Tạo cơ chế thu hút vốn đầu tư vào ngành hàng không

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Tại hội thảo Xã hội hóa hoạt động quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay ở Việt Nam do Cục Hàng không tổ chức, các chuyên gia cho rằng, để tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng trong bối cảnh ngân sách chưa đủ, bước đầu phải hoàn thiện thể chế, chính sách, cơ chế giám sát và có giải pháp thu hút nguồn vốn xã hội.

Tạo cơ chế thu hút vốn đầu tư vào ngành hàng không
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Gần đây, ngành giao thông - vận tải đã có đột phá trong thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Riêng với lĩnh vực hàng không, một lĩnh vực nhạy cảm thì cần có cơ chế thuận lợi, chặt chẽ và minh bạch để thu hút các nhà đầu tư.

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, quản lý nhà nước trong lĩnh vực hàng không có vai trò rất quan trọng, thể hiện từ việc ban hành thể chế chính sách, phê duyệt chiến lược quy hoạch, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Đối với bất cứ nhà đầu tư nào, yêu cầu về tính công khai, minh bạch là yêu cầu đầu tiên và đây cũng chính là trách nhiệm quản lý nhà nước. Phó tổng giám đốc VietJetAir Nguyễn Đức Tâm, với tư cách nhà đầu tư, khẳng định: nhà đầu tư mong muốn công khai, minh bạch. Khi đầu tư rủi ro là phải chịu. VietJetAir quan tâm tới nhà ga hành khách T1 ở Nội Bài. Nhà ga để phục vụ hành khách từ khâu vào làm thủ tục cho tới khi khách lên máy bay. Hiện nay VietJetAir đã có kế hoạch phát triển, với mong muốn thay đổi nhằm phục vụ hành khách tốt hơn trong khâu di chuyển bằng đường hàng không.

Về việc xã hội hóa đầu tư nhà ga, cảng hàng không, theo chủ trương của Chính phủ và Bộ Giao thông - Vận tải, việc nhượng quyền khai thác phải đúng theo tinh thần của Hiến pháp và các luật, nghị định hiện hành, tuyệt đối không chuyển giao vai trò quản lý nhà nước cho tư nhân. Theo hình thức này, Nhà nước nắm giữ tất cả hoạt động liên quan đến bảo đảm an ninh quốc phòng, quản lý bay, quản lý vùng trời; chỉ nhượng quyền cung cấp dịch vụ những lĩnh vực không cần nắm giữ. Ngay ở phần dịch vụ này, doanh nghiệp đầu tư cũng phải chịu áp lực cạnh tranh rất lớn, nhưng đây cũng là bước chuyển của các doanh nghiệp trong nước khi chúng ta hội nhập, như phân tích của Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý Trung ương, Ts Võ Trí Thành: liên quan kết cấu hạ tầng thì vai trò vận hành, quy trình vận hành bảo đảm dự án. Đối với kết cấu hạ tầng như khai thác cảng hàng không thì số lượng nhà đầu tư ít. Ngay vòng đầu qua đấu thầu cạnh tranh là chưa đủ. Tiếp theo là áp lực trong quá trình cạnh tranh, tức là có thể bị loại, bị thay thế. Vì đòi hỏi quy chuẩn, tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Như vậy, phản ánh của thị trường, của người sử dụng dịch vụ rất quan trọng. Thứ nữa là hàng không liên quan tới an toàn nên vai trò can thiệp của Nhà nước cũng là áp lực nhất định đối với nhà cung ứng. Vấn đề không chỉ là giá cả, mà chất lượng dịch vụ càng ngày phải đáp ứng được thông lệ trên thế giới, đó cũng là tạo áp lực cạnh tranh. Điều này tốt cho đội ngũ doanh nhân Việt.

Hạ tầng hàng không bao giờ cũng gắn với an ninh quốc phòng nên việc tính toán kêu gọi dự án nào sẽ chuyển nhượng quyền khai thác phải được thống nhất với Bộ Quốc phòng và trình Chính phủ. Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cũng khẳng định: việc thí điểm nhượng quyền khai thác sân bay Phú Quốc và nhà ga T1 Nội Bài chỉ thực hiện với các nhà đầu tư Việt Nam. Vì theo đánh giá chung của các nhà quản lý hàng không, thì sân bay là một tài sản quốc gia quan trọng nên việc để cho một tổ chức có sử dụng ngân sách nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài khai thác toàn bộ cần phải được xem xét rất cẩn trọng.

Ngoài năng lực tài chính, nhà đầu tư phải có năng lực trong vận hành khai thác sân bay hoặc phải có hợp đồng thuê các tổ chức chuyên nghiệp đủ năng lực thực hiện; việc tổ thức khai thác vận hành phải bảo đảm tất cả các hãng hàng không được tiếp cận và cung cấp dịch vụ một cách công bằng. Việc đầu tư hoặc nhượng quyền khai thác được định giá, tính toán phương án tài chính bảo đảm đúng các quy định hiện hành; việc lựa chọn nhà đầu tư bảo đảm minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng.