Tăng trưởng tín dụng 2014: Còn nhiều mối lo ngại

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) TS. Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho rằng, chỉ khi nào phân định rất rõ các mối quan hệ kinh tế và phải đối xử bằng các công cụ kinh tế thì mới có một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa. Vì tất cả hoạt động kinh tế gắn liền với nhau bằng nhiều mối quan hệ đan chéo, kèm theo đó bao gồm cả những rủi ro, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Tăng trưởng tín dụng 2014: Còn nhiều mối lo ngại
Mục tiêu TTTD của toàn hệ thống ngân hàng năm 2014 từ 12 - 14% là phù hợp. Nguồn: internet
Ngại thiếu cầu vốn

Đánh giá về mục tiêu tăng trưởng tín dụng (TTTD) của toàn hệ thống ngân hàng năm 2014 từ 12 - 14%, các chuyên gia cho rằng, đó là mức khá phù hợp. Xét trên góc độ vĩ mô, mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 cao hơn năm 2013 thì việc tín dụng có mức tăng như vậy là hợp lý. Còn trên khía cạnh vi mô, tín hiệu khả quan từ phía nền kinh tế tạo động lực, gia tăng niềm tin kinh doanh đối với doanh nghiệp. Kinh tế vĩ mô ổn định, thanh khoản ngân hàng tốt tạo điều kiện lãi suất giảm thêm một vài % sẽ kích thích doanh nghiệp vay vốn nhiều hơn, thúc đẩy TTTD.

“Xử lý nợ xấu có thể vẫn còn rất khó khăn, nhưng việc hệ thống ngân hàng đã và đang tích cực giảm nợ xấu cũng sẽ rộng đường cho tín dụng”, một chuyên gia ngân hàng bổ sung thêm.

Dù hoạt động ngân hàng được nhận định sẽ khả quan trong năm 2014, nhưng một số chuyên gia, lãnh đạo ngân hàng vẫn khá thận trọng trong dự báo về khả năng TTTD năm nay. Tổng giám đốc OCB Nguyễn Đình Tùng đánh giá: tình hình TTTD năm 2014 sẽ có cải thiện hơn nhưng không đáng kể. Theo phân tích của lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần tại TP. Hồ Chí Minh, TTTD trong năm nay khó xảy ra đột biến bởi những lý do: Năm nay nhiều doanh nghiệp sẽ tiếp tục cấu trúc lại tài chính nên rất có thể họ sẽ hạn chế tỷ lệ vốn vay từ ngân hàng mà sử dụng vốn tự có của mình để đảm bảo an toàn. Vì vậy, ngân hàng cũng không có nhiều cơ hội bơm vốn mạnh.

“Tuy năm 2014 có nhiều dự án đầu tư phát triển kinh tế hơn, nhưng rõ ràng chỉ số GDP nói chung và các chỉ số kinh tế khác không có gì đột biến so với năm 2013 thì khó có cầu vốn mạnh. Như vậy, TTTD cũng sẽ không có sự đột biến”, vị này bổ sung thêm.

Thừa nhận lãi suất cho vay đang ở mức hợp lý, nhưng bản thân các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mặn mà với việc mở rộng kinh doanh. Ông Cao Văn Thủy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tạp phẩm (Tocontap Hanoi) cho biết, hiện doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất 11%/năm cho kỳ hạn dưới 1 năm. Mức lãi suất này dù không phải là lý tưởng nhưng phù hợp với sức khỏe tài chính của doanh nghiệp. Dẫu vậy, doanh nghiệp này chưa có kế hoạch vay thêm vốn mở rộng hoạt động kinh doanh vì tình hình kinh tế chưa có dấu hiệu khởi sắc.

Theo khảo sát của phóng viên, không ít doanh nghiệp tỏ ra thận trọng với kế hoạch vay vốn trong năm nay, dù tín hiệu phục hồi của nền kinh tế đã trở lại, niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp cải thiện hơn. TS. Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank cho rằng, để nói doanh nghiệp thực sự khỏe và cầu vốn nền kinh tế tăng thì còn hơi sớm, bởi tất cả mới chỉ là tín hiệu, chưa có sự khởi sắc rõ nét. Như sự ấm lên của thị trường bất động sản được kỳ vọng khá nhiều sẽ tháo gỡ khó khăn cho ngành vật liệu xây dựng, tạo thêm việc làm… nhưng thực tế giao dịch thành công trên thị trường này vẫn chưa tăng nhiều.

“Có vẻ người dân vẫn chưa dám mạnh dạn chi tiêu. Trong khi, cầu tiêu dùng có ý nghĩa rất quan trọng đối với TTTD. Vì khi xã hội tiêu dùng nhiều thì doanh nghiệp mới sản xuất nhiều hàng hóa để bán. Và lúc ấy, doanh nghiệp mới thực sự cần thêm vốn. Nhưng điều đó vẫn chưa xảy ra”, ông Trung nhận định. Đó cũng là lý do khiến nhiều ngân hàng tỏ ra rất thận trọng khi xây dựng mục tiêu TTTD. Ông Tùng cho biết, năm 2014, OCB có kế hoạch TTTD ở mức 20%. Nhưng trước mắt, ngân hàng này vẫn sẽ đẩy tín dụng tăng theo mức cho phép của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). “Sau này, TTTD có dấu hiệu khả quan, chúng tôi mới xin NHNN nới chỉ tiêu”, ông nói.

Lo hình sự hóa tín dụng

Tuy kinh tế năm 2013 còn gặp nhiều khó khăn, nhưng TTTD toàn hệ thống ngân hàng vẫn đạt được mục tiêu 12%. Năm 2014, nhiều khả năng chỉ tiêu này cũng sẽ đạt như kỳ vọng. Nhưng về phía các ngân hàng, làm thế nào để vừa đẩy TTTD lên, vừa đảm bảo an toàn, chất lượng tín dụng lại là bài toán khó.

Trước hết, “khẩu vị rủi ro” của hệ thống ngân hàng ngày càng thay đổi theo hướng thắt chặt quản trị và kiểm soát, vì những bài học từ nợ xấu đang cảnh tỉnh họ. Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: Tôi đã phải trực tiếp đứng ra bảo lãnh cho một khách hàng vay vốn tại ngân hàng, phải cam kết với cán bộ tín dụng nếu khách hàng không trả được nợ tôi sẽ trả thay. Có thể nói, sau những vụ việc xảy ra thời gian qua, cán bộ ngân hàng trở nên rất thận trọng khi quyết định phê duyệt cấp tín dụng. Họ sợ bị hình sự hóa nếu để phát sinh nợ xấu. Do vậy, chưa bao giờ cán bộ tín dụng ngân hàng lại “lo” về chất lượng tín dụng như bây giờ. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến việc mở rộng tín dụng của ngân hàng.

Đồng quan điểm, TS. Lê Thành Trung cho hay, hình sự hóa quan hệ tín dụng đang là mối quan tâm rất lớn, không riêng gì ngân hàng mà cả xã hội. Ông Trung cho rằng, chỉ khi nào phân định rất rõ các mối quan hệ kinh tế và phải đối xử bằng các công cụ kinh tế thì mới có một nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa. Vì tất cả hoạt động kinh tế gắn liền với nhau bằng nhiều mối quan hệ đan chéo, kèm theo đó bao gồm cả những rủi ro, đặc biệt là trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

“Ngân hàng rất mong muốn sử dụng các biện pháp, chế tài kinh tế để điều hành. Nhưng nhìn đâu cũng thấy hình sự hóa các vấn đề kinh tế khiến chúng tôi lo lắng. Chỉ khi nào xóa bỏ được được điều đó thì mới tạo ra một xã hội mạnh dạn kinh doanh, đầu tư. Nếu có rủi ro thì cũng mạnh dạn sử dụng công cụ kinh tế để xử lý”, ông Trung bày tỏ.

Khuyến nghị giảm sức ép của kênh tín dụng đối với nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế, một chuyên gia ngân hàng cho rằng, cần có một bài toán tổng thể chứ không chỉ tập trung trách nhiệm vào một ngành. Ông cho rằng, khi nền kinh tế đang ở giai đoạn đi ngang dưới đáy thì đầu tư công đóng vai trò trọng yếu trong phát triển. Khi đầu tư công hiệu quả mới có sức lan tỏa mạnh, đủ lực đẩy cầu xã hội đi lên. Lúc ấy, nút thắt vốn cho nền kinh tế sẽ được tháo gỡ.

Theo số liệu thống kê đến ngày 20/2/2014, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế giảm 1,66% so với cuối năm 2013. Theo nhận định của NHNN, mức giảm này là phù hợp với tính quy luật của những năm gần đây, tín dụng thường giảm hoặc tăng chậm trong những tháng đầu năm (2 tháng đầu năm 2012 giảm 1,88%, 2 tháng 2013 giảm 0,23%).