Tạo thuận lợi hóa thương mại thông qua hợp tác Hải quan Việt Nam - ASEAN

Bài đăng trên Đặc san Kinh tế - Tài chính Việt Nam 2020

Hợp tác khu vực về các vấn đề hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy các mục tiêu hội nhập kinh tế sâu rộng của ASEAN. Trên tinh thần đó, hải quan các nước ASEAN đã không ngừng triển khai các sáng kiến hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan nhằm tăng cường thuận lợi hóa thương mại ASEAN.

Tăng cường thuận lợi hóa thương mại ASEAN

Cột mốc quan trọng trong hợp tác kinh tế khu vực ASEAN là quyết định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) đã được những người đứng đầu Chính phủ các nước ASEAN tuyên bố tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ tư tại Singapore năm 1992.

Hợp tác khu vực về các vấn đề hải quan đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ xây dựng AFTA và thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại, lưu thông hàng hóa trong khu vực và các mục tiêu hội nhập kinh tế sâu rộng của ASEAN.

Năm 1983, Bộ quy tắc ứng xử Hải quan ASEAN đầu tiên đã được các Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN ký kết. Sau đó, Bộ quy tắc này được điều chỉnh vào năm 1995 để phản ánh những diễn biến mới của ASEAN, đặc biệt là vấn đề AFTA.

Thông qua Bộ quy tắc này, các nước thành viên cam kết tạo thuận lợi cho thương mại nội khối bằng cách đơn giản hoá và hài hoà hoá các thủ tục thương mại và nâng cao hợp tác khu vực trong lĩnh vực hải quan.

Cam kết tạo thuận lợi cho thương mại nội khối trong khu vực ASEAN tiếp tục được mở rộng với việc ký kết Hiệp định Hải quan ASEAN tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính ASEAN lần thứ nhất vào ngày 1/3/1997 tại Phuket (Thái Lan). Hiệp định này quán triệt các nguyên tắc về sự nhất quán, đơn giản, hiệu quả, minh bạch, dễ giải quyết khiếu nại và hỗ trợ lẫn nhau đề ra tại Bộ quy tắc ứng xử Hải quan.

Ngoài ra, các nước thành viên cũng thống nhất các nội dung như: Sử dụng danh mục biểu thuế chung để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động thông qua việc tạo ra Danh mục Biểu thuế hài hoà ASEAN (AHTN); Không sử dụng trị giá hải quan vào các mục đích bảo hộ hoặc tạo ra rào cản cho thương mại.

Về vấn đề này, các nước thành viên nhất trí thực hiện thống nhất các quy định của Hiệp định Trị giá Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Liên tục đơn giản hóa và hài hòa hóa các quy trình, thủ tục hải quan để đảm bảo thông quan nhanh hàng hóa, cắt giảm thời gian và chi phí giao dịch tại các cửa khẩu.

Các thủ tục hải quan phải tương thích với các chuẩn mực và các thông lệ được khuyến nghị trong Công ước Kyoto (sau này là Công ước Kyoto sửa đổi); Trao đổi thông tin để ngăn chặn và trấn áp các hoạt động buôn lậu, vận chuyển ma tuý - các chất hướng thần và các hành vi gian lận hải quan; Tuân thủ các quy định pháp luật về giải quyết khiếu nại của từng nước thành viên; Khuyến khích hợp tác và tham vấn với khu vực tư nhân trong ASEAN để thúc đẩy hơn nữa thuận lợi hóa thương mại nội khối.

Trong khuôn khổ hợp tác Hải quan ASEAN, Hải quan Việt Nam luôn là thành viên tích cực trong việc thực hiện các chương trình sáng kiến hợp tác hải quan khu vực. Bên cạnh việc tham gia xây dựng và thực hiện các Kế hoạch Chiến lược Phát triển Hải quan ASEAN; Cơ chế một cửa ASEAN; Cơ chế quá cảnh hải quan ASEAN; Hiệp định Hải quan ASEAN mới; Xây dựng và rà soát AHTN trên phiên bản HS cập nhật, Hải quan Việt Nam còn tham gia sâu rộng trong các chương trình hợp tác với các nước đối thoại và đối tác của ASEAN như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia - New Zealand, Mỹ trong việc hỗ trợ kỹ thuật nghiệp vụ hải quan.

Năm 1995 và năm 2004, Hải quan Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 3 và lần thứ 12. Tiếp đó, tháng 6/2014, Hải quan Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 23.

Ngày 8/9/2015, Việt Nam chính thức thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN. Đối với cơ chế một cửa ASEAN, toàn bộ 10 nước thành viên ASEAN đã kết nối chính thức Cơ chế một cửa ASEAN từ tháng 2/2019. Tính đến ngày 31/7/2020, tổng số giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Việt Nam nhận từ các nước ASEAN là gần 168 nghìn C/O, tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là hơn 251 nghìn C/O.

Việc thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN từ ngày 8/9/2015 không chỉ thúc đẩy hài hòa các chuẩn mực và thủ tục hải quan, bao gồm cải tiến các quy trình liên quan đến quy tắc xuất xứ ưu đãi trong nội bộ ASEAN mà còn tạo thuận lợi cho sự phối hợp kết hợp giữa cơ quan hải quan các nước, minh bạch hóa thủ tục hải quan, chia sẻ thông tin nội bộ hải quan, cũng như các chương trình cụ thể nằm trong Tầm nhìn Hải quan ASEAN 2015. Cơ chế một cửa ASEAN còn góp phần nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của ASEAN vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, góp phần hiện thực hóa Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Bên cạnh đó, hải quan các nước ASEAN đã có những bước tiến nhất định trong tiến trình cải cách, hiện đại hóa, trong đó có nâng cao chất lượng quản lý nguồn nhân lực. Những nỗ lực của Hải quan ASEAN đã góp phần vào việc hình thành AEC.

Tới năm 2025, AEC được kỳ vọng sẽ hội nhập sâu rộng trên tất cả mọi lĩnh vực của nền kinh tế và được coi như một quốc gia chung của các công dân ASEAN. Đóng góp vào quá trình này, Hải quan ASEAN đã đạt được sự tiến bộ quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch Chiến lược về Phát triển Hải quan trong khu vực ASEAN giai đoạn 2016-2020 và chuẩn bị cho giai đoạn đến 2025.

Kế hoạch Chiến lược về Phát triển Hải quan trong khu vực ASEAN giai đoạn 2016-2020 đã được Tổng cục trưởng Hải quan các nước thông qua tại Hội nghị Tổng cục trưởng lần thứ 24. Trong số 15 hoạt động chiến lược của Kế hoạch này giai đoạn 2016-2020, có 4 hoạt động trực tiếp liên quan đến tăng cường năng lực hải quan, gồm: Cải cách và Hiện đại hóa hải quan; Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực; Thu hẹp khoảng cách phát triển trong hải quan; Dịch vụ hải quan dựa trên tri thức.

Về phần mình, Hải quan Việt Nam đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch, tham gia và đóng góp thiết thực vào các hoạt động hợp tác hải quan ASEAN, tiếp tục khẳng định vai trò và vị thế ngày càng gia tăng trong khu vực.

Cùng với lãnh đạo hải quan các nước, Hải quan Việt Nam đã thông qua nhiều biện pháp hợp tác hải quan trên cơ sở các cam kết ASEAN và quyết định của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN về thuận lợi hóa thương mại; đồng thời, thực thi có hiệu quả pháp luật hải quan trong ASEAN. Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam là một trong số các nước dẫn đầu chủ động thực hiện kết nối ASW và triển khai hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN.

Gia tăng các hoạt động hợp tác Hải quan Việt Nam - ASEAN

Tiến trình hợp tác tài chính ASEAN trong năm 2020 tiếp tục tập trung thực hiện các mục tiêu đã được đề ra tại Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC (AEC Blueprint 2025) và các Kế hoạch hành động chiến lược chuyên ngành đến năm 2025. Trong đó, hợp tác hải quan ASEAN là một trong những sáng kiến đã, đang được triển khai trong kênh hợp tác tài chính ASEAN.

Thời gian qua, lĩnh vực hợp tác hải quan ASEAN đã đạt nhiều kết quả quan trọng, bao gồm cả vấn đề các nước thành viên đã tiến hành trao đổi mẫu đăng ký điện tử form D của Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA), thông qua Kế hoạch Chiến lược phát triển hải quan giai đoạn 2021-2025, hoàn thành cập nhật Hướng dẫn trị giá hải quan ASEAN phiên bản 2019, triển khai Hệ thống quá cảnh hải quan, thực hiện các chương trình doanh nghiệp ưu tiên, cơ chế một cửa ASEAN.

Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan các nước ASEAN lần thứ 29 diễn ra mới đây theo hình thức trực tuyến cũng tập trung thảo luận hàng loạt vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế trong khu vực liên quan đến lĩnh vực hải quan như: Danh mục hài hòa thuế quan trong ASEAN; vấn đề tính trị giá hải quan; hệ thống quá cảnh ASEAN; chương trình doanh nghiệp ưu tiên ASEAN; thỏa thuận công nhận lẫn nhau; kiểm tra sau thông quan; an ninh cộng đồng và bảo vệ xã hội; cơ chế một cửa ASEAN; sáng kiến nâng cao năng lực...

Đến nay, các nước thành viên ASEAN đã tiến hành rà soát và xây dựng AHTN phiên bản 2022 để triển khai thực hiện vào tháng 1/2022, đồng thời kêu gọi các bên nỗ lực triển khai theo đúng tiến độ, đảm bảo thống nhất, minh bạch và đơn giản hóa phân loại hàng hóa trong khu vực. Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan các nước ASEAN lần thứ 29 cũng đã nhất trí thông qua tài liệu hướng dẫn về trị giá hải quan trong ASEAN (ACVG) 2019 và dự kiến cung cấp các hỗ trợ cần thiết cho các nước thành viên để giới thiệu các nguyên tắc của WTO về trị giá hải quan trên cả phương diện luật pháp và thực hành.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động, các thành viên ASEAN vẫn tiếp tục tham gia thí điểm để tiến tới triển khai chính thức Hệ thống quá cảnh hải quan ASEAN trong năm 2020 nhằm tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa quá cảnh.

Đến nay, hải quan ASEAN cũng đã khởi động thành công Chương trình doanh nghiệp ưu tiên và thỏa thuận công nhận lẫn nhau; tiếp tục hợp tác, phối hợp thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; tiếp tục phối hợp cung cấp các quy trình giám sát hiệu quả hơn trong việc kiểm soát nhập khẩu chất thải nhựa; hợp tác phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực nhằm thúc đẩy hiện đại hóa công tác hải quan, cũng như thu hẹp khoảng cách giữa các cơ quan hải quan trong khu vực ASEAN; đã thực hiện trao đổi chứng từ C/O điện tử Form D thông qua Cơ chế một cửa ASEAN và mong muốn triển khai trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN tại các quốc gia thành viên đã sẵn sàng ngay trong năm 2020.

Đại diện hải quan của 10 nước ASEAN tham gia Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan các nước ASEAN lần thứ 29 đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung nhấn mạnh ý chí đoàn kết, quyết tâm cùng nhau vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững, khẳng định hải quan đã đóng góp tích cực vào việc tạo thuận lợi thương mại, mở cửa thị trường, luân chuyển hàng hóa trong khu vực ASEAN ngay cả trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực.