Tăng trưởng tín dụng chưa thoát vòng luẩn quẩn

Theo laodong.com.vn

(Tài chính) Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, tính đến ngày 20/2, tín dụng toàn hệ thống giảm 1,66% so với cuối năm 2013. Riêng tại địa bàn TP. Hồ Chí Minh, theo thông tin từ chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tăng trưởng tín dụng trong 2 tháng đầu năm 2014 tại TP. Hồ Chí Minh tăng 1% so với cuối năm 2013.

Tăng trưởng tín dụng chưa thoát vòng luẩn quẩn
Tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm còn thấp do một số doanh nghiệp vẫn còn ngại vay vốn. Nguồn: internet

Sau hàng loạt động thái hạ lãi suất huy động của các ngân hàng từ 0,3 - 0,5%/năm đối với kỳ hạn ngắn từ đầu năm đến nay, lãi suất các chương trình cho vay của các ngân hàng hiện cũng đã “mềm” hơn.

Hiện các ngân hàng đã và đang tiếp tục giảm nhẹ lãi suất huy động để cắt giảm chi phí, tạo cơ sở giảm lãi suất cho vay thêm 1 - 2 điểm phần trăm trong thời gian tới. Mặc dù vậy, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng vẫn ảm đạm. Các ngân hàng cho biết lượng tiền huy động trong 2 tháng đầu năm đã quay trở lại nhưng vẫn chưa có đầu ra.

Tại Sacombank, trong 2 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của Sacombank chỉ tăng khoảng 1% so với cuối năm 2013, trong khi đó huy động của ngân hàng Sacombank tăng 6%. Tương tự, đại diện ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho hay, đầu năm 2014, các chi nhánh đang mời doanh nghiệp vay với lãi suất cho vay khoảng 6%/năm nhằm khai thông đầu ra. Thế nhưng, vẫn ít doanh nghiệp nộp hồ sơ vay vốn. Nếu có, các hồ sơ này lại không đáp ứng được điều kiện của ngân hàng.

Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Minh cho biết, mặc dù tình hình tăng trưởng tín dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong tháng 2 đã khá hơn so với tháng 1 (tăng trưởng tín dụng tháng 1 giảm 0,41% so với cuối năm 2013) nhưng vẫn còn rất chậm.

Ông Minh khẳng định, hiện nay lãi suất không phải là trở ngại của doanh nghiệp vì mặt bằng lãi suất cho vay đã ổn định và thấp hơn thời điểm 2006 - 2007. Hiện các doanh nghiệp vẫn đang trong tình trạng nghỉ ngơi nên chưa có nhu cầu vay vốn. Tuy vậy, theo ông Minh, tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm còn thấp cũng có lý do một số doanh nghiệp vẫn còn ngại vay vốn, ngân hàng đang xử lý nợ xấu và nợ phát sinh nên vẫn chưa mạnh dạn cho vay.

Thực tế cho thấy, doanh nghiệp ngại vay vốn vì sản xuất vẫn bí đầu ra, lợi nhuận làm ra không đủ bù đắp chi phí. Theo ghi nhận thực tế thì rất nhiều doanh nghiệp phản ánh họ muốn vay vốn để duy trì sản xuất và mở rộng kinh doanh. Tuy nhiên, thời gian qua “sức đề kháng” của các doanh nghiệp suy yếu, nhiều doanh nghiệp phá sản, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ nội địa, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chỉ những doanh nghiệp có “tên tuổi”, xuất khẩu mới có thể trụ lại và phát triển. Trong khi đó, lãi suất cho vay của ngân hàng tuy hạ nhưng điều kiện cho vay lại không “hạ”. Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp muốn vay thêm lại không gây được niềm tin đối với ngân hàng, do thực lực đã hao mòn trong khủng hoảng. Trong khi đó, khẩu vị rủi ro của ngân hàng cũng không còn cao như trước.

Ngoài ra, không loại trừ khả năng có doanh nghiệp cố ý chờ lãi suất giảm thêm, nhất là sau khi lãnh đạo NHNN phát tín hiệu về việc lãi suất có thể giảm thêm 1 - 2 điểm phần trăm trong năm nay. Vì thế, dù có các gói tín dụng vừa rẻ, vừa thừa nhưng các ngân hàng vẫn khó cho vay.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, điều đáng lo ngại trên thị trường hiện nay là cầu không còn phản ứng với cung, biểu hiện rõ nhất là lãi suất giảm cũng không thúc đẩy được giải ngân tín dụng. Và từ đó, khi các ngân hàng bắt đầu bước vào giai đoạn tăng tốc, nếu không có sự khởi sắc về mặt kinh tế sẽ dẫn đến rủi ro, đó là các ngân hàng rất có thể sẽ hạ chuẩn cho vay để đẩy vốn ra nhằm chống lỗ ngắn hạn.

Nhưng khi hạ chuẩn cho vay sẽ gây ra rủi ro tín dụng và nguy cơ nợ xấu chồng nợ xấu. Một trường hợp khác là các ngân hàng thương mại rất dễ mắc phải tình trạng khó tìm khách hàng tốt (do vướng nợ xấu), khi đó sẽ thiên về cho vay các doanh nghiệp xuất khẩu nhiều mà chủ yếu là những tập đoàn, tổng công ty. Và một điều cần đáng lưu tâm, đó chính là hiện tượng thừa vốn dễ dẫn đến tình trạng tín dụng ảo, vốn chạy lòng vòng trong hệ thống ngân hàng, không được đẩy ra lưu thông.

Nguyên nhân là do ngân hàng thương mại lớn cho vay khách hàng tốt với giá rẻ nhưng doanh nghiệp chưa có cơ hội gì làm ăn thì đem tiền gửi vào ngân hàng nhỏ hưởng chênh lệch. Hiện tượng này sẽ hình thành bong bóng tài chính, khi bong bóng xì hơi, các căn bệnh về thanh khoản, đột biến về lãi suất trên thị trường sẽ rất khó lường hết.