Tăng trưởng tín dụng 12-14%: Dễ hay khó?

Theo voh.com.vn

(Tài chính) Con số 12-14% là mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra cho năm 2014. Với dự báo, nền kinh tế sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với năm 2013, kỳ vọng kéo theo đó là sự cải thiện trong hoạt động sản xuất kinh doanh thì mục tiêu này hoàn toàn khả thi.

Tăng trưởng tín dụng 12-14%: Dễ hay khó?
Con số 12-14% là mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đã đề ra cho năm 2014. Nguồn: internet
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực thì vẫn còn đó những rào cản như nợ xấu, sức mua của thị trường chưa cải thiện,... khiến cho đích đến là 12-14% phải đối mặt với không ít khó khăn.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tính đến ngày 20/1, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế ước giảm 1,21%, huy động tiền gửi giảm 0,98% và đều là mức giảm mạnh hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng tín dụng âm ngay trong tháng đầu năm là vấn đề mang tính quy luật, bởi vào thời điểm đó, người dân và doanh nghiệp không vay đầu tư nên nhu cầu tín dụng không cao.

Thay vào đó, nhu cầu rút tiền để chi trả, thanh toán lại tăng cao nhất trong năm. Nhìn lại năm 2013, tín dụng tháng đầu năm cũng âm và những tháng tiếp theo của quý 2 và quý 3 cũng tăng trưởng rất ì ạch và bất ngờ tăng vọt trong 2 tháng cuối năm để cán mốc 12,51%. Liệu kịch bản này có lặp lại trong năm 2014? ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank), cho rằng: "Trong năm 2013, tín dụng vẫn còn những điểm nghẽn do doanh nghiệp có nợ xấu không trả được nợ ngân hàng hoặc doanh nghiệp không tiêu thụ được hàng hóa do thị trường bị thu hẹp,…Trong năm 2014, chúng tôi đề nghị đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu để khai thông tín dụng. Về phía ngân hàng cũng cần tích cực hơn nữa trong năm 2014 này".

Mục tiêu tăng trưởng tín trong năm 2014 có khả thi hay không tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Trong đó quan trọng nhất là khả năng phục hồi của doanh nghiệp trong điều kiện thị trường hiện nay và vấn đề xử lý điểm nghẽn nợ xấu trong năm 2014 sẽ như thế nào. Ngoài ra, triển vọng giảm lãi suất trung hạn cũng là yếu tố khiến doanh nghiệp quan tâm.

Bên cạnh đó, để nền kinh tế hấp thụ tín dụng cũng cần phải có thời gian chứ không thể nhanh chóng được. TS. Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh, phân tích: "Tình trạng thừa tiền, thiếu vốn trong suốt năm 2013 vẫn còn tiếp tục chứ chưa thể chấm dứt được khi mà nợ xấu-điểm nghẽn của hấp thụ tín dụng, vẫn chưa giải quyết được căn bản. Bên cạnh đó, khả năng phục hồi thị trường và sức mua trong giai đoạn đầu năm là chưa thể phục hồi nhanh được. Khi hai yếu tố này vẫn còn thì khả năng hấp thụ và cơ hội tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp vẫn còn hạn chế".

Với định hướng tăng trưởng tín dụng từ 12-14% và kiểm soát tổng phương tiện thanh toán tăng 16-18%, có thể điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế, Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ nhanh chóng xử lý các vướng mắc về chính sách để hoạt động cho vay được thuận lợi và đảm bảo an toàn cho các ngân hàng. Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam: "Theo dự báo, tăng trưởng của chúng ta ở mức 5,6- 5,8%, chúng ta lại nâng tổng phương tiện thanh toán lên 16-18% và tổng tín dụng lên 12-14%, đây là chỉ tiêu hợp lý giữa tăng trưởng và đầu tư tín dụng. Tăng trưởng còn phụ thuộc vào đầu tư Nhà nước, vào FDI và ODA, nhưng chỉ tiêu tín dụng từ 12-14% theo tôi là hợp lý".

Theo ý kiến nhiều chuyên gia kinh tế, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cũng chỉ nên đặt ra để mang tính định hướng thay vì coi đó là mục tiêu phấn đấu bằng mọi giá. Thực tế, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, "cầu" tín dụng thấp như hiện nay, việc các tổ chức tín dụng đẩy "cung" ra trong khi doanh nghiệp không thể hấp thụ vốn do không đủ điều kiện cho vay sẽ khiến cung-cầu không gặp nhau. Điều quan trọng nhất đối với tín dụng Việt Nam không phải là con số tăng trưởng mà là chất lượng tín dụng và công tác xử lý nợ xấu.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ tín dụng Ngân hàng Nhà nước, khẳng định: "Trong năm 2014, triển khai đồng bộ đề án xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đây là nhiệm vụ trọng tâm. Xử lý nợ xấu chủ yếu được thực hiện trên 2 kênh là: trực tiếp từ trích lập dự phòng rủi ro và thông qua VAMC. Còn đối với bản thân các doanh nghiệp thì cũng phải có những phương án của mình để giảm nợ xấu ngân hàng để tiếp tục vòng quay mới, phát triển phương án kinh doanh mới của mình".

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ triển khai đúng thời hạn các nội dung của Thông tư 02 về phân loại nợ và các hình thức trích lập dự phòng rủi ro, được xem như một biện pháp mạnh mẽ và biểu hiện thái độ kiên quyết của Ngân hàng Nhà nước trong quá trình đánh giá chất lượng hoạt động tín dụng của các ngân hàng thương mại. Như vậy, tăng trưởng tín dụng với con số 12 - 14% là mục tiêu với nhiều thách thức đối với ngành ngân hàng.