Những chuyển biến tích cực

Chỉ tính riêng từ 1/1/2012 đến 15/8/2012, hoạt động kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) đã được đẩy mạnh trong phạm vi toàn ngành, với tổng số cuộc là 1.523 (gồm 1.375 cuộc kiểm tra tại trụ sở cơ quan hải quan, 148 cuộc kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp (DN), đạt 196% so với cùng kỳ năm 2011). Qua KTSTQ, cơ quan chuyên ngành đã phát hiện và xử lý 430 vụ vi phạm, thu về cho ngân sách nhà nước (NSNN) 468,65 tỷ đồng; trong đó, ấn định thuế là 432,90 tỷ đồng; xử phạt vi phạm hành chính là 35,75 tỷ đồng.

Để giảm thiểu chống thất thu cho NSNN, kể từ đầu năm 2012 đến nay, công tác phân loại DN, kiểm soát DN, loại hình, mặt hàng xuất nhập khẩu (XNK) có rủi ro cao đã được Cục KTSTQ của Ngành chỉ đạo các đơn vị quán triệt, đẩy mạnh thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao. Các đơn vị KTSTQ trong toàn Ngành đã chú trọng thực hiện kiểm tra các chuyên đề lớn, với các mặt hàng “nóng” như: sữa, linh kiện, phụ tùng ô tô, thực phẩm chức năng, mặt hàng thép; xuất xứ hàng hóa, tỷ giá tính thuế; hạn ngạch thuế quan; thu thập, phân tích thông tin về giá một số mặt hàng… Đặc biệt, qua việc kiểm tra sâu sát thực tế, lực lượng hải quan đã phát hiện tình trạng DN việc lợi dụng Hiệp định CEPT/ AFTA để chuyển tải bất hợp pháp các mặt hàng thép lá cán nguội, sữa nhập khẩu. Kết quả, lực lượng này đã ngăn chặn kịp thời, truy thu thuế hàng chục tỷ đồng, đồng thời, đã ngăn chặn hiện tượng gian lận xuất xứ để hưởng ưu đãi đặc biệt về thuế theo các hiệp định thương mại đối với mặt hàng này.

Thông qua công tác KTSTQ, cơ quan hải quan đã phát hiện được nhiều sơ hở, hạn chế trong chính sách quản lý XNK của Nhà nước nói chung và ngành Hải quan nói riêng. Trong lĩnh vực xác định trị giá, KTSTQ cũng đã phát hiện việc khai thấp giá các mặt hàng ga hoá lỏng, phôi thép, clanke, lúa mì các loại, dầu cọ thô; truy thu thuế nhiều DN, có những vụ số thuế truy thu lên đến gần chục tỷ đồng… Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực của công tác KTSTQ để mang lại những kết quả tích cực trong việc thực hiện nhiệm vụ thu và chống thất thu ngân sách, thực tế triển khai các quy định pháp luật về hoạt động này cũng đã này sinh một số bất cập cần sửa đổi.

Bất cập cần sửa đổi

Đặc thù của hoạt động KTSTQ đối với 1 DN là kiểm tra cả một quá trình XNK hàng hoá (theo quy định là 5 năm), đây là khoảng thời gian dài, nên khối lượng hồ sơ, chứng từ có liên quan đến các lô hàng rất lớn (có thể lên tới hàng nghìn tờ khai, hàng trăm lô hàng). Vì vậy, khi phát hiện ra lỗi vi phạm không khai hoặc khai sai dẫn đến thiếu tiền thuế thì số tiền thuế thiếu thường rất lớn, có khi đến hàng trăm tỷ đồng. Nếu theo quy định DN phải nộp đủ số tiền thuế trước khi lập biên bản vi phạm hành chính (VPHC) để xác định hành vi bị xử phạt VPHC sẽ có những bất cập sau:

Một là, để xác định số tiền thuế chính xác cho DN nộp vào NSNN chỉ thực hiện được sau khi đã có kết luận KTSTQ. Số tiền thuế thiếu của DN được phát hiện từ công tác KTSTQ thường có số lượng lớn, việc DN phải nộp ngay số tiền thuế thiếu là một khó khăn không nhỏ đối với DN.

Hai là, để DN nộp được khoản tiền thuế thiếu vào NSNN đúng quy định về quản lý kế toán thuế, tài khoản, đơn vị theo dõi, đảm bảo việc hạch toán trên chương trình kế toán hải quan cho từng tờ khai thì phải có 1 quyết định ấn định thuế của cơ quan hải quan. Thời hạn thực hiện quyết định ấn định thuế theo quy định là 10 ngày.

Ba là, theo nguyên tắc khi phát hiện hành vi VPHC thuế lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền xử phạt đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản. Trong công tác KTSTQ việc lập biên bản VPHC không kịp thời sẽ dẫn đến trường hợp hết thời hiệu xử phạt VPHC của nhiều tờ khai hải quan. Vì vậy, việc lập biên bản VPHC phải được thực hiện kịp thời. Mâu thuẫn ở đây là nếu trong quá trình KTSTQ, DN muốn nộp tiền thuế thiếu ngay cũng phải chờ kết luận kiểm tra và quyết định ấn định thuế để xác định được số tiền thuế chính xác; hoặc nếu số tiền thuế quá lớn thì DN cũng không thể nộp ngay được. Nếu quy định DN phải nộp đủ số tiền thuế thiếu mới lập biên bản vi phạm thì sẽ vi phạm nguyên tắc lập biên bản kịp thời hoặc để quá thời hiệu xử phạt sau này.

Phát huy vai trò kiểm tra sau thông quan

Để khắc chế được các hành vi VPHC trong lĩnh vực hoạt động XNK, chống thất thu NSNN, những bất cập trên sẽ được ngành Hải quan nghiên cứu trình các cấp hữu quan sửa đổi, bổ sung.

Cùng với đó, việc đẩy mạnh kiểm tra tại trụ sở DN, KTSTQ các vấn đề có khả năng gian lận, rủi ro cao, chính sách còn chưa rõ ràng, thực hiện chưa thống nhất... Tiếp tục kiểm tra sâu hơn để đấu tranh với các hành vi gian lận, trốn thuế trong ưu đãi đầu tư, miễn thuế, không thuế, xuất xứ hàng hoá, XNK qua khu vực phi thuế quan (tại các khu kinh tế cửa khẩu); triển khai chuyên đề KTSTQ đối với hàng hóa XNK theo loại hình tạm nhập - tái xuất; tiếp tục kiểm tra phát hiện những hình thức khác trong lĩnh vực trị giá liên quan đến sở hữu trí tuệ (phí bản quyền đối với chuyển giao công nghệ, sử dụng nhãn hiệu, nhất là các nhãn hiệu lớn...). Kiểm tra các trường hợp có dấu hiệu gian lận trong XK khoáng sản…


Bài đăng trên Tài chính Đầu tư 10-2012

Tạo đột phá trong kiểm tra sau thông quan

Ngô Tùng Dương - Cục Hải quan Quảng Ninh

(Tài chính) Trong những năm qua, công tác kiểm tra sau thông quan đã có những chuyển biến mạnh mẽ, kịp thời ngăn chặn nhiều hành vi gian lận thương mại, góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số bất cập cần sửa đổi…

Xem thêm

Video nổi bật