Tạo sức lan tỏa từ các dự án đầu tư
Ðầu tư ngoài ngân sách được xem là nguồn lực quan trọng để cùng với nguồn lực đầu tư công thúc đẩy tiến trình phát triển của TP. Cần Thơ.
Với 111 dự án đầu tư trong nước đang thực hiện, tổng vốn đầu tư theo chủ trương đầu tư trên 117.639 tỉ đồng và 83 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.047 triệu USD, TP. Cần Thơ luôn nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.
Gia tăng sức hút
Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư (KH&ÐT), trong 6 tháng đầu năm, Sở Kế hoạch và Ðầu tư nhận được 37 hồ sơ đề xuất dự án của các nhà đầu tư, đến nay đã giải quyết xong 8/37 hồ sơ, trong 8 hồ sơ, tham mưu UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư 1 dự án, 2 hồ sơ chuyển sang thực hiện mà không phải đăng ký thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, còn lại 5 hồ sơ nhà đầu tư xin rút.
Ðối với 29 hồ sơ dự án (gồm: 26 hồ sơ nhà ở và phát triển đô thị, 1 hồ sơ về khu du lịch; 1 hồ sơ về lò hỏa táng và 1 hồ sơ về mở rộng cây xăng), Sở Kế hoạch và Ðầu tư đang lấy ý kiến thẩm định các cơ quan chuyên môn theo quy định Luật Ðầu tư. Bên cạnh đó, Sở còn nhận được các đề nghị liên quan như đề nghị giới thiệu vị trí, đề xuất cho nghiên cứu, khảo sát, hướng dẫn thủ tục đầu tư… Phần lớn đều đã tham mưu UBND thành phố hoặc trực tiếp trả lời cho nhà đầu tư.
Các hồ sơ đề xuất dự án của nhà đầu tư đều được Sở KH&ÐT thành phố xem xét giải quyết theo đúng trình tự thủ tục. Theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở KH&ÐT thành phố, thu hút đầu tư là nhiệm vụ quan trọng và sở đang trình thành phố danh mục các dự án thu hút đầu tư giai đoạn tới, có phân rõ dự án theo từng lĩnh vực cụ thể như y tế, văn hóa, giáo dục, thể dục, thể thao, môi trường… Dự án nào đã có đất sạch, dự án nào cần giải phóng mặt bằng, dự án nào cần tập trung mời gọi để đẩy nhanh mục tiêu phát triển theo cơ cấu kinh tế - xã hội của thành phố; kèm theo đó là các chính sách ưu đãi, miễn giảm tiền thuê đất…
Từng danh mục sẽ có vai trò tham gia hỗ trợ, hướng dẫn của các sở, ngành liên quan về mặt thủ tục. Ngoài ra nhà đầu tư quan tâm đến các dự án có thể nghiên cứu và cùng thành phố thảo luận, tham gia tự đề xuất chủ trương đầu tư, căn cứ trên quy hoạch của thành phố để được thành phố phê duyệt.
Theo Sở KH&ÐT, dù đạt những kết quả khả quan song thu hút đầu tư ngoài ngân sách hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Sở chưa kịp thời tham mưu UBND thành phố giải pháp định hướng thu hút những dự án đầu tư sản xuất kinh doanh bền vững, giải pháp hỗ trợ đầu tư mang tính toàn diện, tạo chính sách ưu đãi thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia đầu tư vào thành phố. Thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục còn chậm so với yêu cầu của nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án nhà ở, khu đô thị, do liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, phải lấy ý kiến thẩm định theo quy định...
Thúc đẩy đầu tư công
Ðầu tư công được xem là nguồn vốn mồi là động lực thúc đẩy đầu tư tư nhân lại có kết quả giải ngân còn thấp. Ông Lê Thanh Tâm, chia sẻ: Kết quả giải ngân vốn đầu tư công của thành phố còn thấp có nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng dịch bệnh, vướng mắc về quy trình thủ tục, giá vật liệu biến động… Song nguyên nhân chủ quan còn do tình trạng các chủ đầu tư chậm trễ trong giải phóng mặt bằng làm ảnh hưởng đến thi công.
Do đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần rà soát những hạng mục nào có thể triển khai nhanh, những công việc nào cần tập trung xử lý để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng cuối năm. Ông Mai Như Toàn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Cần Thơ, chia sẻ: Tiến độ của các dự án đầu tư công trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất ở khâu giải phóng mặt bằng. Vì vậy, công tác giải phóng mặt bằng rất cần sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể chính trị nếu không sẽ vẫn còn tồn tại vướng mắc. Sở Xây dựng cũng thường xuyên làm việc với các quận, huyện về công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên địa bàn thành phố nhưng rất cần các sở ngành, quận, huyện cùng tham gia quyết liệt hơn nữa.
Mới đây, chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành, UBND quận, huyện về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án trên địa bàn thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Trần Việt Trường nhấn mạnh sự cần thiết phải có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan trong toàn bộ hệ thống chính trị thành phố vào để có thể tạo ra một sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả trong công tác bồi thường hỗ trợ tái định cư dự án trên địa bàn thành phố thời gian tới gắn với việc thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cấp thành phố.
Ðặc biệt, ngày 1/7, UBND thành phố cũng có Công văn số 2442/UBND-XDÐT “Về việc triển khai thực hiện ý kiến của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư”. Trong đó, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan xây dựng quy định điều kiện về suất đầu tư trên một đơn vị diện tích đất phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương.
Ðồng thời, các sở, ngành hữu quan rà soát quy hoạch, đánh giá nhu cầu và khả năng cân đối vốn, đề xuất xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ngoài hàng rào khu công nghiệp nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư yên tâm hoạt động. Thành phố cũng giao Sở KH&ÐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên tham mưu UBND thành phố ban hành hoặc xin ý kiến Bộ, ngành Trung ương trước khi ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư và rà soát tham mưu cập nhật định kỳ hằng năm theo quy định để làm cơ sở mời gọi nhà đầu tư.