế vĩ mô chậm được khắc phục. Chính vì thế, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 đạt 5,8% là khó khả thi.

Nhìn lại tăng trưởng kinh tế quý I/2014

Thứ nhất, kinh tế đã thoát đáy trong quý III/2013 và đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng mặc dù mức tăng còn chậm và chưa khôi phục lại ở mức thấp nhất của giai đoạn tăng trưởng nhanh.

Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2014 ước tăng 4,96% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng 4,76% của quý I/2013 và 4,75% của quý I/2012 (Bảng 1).

Bảng 1: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước quý I các năm 2012, 2013 và 2014

 

Tốc độ tăng so với quý I năm trước (%)

 

Quý I năm 2012

Quý I năm 2013

Quý I      năm 2014

Tổng số

4,75

4,76

4,96

Nông, lâm nghiệp và thuỷ sản

2,81

2,24

2,37

Công nghiệp và xây dựng

5,15

4,61

4,69

Dịch vụ

4,99

5,65

5,95

                                                                   Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo dõi động thái tương quan giữa tốc độ tăng trưởng GDP quý I với tốc độ tăng trưởng GDP cả năm qua (Bảng 2), có thể thấy, theo xu thế hàng năm, tốc độ tăng trưởng của quý I so với tốc độ tăng trưởng thực tế đạt được cả năm chiếm khoảng từ 89% đến hơn 100%.

Theo xu thế này, quý I/2014, với tốc độ tăng trưởng chỉ đạt mức 85% mức kế hoạch đặt ra cho cả năm, thì việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 5,8% của năm 2014 là khá khó khăn. Dự báo, trong điều kiện không có những thay đổi tích cực hơn, thì tăng trưởng GDP cả năm chỉ có thể đạt được mức khoảng 5,5%-5,6%.

  Bảng 2: Tốc độ tăng trưởng quý I và cả năm giai đoạn 2010-2014 (%)

 

2010

2011

2012

2013

2014

Quý 1

5,97

5,9

4,75

4,76

4,96

Cả năm

6,7

5,8

5,25

5,3

5,8

Quý 1/cả năm

89,1

101,7

90,4

89,8

85,5

                       Nguồn: Tính toán của tác giả từ số liệu Tổng cục Thống kê

Thứ hai, cấu trúc tăng trưởng kinh tế theo ngành có xu hướng hợp lý và có hiệu quả hơn. Tính theo GDP, cơ cấu ngành kinh tế quý 1 năm 2014 như sau: khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng: 12,88%; công nghiệp và xây dựng: 40,32%; dịch vụ: 46,8%. Trong khi đó, cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2013 là: 13,27%; 40,17%; 46,56%. Cụ thể:

Đóng góp của dịch vụ vào số điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế ngày càng cao. Nếu năm 2011, phần đóng góp của dịch vụ chỉ đạt 34,4% trong tổng số điểm tăng trưởng kinh tế, thì đến quý 1/2014, con số này đã lên tới 55,6%, vượt cả mức đạt được của năm 2010 (51,2%) (Sơ đồ 1).

Đóng góp của các ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng nhanh hơn mức tăng trưởng trung bình ngành công nghiệp. Trong khi tăng trưởng toàn ngành công nghiệp đạt 4,69%, thì công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 9,2%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,7%.

Tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản và lâm nghiệp cao hơn tốc độ tăng trưởng trung bình toàn ngành nông, lâm, thủy sản: Toàn ngành nông, lâm và thủy sản có tốc độ tăng trưởng quý 1/2014 chỉ đạt 2,37%. Tốc độ tăng trưởng ngành lâm nghiệp là 4,8%, cao hơn tốc độ tăng chung của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, do tăng sản lượng gỗ đến kỳ khai thác phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tăng (tăng 5,2%).

Thứ ba, tốc độ tăng trưởng theo ngành mặc dù tăng nhanh hơn, nhưng so với mục tiêu đặt ra còn ở khoảng cách rất xa:

Tốc độ tăng trưởng chung và ở cả 3 ngành đạt vẫn thấp hơn nhiều so với mức thấp nhất của thời kỳ tăng trưởng nhanh. Quý I/2014, tốc độ tăng trưởng toàn nền kinh tế đạt 4,96%, cao nhất trong 3 năm trở lại đây, nhưng vẫn thấp hơn năm 2011 (5,9%) và năm 2010 (5,97%). Tình trạng này thể hiện ở từng ngành kinh tế, kể cả dịch vụ là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất là 5,95%, nhưng vẫn thấp hơn mức ở cùng kỳ năm 2011 (đạt 6,04%), ngành công nghiệp lại thấp hơn nhiều, chỉ đạt 4,69% so với năm 2011 đạt tới 6,66%. Tương tự như vậy, đối với nông, lâm và thủy sản là 2,37% so với 3,53%.

Tốc độ tăng trưởng vẫn thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực. Mặc dù tăng trưởng GDP quý I/2014 đã có những tiến bộ hơn so với 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, nếu xem xét so sánh với một số nước trong khu vực, có thể thấy: ngoài Thái Lan (chỉ đạt 3%), còn lại con số Việt Nam đạt được vẫn còn thấp hơn nhiều. Cụ thể, theo World Bank: Trung Quốc đạt 6,7%; Campuchia: 7,2%; Myanma: 7,6%; Philippines: 6,6%; Indonesia: 5,5%. Trong khi đó thời kỳ tăng trưởng nhanh, trừ Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thường cao hơn các nước này.

Tốc độ tăng trưởng đạt được vẫn còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu đạt ra cho kế hoạch năm 2014. Quốc hội đã phê duyệt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 của Việt Nam là 5,8%, quý I hàng năm thường là khoảng thời gian có nhiều động lực để tăng trưởng nhanh hơn so với mức trung bình của cả năm (nhất là cầu tiêu dùng trong thời điểm có liên quan đến Tết Nguyên đán gia tăng rất cao), nhưng tốc độ tăng trưởng chỉ đạt được 4,96%. Điều này có thể là một mối lo ngại cho việc thực hiện mục tiêu 5,8% cho toàn năm 2014.

Thứ tư, mô hình tăng trưởng vẫn chưa có sự thay đổi mạnh mẽ, tăng trưởng vẫn chủ yếu nhờ gia công và chất lượng thấp, chưa có sự đóng góp nhiều của yếu tố công nghệ hay năng suất tổng hợp.

Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của ngành (GO) lớn hơn tốc độ tăng trưởng GDP khá cao. Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5,2%, trong khi đó tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 4,69%. Nhiều ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP.

Các ngành kinh tế nhờ vào gia công vẫn chiếm tỷ trọng cao. Đóng góp chủ yếu vào kim ngạch xuất - nhập khẩu trong quý I/2014 vẫn là các mặt hàng gia công, lắp ráp với mức tăng trưởng chung khoảng 17,6%. Trong khi đó, nhóm hàng nông sản, thủy sản tăng 6,9% và nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản giảm 9%, xuất khẩu gạo giảm 3,4%.

Tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa trung gian lớn hơn tốc độ tăng trưởng trung bình của nhập khẩu. Kim ngạch nhập khẩu quý I năm nay tăng do đóng góp của một số mặt hàng thuộc nhóm hàng phục vụ gia công, lắp ráp hàng xuất khẩu và nhóm hàng nguyên nhiên liệu dùng cho sản xuất, như: máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác tăng 28,7% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 14%; điện thoại các loại và linh kiện tăng 23,9%...

Tốc độ tăng trưởng các sản phẩm xuất khẩu mang tính gia công tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trung bình: Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2014 tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm mang tính gia công có tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều: điện thoại các loại và linh kiện tăng 22,7%; dệt may tăng 21,9%; giày, dép tăng 25,9%.  

Thứ năm, cấu trúc tăng trưởng theo đầu ra bất hợp lý. Trong quý I năm nay, tiêu dùng cuối cùng tăng 5,06% so với cùng kỳ năm 2013 và đóng góp 4,04 điểm phần trăm vào mức tăng chung (Bảng 3). Điều đáng lưu ý là, tăng trưởng gia tăng chủ yếu là do tăng cầu tiêu dùng cuối cùng (81,5%), trong đó tiêu dùng cá nhân đóng góp tới 3,91 điểm phần trăm tăng trưởng. Việc gia tăng tiêu dùng cuối cùng quá cao thể hiện ở cầu tiêu dùng cá nhân tăng nhanh do ảnh hưởng của dịp Tết Nguyên đán, vì thế không phản ánh cầu tiêu dùng thường xuyên.

          Bảng 3: Cấu trúc tăng trưởng theo đầu ra quý I/2014

 

Tốc độ tăng (%)

Điểm phần trăm đóng góp

Tiêu dùng cuối cùng

5,06

4,04

Tiêu dùng dân cư

4,92

-

Tích luỹ tài sản

3,24

0,62

Chênh lệch xuất - nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ

0,3

                                          Nguồn: Tính toán từ số liệu Tổng cục Thống kê

Thứ sáu, động lực tăng trưởng chủ yếu vẫn là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế nội địa chưa có biểu hiện khởi sắc.

 Xuất khẩu tăng nhanh ở khu vực FDI. Tổng kim ngạch xuất khẩu quý I/2014 ước đạt 33,35 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó: khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 20,78 triệu USD, tăng 18,9% và chiếm 62,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (đóng góp 10,8 điểm phần trăm tăng trưởng xuất khẩu), khu vực trong nước chiếm 32,6% và chỉ đóng góp 3,3 điểm phần trăm.

 Khu vực kinh tế nội địa tuy có tăng trưởng, nhưng xuất hiện dấu hiệu thiếu bền vững. Mặc dù, ngành công nghiệp và dịch vụ có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn mức trung bình, nhưng không gắn liền với sản xuất trong nước và nhất là ít gắn với nông nghiệp. Trong nội bộ ngành dịch vụ, nếu chỉ tính riêng ngành dịch vụ nội địa, thì cũng có tốc độ tăng trưởng thấp, như: hoạt động kinh doanh bất động sản có mức tăng trưởng thấp nhất: 2,43%; hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa cũng đều có mức tăng thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (khối lượng vận chuyển hành khách ước tăng 5,3%, trong khi cùng kỳ năm 2013 tăng 6,8%; khối lượng hành khách ước tăng 5,9%); ngành tài chính, ngân hàng chỉ đạt tăng trưởng 5,9%; kim ngạch xuất khẩu lúa gạo giảm 8,9%.

Thứ bảy, đầu tư vẫn nằm trong tình trạng tiếp tục bị chìm so với yêu cầu tăng trưởng nhanh, chưa nhận được hiệu ứng của những yếu tố kích hoạt.

 Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện quý I/2014 theo giá hiện hành ước tính đạt 214,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 28,4% GDP (Bảng 4). Trong vốn đầu tư của khu vực nhà nước, vốn từ ngân sách nhà nước thực hiện quý I ước tính đạt 34,4 nghìn tỷ đồng, bằng 19% kế hoạch năm và giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, quy mô tích lũy trong GDP quý 1/2014 chưa đảm bảo bằng mức của cùng kỳ năm 2013. Điều này, một mặt, phản ánh những khó khăn của khu vực sản xuất và dịch vụ trong việc mở rộng quy mô phát triển. Mặt khác, cho thấy, các chính sách khuyến khích đầu tư trong thời gan qua vẫn chưa đủ lực để kích hoạt đầu tư của các doanh nghiệp, dẫn đến không đủ lực cho thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế.   

Bảng 4: Tốc độ tăng vốn đầu tư toàn xã hội

Đơn vị tính: %

 

Quý 1/2012

Quý 1/2013

Quý 1/2014

Tổng số

7,3

4,7

3,8

Khu vực nhà nước

16,6

0

0,4

Khu vực ngoài  NN

2,1

8,2

6,9

Khu vực FDI

2,1

7,2

4,4

Nguồn: Tính toán từ Niên giám Thống kê

Những đề xuất chính sách trong các quý tiếp theo

(1) Tiếp tục những giải pháp kích các yếu tố tổng cầu:

Song song với việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn, cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ tổng cầu của nền kinh tế, khai thông thị trường tiêu thụ hàng hóa cho sản xuất; hỗ trợ cho nông dân về giá nông sản; giảm lãi suất và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư ngân sách và trái phiếu chính phủ.

Trên cơ sở lạm phát mục tiêu cả năm, cần chủ động điều tiết giá hàng hóa cơ bản, dịch vụ và tỷ giá, cũng như điều tiết tổng cầu của nền kinh tế thông qua phối hợp chính sách tiền tệ - tài khóa một cách thích hợp để hướng tới mục tiêu lạm phát đã định.

2) Các chính sách toàn diện hơn nhằm “kích hoạt” nâng cao năng lực vốn đầu tư của nền kinh tế.  Căn cứ vào những phân tích thực trạng vốn đầu tư, đối tượng “kích hoạt” năng lực đầu tư để tăng trưởng kinh tế không thể là đầu tư công hay tăng chi tiêu chính phủ, mà cần tập trung chính vào khu vực kinh tế tư nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp nhà nước. Nội dung “kích hoạt” tập trung chính vào việc tạo môi trường đầu tư, cơ hội và năng lực bỏ vốn của các đối tượng này. Cụ thể:

Việc thực hiện các “gói kích cầu” được cân nhắc kỹ, chỉ trong điều kiện cần phải “mồi” để “vực dậy” năng lực đầu tư khác của các đơn vị kinh tế, giúp họ vượt qua các “cú sốc” mạnh của khủng hoảng kinh tế. Trong thời gian qua, Việt Nam đã đưa ra những gói kích cầu hợp lý, vừa đủ để tránh triệt tiêu hiệu quả của các chính sách kiềm chế lạm phát. Thời gian tới, theo tôi, việc sử dụng các gói kích cầu là không cần thiết.

Cần tiếp tục duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ để tạo môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp, kết hợp với các chính sách kiềm chế lạm phát ở mức dưới 10%. Cùng với chính sách lãi suất hợp lý, cần tiếp tục duy trì mạnh hơn chính sách tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp (như Chính phủ đang làm), như: giãn thuế hoặc cắt giảm một số loại thuế. Mức hỗ trợ như vậy là vừa phải và khó gây nên sức cầu đột biến, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả của chính sách tiền tệ ổn định lạm phát.

Các chính sách tài khóa và tiền tệ cần áp dụng “lỏng hơn” đối với khu vực sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, cụ thể là các dự án đầu tư quy mô lớn cho chăn nuôi theo phương thức công nghệ hiện đại, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, các dự án sản xuất, kinh doanh cây công nghiệp lợi thế cạnh tranh…

Tăng cường các chính sách tạo cơ hội bỏ vốn cho các nhà đầu tư tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, như: giới thiệu các đối tác kinh doanh, hình thành các kênh cung ứng đầu vào hay tiêu thụ sản phẩm cho các đơn vị kinh doanh tư nhân và hộ gia đình. Thực hiện tốt hơn nữa các chính sách hỗ trợ kỹ thuật cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng như khu vực nông nghiệp.

(3)  Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp:

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp (Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10/6/2013) theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp có hiệu quả cần lưu ý quy mô sản phẩm nông nghiệp, một mặt, tạo ra giá trị kinh tế (thu nhập) nông nghiệp có xu hướng tăng lên, nhưng, mặt khác (quan trọng hơn), là phải phát triển các ngành có mối quan hệ ngược chiều và xuôi chiều, phát triển theo chuỗi, từng bước kết nối chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu./.

Tài liệu tham khảo:

1. Chính phủ (2014). Nghị quyết số 01/NQ-CP, ngày 02/01/2014 về các giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014

2. Tổng cục Thống kê (2014). Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2014