Tăng vốn khủng để thành danh hay là... chết?
(Tài chính) Sau khi tăng vốn với tốc độ chóng mặt trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp tiếp tục công bố kế hoạch tăng vốn "khủng". Động thái này có thể là bước đệm, giúp những doanh nghiệp lành mạnh “vươn vai” trở thành điểm sáng trong nền kinh tế, nhưng không ít trường hợp lại ẩn chứa rủi ro lớn với nhà đầu tư. Bài học từ những năm trước vẫn còn nóng hổi trong câu chuyện này.
Tăng vốn theo cấp số nhân
Tuy mới bắt đầu bước vào mùa ĐHCĐ năm 2015, nhưng có một điểm đáng chú ý là nhiều DN trình đại hội thông qua phương án tăng vốn lên gấp 2 - 3 lần mức vốn hiện tại. Bên cạnh các DN có mục tiêu huy động hàng nghìn tỷ đồng là những DN có kế hoạch huy động vài trăm tỷ đồng, nhưng so với vốn điều lệ thì mức vốn này cũng gây… choáng.
Ngày 2/3/2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) chấp thuận cho phép CTCP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Cần Thơ (TSC) phát hành hơn 43 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ trên 158 tỷ đồng lên trên 588 tỷ đồng, tương đương tăng 3,7 lần. Một phương án tăng vốn theo cấp số nhân khác là ĐHCĐ thường niên năm 2015 của CTCK Đại Nam (DNSE) vừa thông qua phương án tăng vốn từ 75 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng.
Việc tăng vốn đối với các DN trên TTCK là chuyện bình thường. Tuy nhiên, nhiều trường hợp tăng vốn đang phát đi những dấu hiệu khó có thể coi là bình thường. Bởi lẽ, phương án tăng vốn rơi vào các DN có cổ phiếu được giới đầu tư đồn đoán là bị “bơm thổi”, kèm theo đó là mối ngờ về hiệu quả sử dụng vốn. Chỉ trong thời gian ngắn, các DN này tăng vốn với cấp số nhân. Có ý kiến ví von, các DN này đang biến TTCK thành “máy in tiền” cho mình. Có trường hợp DN chưa sử dụng hết số vốn vừa huy động được đã công bố kế hoạch tăng vốn tiếp theo, với mức vốn dự kiến huy động lên đến vài nghìn tỷ đồng. Không ít trường hợp tăng vốn rơi vào các DN đầu tư, thương mại, những lĩnh vực được nhìn nhận là có tỷ lệ rủi ro cao hơn so với DN hoạt động trong các lĩnh vực chế tạo, sản xuất.
Nhìn vào những trường hợp DN lên kế hoạch tăng vốn khủng rồi… “chết” trong quá khứ, giới đầu tư có lý do để thận trọng trước những phương án tăng vốn khủng mà các DN đang tung ra.
Trước khi bị hủy niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE), CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) từng tăng vốn thành công và có kế hoạch phát hành tiếp hơn 7 triệu cổ phiếu, nhằm tăng vốn lên gần gấp đôi. Sau đó, những sai phạm tại DVD bị phanh phui, UBCK đã ra quyết định hủy bỏ đợt phát hành này của Công ty. Một cái “chết” khác là trường hợp của CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam (THV). Trước khi bị Sở GDCK Hà Nội (HNX) ra quyết định hủy niêm yết bắt buộc do lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp vào năm 2013, sau một lần phát hành tăng vốn thành công, THV muốn phát hành 45 triệu cổ phần để tăng vốn từ 550 tỷ đồng lên 1.000 tỷ đồng, nhưng thất bại…
Sẽ tăng cường giám sát
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các DN huy động vốn qua TTCK như chức năng chính yếu của thị trường, giới đầu tư cho rằng, nhà quản lý không nên “lỏng tay” trong cấp phép tăng vốn cho DN, cũng như khâu hậu kiểm, vì không kiểm tra kỹ điều kiện tăng vốn và sử dụng vốn của DN sẽ gây nên rủi ro lớn cho NĐT.
Về hoạt động cấp phép phát hành, nhà quản lý cho biết, một khi phương án tăng vốn của DN được ĐHCĐ thông qua, đồng thời DN thỏa mãn các điều kiện về hồ sơ phát hành, thì cơ quan quản lý không thể không cấp phép.
Nhưng vấn đề đặt ra là với những DN có tỷ lệ sở hữu của cổ đông lớn ở mức cao, thậm chí chỉ có vài cổ đông sáng lập, cổ đông lớn nắm cổ phần chi phối, đủ để thông qua các quyết định quan trọng tại DN, trong đó có phương án tăng vốn, thì trong nhiều trường hợp, ý chí tăng vốn của nhóm cổ đông này không phải khi nào cũng đồng nhất với mong muốn của các cổ đông nhỏ lẻ, cổ đông bên ngoài, nếu không muốn nói là có sự xung đột giữa hai nhóm cổ đông này. Đành rằng, với công ty cổ phần thì nguyên tắc đối vốn cần được tôn trọng, nhưng nếu để nguyên tắc này bị lạm dụng, nhất là trong tình huống DN liên tục tăng vốn cao bất thường, thì dễ gây rủi ro cho NĐT và thị trường. Do đó, cần sự vào cuộc của UBCK trong việc siết chặt khâu cấp phép, cũng như tăng cường công tác hậu kiểm.
Để tăng cường giám sát hoạt động tăng vốn của DN, UBCK đang lấy ý kiến các thành viên thị trường về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán. Dự thảo đưa ra quy định mới là tổ chức phát hành (cả phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng) phải công bố báo cáo sử dụng vốn được kiểm toán xác nhận tại ĐHCĐ, hoặc thuyết minh chi tiết việc sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán trong báo cáo tài chính năm được kiểm toán xác nhận.
Tuy nhiên, theo giới đầu tư, việc bổ sung giải pháp trên là chưa đủ. Ngoài việc giám sát thường xuyên, cần bổ sung quy định trong một số trường hợp có dấu hiệu nghi vấn, chẳng hạn DN sử dụng vốn không đúng mục đích, liên tục tăng vốn với mức lớn hơn nhiều lần so với vốn điều lệ hiện tại, thì UBCK chủ động hoặc phối hợp với cơ quan có thẩm quyền vào cuộc thanh tra, để tránh xảy ra những “cái chết” bất ngờ, gây mất mát cho những NĐT tin vào kế hoạch kinh doanh của DN đã rót vốn.