Tạo thương hiệu cho không gian kinh tế miền Trung
"Động lực của liên kết trước hết là lợi ích về kinh tế, lợi thế so sánh của từng địa phương phải được tôn trọng và phát huy, không chỉ vì tỉnh đó mà còn vì lợi ích chung cả vùng, cao hơn là cả nước".
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung cuối tháng 9 vừa qua như một lần nữa nhấn mạnh, phát triển theo từng vùng kinh tế rộng chứ không chấp nhận "cát cứ" theo từng tỉnh. Vậy sau mười năm cùng liên kết, không gian kinh tế miền Trung vẫn còn bao lĩnh vực chồng lấn, cạnh tranh xuống đáy?
Tư duy thành tích bao trùm từng địa phương
Mười năm trước, rất nhiều diễn đàn kinh tế được tổ chức tại khu vực miền Trung để xây dựng nền móng hợp tác cùng phát triển giữa các tỉnh, từ Không gian Kinh tế miền Trung, Hành lang Kinh tế Đông Tây, Hành trình Di sản Văn hóa miền Trung đã làm cho lãnh đạo và doanh nghiệp các địa phương quen dần với lý thuyết hợp tác cùng phát triển. Tuy nhiên, với tư duy nhiệm kỳ, thành tích của từng địa phương, việc hợp tác có lợi ích riêng thì chung tay, không lợi thì trốn tránh.
Nhiều người đi trên con đường du lịch ven biển dài 28km từ Đà Nẵng vào Hội An đã rất ngạc nhiên vì phần thuộc Đà Nẵng, con đường rộng 40 mét, phần thuộc Quảng Nam, con đường có con lươn ở giữa và trồng cây cảnh. Cũng trên con đường này, ngay tại ranh giới hai địa phương là hai sân golf kế nhau, cạnh tranh về kinh doanh thể thao lẫn những căn hộ đắt tiền.
Cùng trên đoạn đường quốc lộ 1A khoảng hơn 100km có đến ba sân bay là Huế - Đà Nẵng - Chu Lai đều là sân bay quốc tế. Tương tự, cảng biển quốc tế cũng san sát, ví dụ cảng Chân Mây (Thừa Thiên - Huế) chỉ cách cảng Tiên sa (Đà Nẵng) 50km, cùng cạnh tranh nhau hàng hóa trên trục Hành lang Kinh tế Đông Tây và đón khách du lịch đường biển.
Nay Đà Nẵng lại đang gọi vốn đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu chen vào giữa hai cảng nói trên. Lý do Đà Nẵng muốn xây dựng thêm cảng Liên Chiểu là do cảng Tiên Sa bắt đầu quá tải và gây áp lực cho giao thông qua trung tâm thành phố, trong khi cảng Chân Mây "đói hàng". Nhưng Đà Nẵng chỉ lo cho Đà Nẵng, còn Thừa Thiên - Huế phải tự "tính toán".
Hơn 6 năm nay, Đà Nẵng, Quảng Nam vẫn tiếp tục căng thẳng với nhau về nguồn nước bắt nguồn từ Quảng Nam bị các công trình thủy điện "rẽ dòng", làm cho 1,7 triệu dân vùng hạ lưu luôn ở tình trạng "khát nước". Có một điều không thể chấp nhận là việc xây dựng các công tình thủy điện đó không hề có tiếng nói của các cơ quan chức năng Đà Nẵng, dù nhà máy đầu nguồn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của cả một thành phố lớn ở hạ lưu.
Có sân bay sẽ đem lợi ích trực tiếp phát triển khách du lịch, nên trừ Quảng Ngãi, Kontum, Đắk Nông, các tỉnh thành còn lại ở Trung bộ và Tây Nguyên đều có sân bay quốc tế hoặc nội địa. Một nguồn lực lớn đã đổ vào đầu tư hạ tầng chồng chéo, được điều hành bằng tư duy nhiệm kỳ của các thế hệ lãnh đạo đã được chỉ rõ, nhưng hầu hết vẫn chưa "sửa sai".
Từ quy hoạch hạ tầng đến phân bổ nguồn vốn đều phải chia nhỏ, vùng nào cũng phải có, và có rất ít, nên tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung, các chuyên gia đã gọi đó là "cuộc đua xuống đáy", làm chậm tốc độ phát triển của nhau trong giai đoạn 10 năm mang tiếng hợp tác vùng.
Việc chia cắt không gian kinh tế, đầu tư tràn lan hiện lên rõ mồn một trong khu vực này.
PGS., TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược kinh tế Việt Nam nói: "Tiềm năng, lợi thế của các tỉnh miền Trung giống nhau, triển khai theo hàng ngang, không có tỉnh nào giáp ba tỉnh cả, chỉ sát hai tỉnh, lợi thế giống nhau, tiềm năng cơ bản giống nhau. Điều này làm cho khả năng xung đột lợi ích lớn hơn. Phải thừa nhận thực tế như vậy, xung đột lợi ích có cơ sở pháp lý, thực tiễn của nó. Vì thế, tiềm năng khó phát huy, lợi thế khó phát huy. Tỉnh nào cũng có cảng biển, nhiều khu kinh tế. Lợi thế vùng này không căn cứ vào thế mạnh từng vùng thì sẽ có xung đột rất lớn".
Đổi mới tư duy vùng
Với 9 tỉnh suốt miền Trung là quá dài với các lợi thế so sánh tương tự về cảng biển, sân bay, du lịch, không thể có tỉnh nào đủ nội lực làm đầu tàu kinh tế cho cả vùng. Hầu hết các chuyên gia cho rằng, nên chia thành hai vùng kinh tế để đặt các địa phương chuyển sang liên kết. Các nguồn lực đầu tư đều phải tận dụng địa - kinh tế, bao gồm hai trục, chứ không đơn giản là sự liên kết giữa các tỉnh đồng bằng ven biển vốn quá giống nhau về lợi thế so sánh.
Miền Trung không thể thiếu Tây Nguyên, không thể bỏ quên thị trường Lào, Campuchia và xa hơn là Thái Lan. Ấn định cho Đà Nẵng nhiệm vụ làm đầu tàu tăng trưởng có sức lan tỏa đến các tỉnh Nam Trung bộ như Khánh Hòa, Bình Thuận là nhiệm vụ quá sức do vấn đề địa lý.
Trong lúc các doanh nghiệp khai thác tốt hơn các liên kết vùng như Hành trình Di sản Văn hóa miền Trung, tận dụng các điều kiện tốt của Hành lang Kinh tế Đông Tây để vươn qua thị trường Lào, Thái Lan, thì vướng mắc về liên kết vùng để tạo sức mạnh cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung vẫn là thu hút nguồn lực đầu tư vào hạ tầng. Hiện tại các tỉnh trong vùng đang yêu cầu Chính phủ đầu tư hạ tầng cho tất cả đô thị hướng biển, đầu tư xây dựng con đường ven biển kết nối tất cả các đô thị lớn.
Nhìn vào hiện trạng, Chính phủ đánh giá Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) là hạt nhân, là động lực phát triển, Khu Kinh tế mở Bắc Vân Phong sẽ tạo cú hích kinh tế lớn cho toàn vùng với cảng nước sâu duy nhất cho khu vực. Vấn đề là Chính phủ tạo điều kiện cho toàn vùng cộng hưởng các thế mạnh để thu hút các dự án đầu tư đủ tầm tạo nên sự thay đổi cho khu vực. Giữa tháng 10 vừa qua, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu thành phố xây dựng lộ trình phát triển mô hình như Thung lũng Silicon về công nghệ thông tin.
Đây là một tin thú vị cho Đà Nẵng khi ai cũng nhìn Đà Nẵng như một thành phố du lịch và giá trị bất động sản. Đà Nẵng đã tự tìm hướng đi riêng khi thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao trong vài năm gần đây, đã đóng góp rất lớn vào GDP của thành phố, nếu có các quyết sách đúng trong xây dựng hạ tầng, đào tạo nhân lực, chắc chắn mô hình này sẽ trở thành hiện thực và là một hướng đi khác biệt so với toàn vùng miền Trung.
"Không thể phát triển khi mà không gian kinh tế bị chia cắt" - đó là kết luận của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định trước 600 lãnh đạo và nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung. Với quyết tâm xem xét lại các yếu tố phân bổ nguồn vốn xây dựng hạ tầng hợp lý phục vụ cho kinh tế toàn vùng, dẫn đến Chính phủ phân bổ quyền lợi, nguồn thu ngân sách sao cho các tỉnh vượt qua tư duy nhiệm kỳ, tư duy địa phương, tạo ra những bước chuyển mình có ảnh hưởng đến sự phát triển của các tỉnh lân cận, tạo ra một thương hiệu riêng cho không gian kinh tế miền Trung.