Vì sao các yếu tố mất cân bằng trong nội tại kinh tế Trung Quốc ngày một tồi tệ hơn?
Các chuyên gia kinh tế và quan chức lo sợ các biện pháp can thiệp mạnh tay vào nền kinh tế của giới chức Trung Quốc sẽ có thể cản trở mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao của Trung Quốc.
Các yếu tố mất cân bằng trong kinh tế Trung Quốc đã trở nên tệ hại hơn, đồng thời nó trì hoãn quá trình dịch chuyển của kinh tế Trung Quốc sang hướng tập trung vào tiêu dùng, theo báo cáo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). IMF đồng thời hạ dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm nay.
Đánh giá mới nhất của IMF phản ánh cho thực tế rằng các chuyên gia kinh tế và quan chức lo sợ các biện pháp can thiệp mạnh tay vào nền kinh tế của giới chức Trung Quốc sẽ có thể cản trở mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao của Trung Quốc, vốn chủ yếu tập trung vào tiêu dùng chứ không phải đầu tư.
Bắc Kinh đã có được thành tích tăng trưởng kinh tế vô cùng ấn tượng từ đầu năm 2020 dù rằng giới chức Trung Quốc phong tỏa phần lớn đất nước nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19. Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 8,1% trong năm ngoái, cải thiện đáng kể so với mức 2,3% của toàn bộ năm 2020. Tuy nhiên, quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào đầu tư và xuất khẩu trong khi tiêu dùng cá nhân suy giảm nghiêm trọng. Trong những tháng cuối của năm 2021, tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc chững lại đáng kể.
Biện pháp hạn chế đi lại vô cùng mạnh tay của giới chức Trung Quốc khiến cho người tiêu dùng nước này ngại ngần chi tiêu. Hàng loạt biện pháp đưa ra trong năm vừa qua, tập trung vào việc ngăn chặn các hoạt động xấu trong một số lĩnh vực ví như bất động sản, cũng đã gây tổn hại đến niềm tin của doanh nghiệp tư nhân và người dân.
Với nhận xét tiêu dùng người dân suy yếu, IMF giờ đây dự báo GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,8%, thấp hơn so với tốc độ 5,7% theo dự báo trước đó. Giám đốc phụ trách Trung Quốc tại IMF, ông Helge Berger, phân tích: “Động lực tăng trưởng cao đã chững lại đáng kể, tiêu dùng tăng trưởng chậm hơn so với nhiều lĩnh vực khác trong tổng thể GDP”.
Không chỉ vậy, IMF còn nhấn mạnh: “Quá trình phục hồi kinh tế với động lực chủ yếu từ đầu tư đã đảo chiều quá trình tái cân bằng của kinh tế Trung Quốc, vì vậy nó tạo ra thêm nhiều thách thức trong việc đạt được tăng trưởng chất lượng trong trung hạn”.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế có nhiệm vụ tham vấn cho chính phủ Trung Quốc, nhiều khả năng các nhà lãnh đạo nước này sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm 2022.
Dù rằng mức này có thể thấp so với một đất nước vốn bao lâu nay quen với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hàng đầu thế giới, trên thực tế dường như nó vẫn quá lạc quan bởi xét đến việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng giảm tốc chỉ 4% trong quý cuối cùng của năm 2021.
Nhiều chuyên gia kinh tế không khỏi đặt câu hỏi về tính hợp lý đằng sau cái mà họ coi như mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng bởi nó cũng đồng nghĩa sẽ cần đến chi tiêu chính phủ mạnh tay vào các dự án lớn, vì thế sẽ tiếp tục đẩy cao hơn mức nợ công vốn đã ở ngưỡng cao của nước này.
Kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,9% trong quý 4/2021 và như vậy khép lại năm tăng trưởng mạnh nhất trong gần 4 thập kỷ.
Để giúp vực dậy các hoạt động kinh tế, giới chức Bắc Kinh đã tăng cường biện pháp nới lỏng tiền tệ và tài khóa, hạ lãi suất, khuyến khích các ngân hàng cho vay và đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường chi tiêu vào cơ sở hạ tầng.
“Chúng tôi cũng mong rằng kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh hơn ngưỡng 4,8%. Tuy nhiên những gì chính sách đang có hiện nay không đủ làm điều này”, ông Berger nói.
IMF khuyên các nhà hoạch định chính sách kinh tế Trung Quốc chấp nhận thâm hụt tài khóa cao, theo đó chính phủ Trung Quốc giảm thuế với các doanh nghiệp hoặc điều hướng các nguồn tài nguyên của chính phủ chứ không sử dụng quá nhiều các khoản đầu tư công.
“Việc hướng nguồn tiền sang các hộ gia đình thu nhập thấp sẽ có thể giúp khuyến khích tiêu dùng”, ông Berger nói.
Cho đến nay, giới chức Trung Quốc chủ yếu tập trung vào các biện pháp hỗ trợ phía nguồn cung để tăng tiêu dùng.