Tăng trưởng tín dụng đang bị thách thức
(Tài chính) Dòng vốn đang “tắc” ở 5 lĩnh vực ưu tiên và khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, tăng trưởng tín dụng năm 2014 đang bị thách thức.
Báo cáo về hoạt động ngân hàng 4 tháng đầu năm của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho thấy, dư nợ tín dụng 4 tháng đạt 965.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên chỉ đạt hơn 137.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo lãnh đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cho biết, dư nợ tín dụng 6 tháng cuối năm 2013 và 4 tháng đầu năm 2014 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không tăng trưởng, thậm chí bằng 0.
Vì sao tắc?
TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội nói vui rằng, doanh nghiệp gặp ông than rằng, “vay không được nhưng gặp mặt là đòi nợ”. Quả thật, nhiều doanh nghiệp khổ sở không biết tìm đâu ra vốn.
Thực tế cho thấy, đối với doanh nghiệp thuộc nhóm 1, ngân hàng “năn nỉ” để cho vay, còn đối với nhiều doanh nghiệp thuộc nhóm 2, nhóm 3 thì dù tiền có “chất đống” trong két ngân hàng cũng không dám cho vay. Có khá nhiều nguyên nhân được các ngân hàng đưa ra, trong đó, lý do cơ bản nhất vẫn là nỗi lo các doanh nghiệp vay được nhưng không trả được, nợ xấu chồng nợ xấu.
Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cho rằng, phần lớn doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn dựa vào tài sản thế chấp là chính, mà tài sản thế chấp đó chủ yếu là bất động sản. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, bất động sản liên tục rớt giá, nên bây giờ ngân hàng rất dè dặt đối với loại tài sản này.
Theo ông Toàn, để vay được khoản tín dụng mới, doanh nghiệp phải cân đối lại khoản vay cũ. Tuy nhiên, do thời gian vừa qua cầu giảm, sức tiêu thụ giảm, tồn kho tăng khiến doanh nghiệp không xoay vòng được vốn, họ phải vay vốn lưu động dẫn đến mất cân đối vốn. Đối với trường hợp này, ngân hàng không thể cho vay trung dài hạn vì rủi ro rất lớn.
Nhiều ngân hàng khi thẩm định hồ sơ của doanh nghiệp còn căn cứ vào quản lý dòng tiền của doanh nghiệp có rõ ràng hay không, ngành nghề kinh doanh có được nhà nước ưu tiên hay không, doanh nghiệp đó có kinh doanh trái ngành hay không… Theo các ngân hàng, tất cả các yếu tố này rất mù mờ nên “cũng sợ, không dám cho vay”.
Có không ít trường hợp, doanh nghiệp vay vốn ngân hàng rồi dùng tiền đi mua bất động sản, sau đó lại đem chính bất động sản đó làm tài sản thế chấp để tiếp tục vay vốn. Thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng “ôm” bất động sản thế chấp rồi ngậm đắng nhìn bất động sản đó rớt giá từng ngày mà không thể phát mại được do còn vướng cơ sở pháp lý.
Một nguyên nhân nữa là vấn đề công nợ, nhiều doanh nghiệp còn nợ quá hạn chưa trả được nên ngân hàng không thể cho vay tiếp. Trong khi đó, doanh nghiệp lại không đưa ra được kế hoạch kinh doanh của mình, dòng tín dụng không thể đảm bảo sinh lời, biên độ lợi nhuận của doanh nghiệp không ngừng giãn ra.
Đại diện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi nhánh TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, “chưa bao giờ ngành ngân hàng của chúng tôi cảm thấy khó khăn như bây giờ, huy động vốn đã khó mà tăng trưởng dư nợ lại càng khó hơn”. Không ít ngân hàng huy động được nhưng cho vay không được.
Mâu thuẫn giữa ngân hàng và doanh nghiệp ngày càng trở nên căng thẳng, “ông tốt” thì không cần vay, “ông mắc nợ” thì trốn tránh, “ông ngáp ngáp” muốn vay nhưng không đủ điều kiện vay. Ông thứ ba này rất khó xử, bởi nếu không bơm vốn có thể sẽ “chết”, còn nếu bơm vốn thì sống không được mà chết cũng không xong.
Báo cáo của NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn đến ngày 30/4/2014 chỉ tăng trưởng 1,27% so với cuối năm 2013. Mục tiêu đạt được tỷ lệ tăng trưởng từ 12 – 14% năm 2014 xem ra rất xa vời.
Vướng xử lý tài sản thế chấp
PGS., TS. Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, hiện rất khó phát mại được tài sản thế chấp, đặc biệt tài sản thế chấp là bất động sản là một trong những thách thức về thanh khoản cho các ngân hàng, trong khi loại tài sản này đang ngày càng mất dần giá trị. Ông Ngân đề nghị ngành ngân hàng cần có kiến nghị cụ thể để tháo gỡ.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết, vấn đề này NHNN chi nhánh thành phố đã nhận ra, đánh giá từ nhiều năm trước và đã có nhiều kiến nghị đối với Thống đốc NHNN cùng với lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, một số giải pháp cũng đã đưa ra nhưng để giải quyết một cách có hệ thống còn phải chờ Thông tư Liên tịch từ các Bộ ngành Trung ương.
“Theo chúng tôi, vướng mắc lớn nhất là do sự chi phối của bộ Luật Dân sự về vấn đề này. Do đó, để ra được một Thông tư Liên tịch thì cần phải có thêm thời gian”, ông Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ.
Bình luận về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch cho rằng, nếu giải quyết tài sản thế chấp qua con đường Tòa án, trong trường hợp “con nợ” không hợp tác thì không thể xử lý được bởi hiện chưa có cơ sở luật pháp nào để cưỡng chế doanh nghiệp này.
“Chúng ta biết rằng thị trường bất động sản gồm thị trường chuyển nhượng mua bán, thị trường cho thuê và thị trường thế chấp. Hiện nay pháp luật của ta chưa tạo được sự liên thông, đồng bộ ở ba thị trường này, trong khi thị trường thế chấp lại liên quan trực tiếp đến nguồn tín dụng ngân hàng”, TS. Trần Du Lịch phân tích.
Cũng theo TS. Trần Du Lịch, vấn đề này liên quan đến việc phải lành mạnh thị trường thế chấp. “Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị phải rà soát lại toàn bộ hệ thống pháp luật từ Dân sự, Thương mại, các quy trình thủ tục, vấn đề định giá, phát mại… một cách đồng bộ để có hướng tháo gỡ”, ông Lịch cho hay.