Tăng trưởng kinh tế toàn cầu: Cuộc vui nào cũng có hồi kết
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang đạt ở mức độ cao nhất, nhưng cuộc vui này có lẽ sẽ kết thúc sau một vài năm.
Ngân hàng Thế giới (WB) vừa mới nâng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm nay sau khi tăng trưởng của năm 2017 đạt mức cao hơn dự kiến.
Các quốc gia trên thế giới đang chứng kiến một sự cải thiện đáng kể, được dự kiến sẽ kéo dài trong "vài năm tới", Ngân hàng Thế giới nhận định trong báo cáo Triển vọng Kinh tế toàn cầu mới nhất.
Ngân hàng này dự báo nền kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,1% vào năm 2018, tăng so với mức dự đoán 2,9% trước đó vào tháng 6 và tăng so với mức tăng trưởng 3% vào năm ngoái.
Theo WB, sự bùng nổ tăng trưởng này được hỗ trợ bởi thương mại, lãi suất thấp và sự phục hồi của giá dầu, những yếu tố góp phần làm tăng thêm niềm tin của thị trường.
2018 sẽ là năm đầu tiên kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà nền kinh tế thế giới tăng trưởng gần như với toàn bộ tiềm năng, báo cáo cho biết.
Điều này có nghĩa mức thất nghiệp ở mức thấp, năng suất cao và lạm phát được kiểm soát, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về hàng hoá và dịch vụ của người tiêu dùng.
Nhưng báo cáo cảnh báo rằng, tăng trưởng có thể sớm đạt đỉnh điểm và sau đó sẽ giảm vào năm 2019 và 2020 khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc và Liên minh châu Âu bắt đầu 'hạ nhiệt'.
Báo cáo cũng cho rằng, suy thoái kinh tế sẽ diễn ra khi các biện pháp kích thích tăng trưởng như hạ lãi suất gần như bằng không và nới lỏng định lượng bắt đầu mất hiệu quả.
Trong khi đó, các nền kinh tế lớn trên thế giới sẽ phải đối phó với tình trạng dân số già. Điều này có thể làm giảm năng suất của họ.
Ngân hàng Thế giới dự đoán 2/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái này.
Theo đó, các chính phủ nên tập trung vào cải cách chăm sóc sức khoẻ, giáo dục và hệ thống cơ sở hạ tầng như đường xá và bến cảng.
"Nếu không có nỗ lực để phục hồi sự tăng trưởng, thì suy thoái có thể sẽ kéo dài trong thập kỷ tiếp theo", báo cáo cảnh báo.