Tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng, người dân và doanh nghiệp
Nhấn mạnh quan điểm "không thể tháo gỡ mà lại tạo rào cản mới và đẩy nhanh mà thủ tục rườm rà hơn", Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương lưu ý, cần nghiên cứu để tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng, người dân, doanh nghiệp, nhất là thủ tục tạm ứng, thanh quyết toán phải được làm rõ hơn, tháo gỡ khó khăn đến cùng.
Không nên có thêm các thủ tục làm chậm tiến độ
Cho ý kiến với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại phiên họp chiều 8/1, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khẳng định sự cần thiết phải ban hành chính sách đặc thù để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và thực hiện khoản 2, Điều 2, Nghị quyết số 108/2023/QH15 ngày 29/11/2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề về các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, “Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cần tập trung tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, không nên có thêm các thủ tục để làm chậm tiến độ”.
Qua rà soát 8 cơ chế đặc thù Chính phủ trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị làm rõ thêm chính sách thứ 4 về sử dụng ngân sách nhà nước trong trường hợp giao chủ dự án phát triển sản xuất tự thực hiện việc mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động phát triển sản xuất và chính sách thứ 5 về quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ dự án hỗ trợ phát triển sản xuất.
Đối với chính sách thứ 4, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh nêu rõ, theo quy định về đấu thầu hiện nay, chúng ta đã tính đến việc xử lý các vướng mắc trong các Chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung các quy định giải quyết các vướng mắc này. Ví dụ, đã bổ sung trường hợp tự quyết định mua sắm với các gói thầu có giá trị dưới 50 triệu đồng; bổ sung các trường hợp cho phép áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh… Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư số 55/2023/TT - BTC quy định về quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia… Qua theo dõi, Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, việc bổ sung chính sách thứ 4 này trong dự thảo Nghị quyết chưa rõ và chưa thực sự yên tâm.
Đối với chính sách thứ 5 về vấn đề quản lý, sử dụng tài sản hình thành từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh nhất trí với việc tháo gỡ khó khăn khi sử dụng ngân sách để hỗ trợ, tạo ra các tài sản, tuy nhiên việc quản lý, bàn giao cho cộng đồng, người dân cần phải quy định thuận tiện, rõ ràng hơn.
Liên quan đến phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, về xử lý kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, trong Nghị quyết số 108/2023/QH15 có nêu: “Giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia”. Tuy nhiên, thời điểm này vẫn chưa có tổng hợp cụ thể nên rất khó để tháo gỡ ngay trong Nghị quyết. Do vậy, các địa phương cần phối hợp với Kiểm toán Nhà nước có báo cáo làm rõ, đề xuất phương án và cần thiết đến Kỳ họp thứ Bảy hoặc Kỳ họp thứ 8báo cáo Quốc hội để có phương án giải quyết.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, nếu Chính phủ chưa đề nghị cơ chế xử lý kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước, thì Đoàn giám sát của Quốc hội cũng có thể đề nghị Quốc hội xem xét tháo gỡ. Nhấn mạnh, đây là vấn đề phức tạp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng để có thể báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tới.
Mong mỏi tháo gỡ toàn diện, triệt để, “tới nơi, tới chốn”
Với mong mỏi triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả, "về đích đúng hạn", Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ để sau phiên họp này sẽ đề ra được chính sách tháo gỡ với tinh thần "'triệt để, toàn diện, tới nơi, tới chốn”, tránh nảy sinh những khó khăn khác. Với những vấn đề chưa rõ, nếu cần có thể đi đến đồng thuận về nguyên tắc để tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ và các địa phương chuẩn bị, đưa ra quyết định đúng đắn.
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ và các cơ quan cũng như Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội trong quá trình xây dựng hồ sơ dự thảo Nghị quyết. Đồng thời đề nghị, cần tiếp tục rà soát tên gọi của dự thảo Nghị quyết bảo đảm ngắn gọn, rõ ràng, có tính khái quát, và không dùng từ “thí điểm”. Về hồ sơ dự thảo Nghị quyết, Chính phủ cần bổ sung các nội dung theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…
Về các cơ chế, chính sách đặc thù, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, Chính phủ tiếp tục rà soát các chính sách nhằm thể hiện đầy đủ nội dung tương tự như chính sách quy định tại Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP. Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 100/2023/QH15 về thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện, Nghị quyết số 108/2023/QH15 về giám sát chuyên đề về các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm sát với tình hình thực tiễn, khắc phục được những khó khăn, vướng mắc, giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình. "Không thể tháo gỡ mà lại tạo rào cản mới và đẩy nhanh mà thủ tục rườm rà hơn". Lưu ý điều này và riêng với hai chính sách 4, 5, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu rõ, cần nghiên cứu để tạo điều kiện tốt nhất cho cộng đồng, người dân, doanh nghiệp, nhất là "thủ tục tạm ứng, thanh quyết toán cần làm rõ hơn để tháo gỡ khó khăn đến cùng”.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Chính phủ phối hợp với cơ quan thẩm tra hoàn chỉnh hồ sơ, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết bảo đảm chất lượng; đề nghị Hội đồng Dân tộc tổ chức phiên thẩm tra chính thức về nội dung này để kịp trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Năm tới đây.