Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại gây ra nhiều tác động mạnh lên toàn cầu
Dù rằng từng giữ vị thế quan trọng trong việc kéo kinh tế toàn cầu khỏi suy thoái vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, kinh tế Trung Quốc đã yếu đi đáng kể trong thời gian gần đây.
Việc tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chững lại có thể gây tổn hại đến một số doanh nghiệp đa quốc gia và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa trong nhiều năm tới, thực tế này “phủ bóng đen” lên sự phục hồi của kinh tế toàn cầu đang trong quá trình hồi phục từ đại dịch COVID-19, tuy nhiên sẽ không làm “trật bánh” hoàn toàn sự tăng trưởng này.
Theo Wall Street Journal, động lực tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 15% thương mại toàn cầu và khoảng 25% tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong khoảng thời gian 5 năm tính đến năm 2026, giờ đây đang gây ra sức ép lên giá cả hàng loạt các loại hàng hóa như quặng sát, chính vì vậy nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc phát triển công việc kinh doanh tại đây.
Dù rằng từng giữ vị thế quan trọng trong việc kéo kinh tế toàn cầu khỏi suy thoái vào cuối năm 2020 và đầu năm 2021, kinh tế Trung Quốc đã yếu đi đáng kể trong thời gian gần đây. Các biện pháp của chính phủ trong việc kiềm chế thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng đã gây tổn hại nghiêm trọng đến hoạt động trên thị trường bất động sản.
Nhiều doanh nghiệp sản xuất chịu tác động nặng nề từ tình trạng cắt điện bởi chính phủ cố gắng giảm khí thải các bon. Tăng trưởng tiêu dùng của người dân khá yếu bởi chịu ảnh hưởng nặng nề của biện pháp kiểm soát dịch “không COVID”, các biện pháp hạn chế xã hội và tăng trưởng thu nhập hộ gia đình yếu của giới chức Trung Quốc.
Nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới được dự báo tăng trưởng 4,8% trong năm 2022 và 5,2% trong năm 2023, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Mức tăng trưởng này thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng hàng năm đạt 8% trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2019, và dưới ngưỡng tiềm năng của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2025 ước tính khoảng từ 5,1% đến 5,7%.
Việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại tuy nhiên được bù đắp bởi tăng trưởng trên mức trung bình tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, nơi mà các gói chi tiêu kích cầu và tăng trưởng tiêu dùng cao giúp cho kinh tế toàn cầu hồi phục mạnh.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu ước tính hạ nhiệt từ 5,9% vào năm ngoái xuống 4,4% trong năm 2022, theo tính toán của IMF bởi hiệu ứng yếu dần của các gói kích cầu mà Mỹ và Trung Quốc đưa ra. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến cao hơn những năm trước đại dịch COVID-19.
Cựu giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á tại Oxford Economics, ông Louis Kuijs, nói rằng một trong những tác động rõ ràng nhất của việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại sẽ được nhìn thấy rõ nhất tại các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, đặc biệt nhóm các thị trường mới nổi phụ thuộc vào nhu cầu từ Trung Quốc.
Khi mà giá của nhiều kim loại như nickel và nhôm vẫn duy trì ở mức cao nhờ vào nguồn cung hạn chế và nhu cầu tăng cao với nhiều loại sản phẩm như thiết bị chạy điện; giá của quặng sắt, loại tài nguyên mà Trung Quốc nhập khẩu chủ yếu từ Australia và Brazil, đã giảm hơn nửa tính từ tháng 7/2021 bởi lo ngại về nhu cầu từ Trung Quốc, nước sản xuất khoảng hơn nửa sản phẩm thép của thế giới.
Đối với Mỹ, tác động của việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại lên tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ không đáng kể bởi xét đến sức mạnh hiện tại của kinh tế Mỹ, theo phân tích của chuyên gia kinh tế trưởng phụ trách châu Á tại Capital Economics – ông Mark Williams. Tuy nhiên, những doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc doanh thu vào thị trường Trung Quốc sẽ chịu suy giảm lợi nhuận.
Điều hành của hãng sản xuất hàng tiêu dùng nổi tiếng Procter & Gamble công bố doanh số bán hàng tại Trung Quốc trong quý gần nhất không tăng sau khi tăng nhanh chóng trong suốt 4 hoặc 5 năm qua.
CEO của công ty Donaldson Co, ông Tod Carpenter, trong công bố lợi nhuận gần đây cho biết số lượng đơn hàng của doanh nghiệp rất cao tại Mỹ tuy nhiên Trung Quốc là điểm tối duy nhất.
Châu Âu cũng đang có những tác động đầu tiên từ việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chững lại. Hãng xe Volkswagen AG của Đức công bố doanh số bán hàng tại Trung Quốc, thị trường nước ngoài lớn nhất của Đức, giảm khoảng 37% trong quý cuối cùng của năm 2021, trong khi đó doanh số bán hàng của hãng tại Bắc Mỹ tăng vọt.
Tăng trưởng kinh tế Đức chững lại đáng kể trong quý 4/2021, điều mà nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng có liên quan trực tiếp đến sự suy yếu của Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Đức.
Một cách khác mà sự chững lại của kinh tế Trung Quốc ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác chính là thông qua du lịch, trong năm ngoái, chỉ 25 triệu người Trung Quốc du lịch nước ngoài, thấp hơn đến 83% so với năm 2019, theo tính toán của Cơ quan Quản lý Du lịch Trung Quốc.
Trong khi đó, sự chững lại của kinh tế Trung Quốc đồng nghĩa nguồn gốc của lạm phát sẽ yếu đi. Nếu kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nóng, chuỗi cung ứng toàn cầu chịu vô cùng nhiều áp lực trong khi bản thân nó vốn đã quá chật vật đáp ứng nhu cầu các sản phẩm bán dẫn và hàng hóa khác của phương Tây.