Tạo đà bứt phá tăng trưởng những tháng cuối năm
Thách thức đến với xuất khẩu ngành hàng thủy sản ngày càng lớn nên ngành nông nghiệp cùng các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm giải pháp để tạo đà bứt phá tăng trưởng những tháng cuối năm.
Nhiều tín hiệu khả quan
Sau một năm đạt doanh thu kỷ lục về xuất khẩu thủy sản, bước sang năm 2023, ngành hàng tỷ đô của Việt Nam chịu những áp lực rất lớn, doanh số liên tục giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), tháng 6, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt hơn 767 triệu USD, giảm 23,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tháng 7 đạt 778 triệu USD, giảm 17,5%; tháng 8 ước đạt 846 triệu USD, vẫn giảm hơn 15%. Tính chung 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 5,68 tỷ USD, giảm 25,4% so với cùng kỳ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản 8 tháng qua có sự trồi sụt do áp lực lạm phát, tình hình thế giới biến động và những rào cản lớn như “thẻ vàng” về đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) mà Ủy ban châu Âu áp đặt với hải sản Việt Nam…
Tuy nhiên, bước sang những tháng cuối năm, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã cho thấy chỉ báo khởi sắc, bởi nhìn vào mức tăng trưởng của tháng 8 dù giảm, nhưng đây là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong những tháng qua và doanh số cao hơn hẳn so với những tháng trước.
Điều này cho thấy xu hướng thị trường đang dần khả quan với xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong các tháng còn lại của năm 2023. Một điều đáng chú ý khác là nhiều sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như: Tôm, cá tra, cá ngừ, cua ghẹ… vẫn nằm trong nhóm các loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất trên toàn cầu.
Đơn cử như tại thị trường Mỹ, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều có doanh số tăng đột phá trong vòng 10 năm (2012-2022). Riêng xuất khẩu tôm tăng 77% từ 454 triệu USD năm 2012 lên 807 triệu USD năm 2022. Xuất khẩu cá tra tăng 50% từ 359 triệu USD lên 537 triệu USD, cá ngừ tăng gấp đôi từ 244 triệu USD lên 489 triệu USD. “8 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt trên 1 tỷ USD” - VASEP cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến, hiện thủy sản chiếm 27-28% tổng giá trị xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Những khó khăn từ thị trường đã chạm đáy và gần đây đã có dấu hiệu khởi sắc, do đó, từ nay đến cuối năm, toàn ngành phải cố gắng, nỗ lực phấn đấu nhằm đảm bảo kim ngạch xuất khẩu của ngành năm 2023 (10 tỷ USD).
Bên cạnh đó, giá cước vận tải đường thủy vẫn đang duy trì ở vùng thấp so với đợt cao điểm mùa dịch COVID-19. Nguồn cung tàu và container trong thời điểm hiện tại tương đối dồi dào cũng giúp việc xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang các thị trường nước ngoài gặp thuận lợi hơn trong nửa cuối năm.
Tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản
Cùng với dấu hiệu kinh tế hồi phục ở một số thị trường, các doanh nghiệp hy vọng xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm sẽ tăng trưởng tốt hơn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, ngành thủy sản, các địa phương, đặc biệt là các doanh nghiệp còn nhiều việc cần phải làm ngay.
Từ phía cơ quan quản lý, Bộ NNPTNT cho biết, các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường để kịp thời chỉ đạo việc sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2023; tăng cường kiểm soát chất lượng giống thủy sản, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản; chỉ đạo phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đảm bảo theo đúng định hướng, đáp ứng nguyên liệu cho thị trường...
Đặc biệt, thực hiện nỗ lực gỡ “thẻ vàng” - điều kiện quan trọng để thủy sản Việt Nam rộng cửa vào các thị trường khó tính, Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với các địa phương tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng vi phạm quy định IUU. Trong đó, toàn ngành sẽ tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát hoạt động nghề cá trên biển. Tập trung kiểm soát các hành vi nghiêm trọng về khai thác IUU, ngăn chặn tình trạng tàu cá, ngư dân khai thác trái phép vùng biển nước ngoài…
Theo ông Nguyễn Như Tiệp - Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NNPTNT), hướng đến mục tiêu xuất khẩu trong năm cũng như thời gian tới, Bộ sẽ phối hợp đẩy mạnh phát triển thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tiếp tục xử lý các vấn đề liên quan đến thị trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu thủy sản, đặc biệt là thị trường: Trung Quốc, Mỹ, Liên minh châu Âu... “Mới đây, Đoàn thanh tra Hoa Kỳ về xuất khẩu cá da trơn cơ bản cho kết quả tốt và Việt Nam có thể tiếp tục xuất khẩu cá da trơn sang thị trường này” - ông Tiệp thông tin.
Thị trường xuất khẩu thủy sản Việt Nam được đánh giá là có xu hướng khả quan hơn trong các tháng cuối năm 2023, bởi thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ thủy sản sẽ tốt lên, nhất là khi lễ Giáng sinh và Tết Dương lịch đang đến gần.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP
Để tận dụng cơ hội trong những tháng cuối của năm 2023, nhiều doanh nghiệp thủy sản đang tích cực rà soát lại chi phí để cung cấp cho khách hàng sản phẩm với giá tốt nhất; tập trung đa dạng hóa sản phẩm, chế biến chuyên sâu, đầu tư vào chuỗi giá trị để duy trì đơn hàng. Trong đó, chú trọng các loại mặt hàng thủy sản tiện lợi cho việc chế biến sẵn tại nhà; các loại sản phẩm khô với mức giá rẻ hơn, phù hợp với điều kiện thu nhập bị suy giảm của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực từ thị trường và sự chủ động, nỗ lực của doanh nghiệp, theo VASEP, các doanh nghiệp hiện rất mong chờ Chính phủ và các Bộ, ngành triển khai chính sách hỗ trợ để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là khơi thông nguồn tín dụng, tập trung thu mua nguyên liệu. “Vấn đề lãi suất, kích cầu… với sự vào cuộc sớm của Chính phủ sẽ giúp chia sẻ gánh nặng và tạo được niềm tin lớn cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn này” - ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký VASEP nhận định./.