Tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng để doanh nghiệp phát triển
(Tài chính) Năm 2013 là năm thứ 10 tổ chức Ngày Doanh nhân Việt Nam theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các hoạt động kỷ niệm ngày doanh nhân năm nay được tổ chức trang trọng và tiết kiệm, với tinh thần ghi nhận nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và sẻ chia cùng doanh nhân cả nước trước những khó khăn của mỗi đơn vị, cũng như của nền kinh tế.
Vì vậy, trong gần 500.000 doanh nghiệp trên cả nước thì đã có trên 40.000 đơn vị đã phải tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể. Hay như trong 100.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại thì đa phần các đơn vị có năng lực sản xuất, kinh doanh yếu. Hiện có 66% doanh nghiệp không có khả năng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như kinh doanh không có hiệu quả.
Rất nhiều trong số đó đang phải ăn dần vào vốn. Khả năng trụ vững của các đơn vị này phụ thuộc rất nhiều vào việc cải thiện môi trường vĩ mô cũng như chính sự nỗ lực vận động của thị trường và doanh nghiệp trong thời gian tới.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, kỷ niệm 10 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay cũng là để ghi nhận, sẻ chia khó khăn, thách thức với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt. Đây là thái độ cần thiết của xã hội để động viên cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục dấn thân trên con đường kinh doanh, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp làm giàu cho đất nước.
Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hòa Bình Hà Văn Thắng cho rằng, năm 2014 sẽ tiếp tục là một năm khó khăn, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khi nước ta đang tích cực tham gia các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Vì vậy, các hiệp hội, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ tích cực và thiết thực hơn về thông tin thị trường, chính sách từ các cơ quan quản lý Nhà nước. Thực tế, trong thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, song quá trình thực hiện đều có độ trễ nhất định. Doanh nghiệp phải chờ đợi một thời gian mới nhận được hướng dẫn chính sách thực hiện từ các cơ quan chức năng.
Ngoài ra, theo ông Vũ Tiến Lộc, với nguồn lực thực tế của đất nước hiện nay, khó có thể có được sự hỗ trợ trực tiếp như gói kích thích nền kinh tế trước đây. Giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới là tạo lập được môi trường kinh doanh thông thoáng để doanh nghiệp phát triển. Bởi cộng đồng doanh nghiệp phát triển không chỉ giúp tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, mà còn tạo ra thu nhập, việc làm, ổn định đời sống cho người lao động.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có việc cổ phần hóa, thoái vốn ra khỏi những lĩnh vực ngoài ngành và Nhà nước không cần thiết phải nắm giữ chính là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực này, cũng như của nền kinh tế. Bởi việc thoái vốn ở đây không chỉ đơn thuần là rút một phần vốn kinh doanh ra khỏi các mục tiêu đầu tư công mà còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia góp sức đầu tư.
Điều này sẽ góp phần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, không phân biệt đối xử, khuyến khích người dân đầu tư vốn vào sản xuất, kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước, các cổ đông trong hội đồng quản trị sẽ tạo áp lực nâng cao năng lực quản trị, tính minh bạch của khu vực này.