Tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc mạnh kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu
Theo Bloomberg Economics, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã giảm tốc mạnh nhất trong năm 2018 kể từ cuộc khủng hoảng tài chính cách đây 1 thập kỷ.
Công cụ theo dõi GDP mới của Bloomberg cho thấy tăng trưởng toàn cầu đạt mức 2,1% trên cơ sở báo cáo hàng năm theo quý, giảm từ khoảng 4% vào giữa năm ngoái.
Mặc dù nền kinh tế có thể tìm thấy một chỗ đứng và ngăn chặn được tình trạng giảm tốc, nhưng "rủi ro là tác nhân gây nên sự xuống dốc sẽ tự nó duy trì", hai chuyên gia kinh tế Dan Hanson và Tom Mitchik cho biết.
Những lý do nào trong triển vọng về sự tăng trưởng? Quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc tạm dừng tăng lãi suất, một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung và sự tiêu tan dư âm của những cú sốc gây chấn động châu Âu năm 2018 cho thấy sự ổn định đang đến gần.
Tuần trước, các ngân hàng trung ương khác cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã công bố các biện pháp mới để giúp nền kinh tế vượt qua sự yếu kém hiện tại.
Chỉ báo nhanh được tổng hợp mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - công bố hôm thứ Hai - cho thấy đà giảm tốc ở Mỹ, Anh, Canada và khu vực đồng euro nói chung, bao gồm cả Đức và Ý. Tuy nhiên, lại có dấu hiệu ổn định ở Trung Quốc.
Bất chấp sự ảm đạm này, các nhà hoạch định chính sách của ECB lại có cái nhìn lạc quan về việc khu vực đồng euro đang chỉ là sụt giảm chứ không phải là suy thoái.
"Chúng tôi vẫn đang chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, mặc dù không được mạnh như trước", thành viên Ban điều hành của ECB - Benoit Coeure cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Corriere della Sera của Ý được công bố hôm thứ Hai, "Sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa để lạm phát đạt được mục tiêu mà chúng tôi đặt ra, nhưng kiểu gì nó cũng sẽ đến".
Gần đây, đã có những dấu hiệu tích cực được thể hiện ở một vài số liệu kinh tế, tuy nhiên bên cạnh đó lại có những thất vọng qua các số liệu ở các lĩnh vực tiêu biểu. Doanh số bán lẻ của Mỹ đã tăng trong tháng 1 sau khi giảm mạnh nhất trong gần 1 thập kỷ vào tháng 12, cụ thể: nhu cầu của người tiêu dùng đã tăng 1,1%.
Tuần trước, trong báo cáo sử dụng lao động của Mỹ đã thể hiện tạo ra được ít việc làm hơn so với 2 năm trước. Có thể điều này chỉ phản ánh ở một khía cạnh, nhưng số liệu chênh lệch như vậy đã cho thấy nền kinh tế đang dần "bốc hơi".
Tại Đức, sản lượng công nghiệp bất ngờ giảm trong tháng 1, mặc dù bản báo cáo tháng 12 đã loại bớt những lo ngại về tình trạng ảm đạm. Một số chỉ số về sản xuất cũng thể hiện sự sụt giảm kéo dài và sản lượng được công bố hàng năm cũng giảm sút trong 3 tháng liên tiếp.