Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp logistics thực hiện thủ tục thuế, hải quan


Thời gian qua, ngành Tài chính đã không ngừng nỗ lực triển khai thực hiện cải cách, hiện đại hóa và đơn giản hóa về thủ tục thuế, hải quan nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp logistics nói riêng.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tham dự phiên thảo luận cấp cao tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2020.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai tham dự phiên thảo luận cấp cao tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2020.

Phát biểu tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2020 tổ chức ngày 26/11/2020, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, trong năm 2020, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động logistics như: Nghị định thay thế về điều kiện kinh doanh cửa hàng miễn thuế, kho, bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan, tập kết, kiểm tra, giám sát hải quan; quyết định bổ sung về việc ban hành Kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020...

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp logistic nói riêng, Bộ Tài chính đã quyết liệt áp dụng công nghệ thông tin vào tất cả các khâu trong quản lý hải quan, quản lý thuế, đặc biệt là khai hải quan điện tử và nộp thuế điện tử. Đến nay, gần 100% tờ khai khai hải quan cũng như gần 100% tiền thuế lần lượt được khai điện tử và nộp điện tử... góp phần tiết giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Trong đó, việc đưa vào sử dụng hệ thống xử lý dữ liệu hải quan điện tử (Hệ thống thông quan tự động VASSCM) đã tạo thuận lợi lớn trong quá trình làm thủ tục hải quan cho cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp logistics.

Một trong những nội dung khác được Bộ Tài chính tập trung thực hiện là cải cách kiểm tra chuyên ngành. Thực hiện nhiệm vụ xây dựng đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành được Chính phủ giao, Bộ Tài chính đề xuất 07 nội dung cải cách đã trình Chính phủ vào tháng 9/2020.

Trong đó, Bộ Tài chính đề xuất giao cơ quan hải quan là đầu mối trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; áp dụng đồng bộ 3 phương thức kiểm tra cho cả lĩnh vực chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm cắt giảm số lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra; đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Đồng thời, áp dụng kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra; áp dụng đầy đủ, thực chất nguyên tắc quản lý rủi ro trong kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để đảm bảo vai trò quản lý nhà nước và nâng cao tính tuân thủ của doanh nghiệp.

Mô hình trên nếu được thông qua sẽ có nhiều tác động tích cực cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Áp dụng mô hình này sẽ tạo thuận lợi, tiết giảm thời gian, chi phí cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo kết quả đánh giá tác động độc lập của Dự án Tạo thuận lợi Thương mại do USAID tài trợ, tổng số ngày kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm DN tiết kiệm được khi áp dụng mô hình mới so với mô hình hiện tại trong một năm là 2.484.038 ngày; chi phí tiết kiệm được cho doanh nghiệp trong một năm nhờ số ngày cắt giảm là hơn 881 tỷ đồng, ước tính giá trị tiết kiệm cho nền kinh tế khi áp dụng mô hình mới lên đến 9.285 tỷ đồng mỗi năm.