Tập đoàn Bảo Việt tăng trưởng 37,6% lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2017
Tập đoàn Bảo Việt ghi nhận kết quả kinh doanh (sau soát xét) về đích vượt kế hoạch với tổng doanh thu hợp nhất đạt 32.748 tỷ đồng, tương đương gần 1,5 tỷ USD; Hoàn thành 113,4% kế hoạch năm; Lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng trưởng 37,6%. Với kết quả này, Bảo Việt tiếp tục khẳng định vị thế của doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tài chính - bảo hiểm tại Việt Nam.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất tăng trưởng 37,6%
Tổng tài sản hợp nhất tại thời điểm 31/12/2017 đạt 91.402 tỷ đồng, tương đương 4 tỷ USD, tăng 25,2%; vốn chủ sở hữu đạt 14.467 tỷ đồng, tăng 5,7% so với thời điểm cuối năm 2016.
Năm 2017, tổng doanh thu của Tập đoàn Bảo Việt đạt 32.748 tỷ đồng. |
Công ty Mẹ cũng hoàn thành vượt kế hoạch chỉ tiêu về lợi nhuận. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn điều lệ của Công ty Mẹ đạt 15,1%.
Trong thời gian qua, cổ phiếu BVH là một trong những cổ phiếu có giá trị vốn hóa tăng trưởng ổn định nhất trong rổ cổ phiếu VN30. Trong những tháng đầu năm 2018, giá cổ phiếu BVH ghi nhận mức tăng mạnh, đóng cửa phiên ngày 09/4/2018 với mức 107.000 đồng/cổ phiếu, ghi nhận giá trị vốn hóa tăng lên hơn 3 tỷ USD.
Với kết quả kinh doanh ổn định, vốn hóa lớn và khối lượng giao dịch luôn duy trì ở mức cao đã giúp BVH trở thành điểm đến của dòng tiền từ các nhà đầu tư dài hạn và các quỹ đầu tư quốc tế, quỹ ETFs tại thị trường chứng khoán Việt Nam.
Lĩnh vực kinh doanh cốt lõi tăng trưởng ấn tượng, khẳng định vị trí số 1 thị trường
Lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tăng trưởng mạnh mẽ, hoàn thành vượt kế hoạch với tổng doanh thu đạt trên 22.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD); đây là năm thứ 2 liên tiếp Bảo Việt Nhân thọ dẫn đầu thị trường, giữ vị trí số 1 thị trường về thị phần doanh thu khai thác mới và tiếp tục bứt phá, dẫn đầu về thị phần tổng doanh thu. Bảo Việt Nhân thọ cũng đạt được danh hiệu doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tốt nhất Việt Nam do tạp chí kinh tế uy tín World Finance bình chọn.
Lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ hoàn thành vượt kế hoạch doanh thu, tăng trưởng bứt phá, khẳng định vị trí số 1 với tổng doanh thu đạt gần 10.000 tỷ đồng, tăng trưởng gần gấp đôi mức tăng trưởng bình quân thị trường. Một số nghiệp vụ có mức tăng trưởng khả quan và đóng góp đáng kể vào doanh thu phí bảo hiểm gốc như bảo hiểm xe cơ giới (+29,8%); bảo hiểm y tế tự nguyện và bảo hiểm con người (+25,4%); bảo hiểm hỏa hoạn và các rủi ro đặc biệt (+24,6%).
Lĩnh vực chứng khoán ghi nhận sự vượt trội về doanh thu môi giới
Lĩnh vực kinh doanh chứng khoán ghi nhận sự thành công vượt trội về doanh thu môi giới. Thị phần môi giới của BVSC đạt xấp xỉ 5%, tăng gần 40% so với 2016 và đưa BVSC vào TOP 5 công ty có thị phần lớn nhất tại HOSE trong 2 quý liên tiếp.
BVSC cũng khẳng định uy tín thương hiệu không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế thông qua việc tư vấn thành công thương vụ thoái vốn nhà nước tại Sabeco, được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là thương vụ thoái vốn thành công xuất sắc.
Lĩnh vực quản lý quỹ tiếp tục củng cố vị thế trên thị trường
Lĩnh vực quản lý quỹ tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng về tổng tài sản quản lý, đạt gần 2 tỷ USD, tăng trưởng 16,8% so với thời điểm cuối năm 2016. Năm 2017, tổng doanh thu của Công ty Quản lý Quỹ Bảo Việt (BVF) tăng 20,5%, lợi nhuận sau thuế tăng 27,6% so với năm 2016. Đặc biệt trong năm 2017, các quỹ mở do BVF quản lý đều có kết quả tăng trưởng Giá trị tài sản ròng khả quan.
Tính đến thời điểm 31/12/2017, Quỹ đầu tư cổ phiếu năng động Bảo Việt (BVFED) có mức tăng trưởng là 47,5% (là quỹ mở cổ phiếu có kết quả tốt nhất thị trường), Quỹ đầu tư trái phiếu Bảo Việt (BVBF) đạt mức 15,3% (top 2 quỹ trái phiếu có kết quả tốt nhất thị trường), Quỹ đầu tư cổ phiếu triển vọng Bảo Việt (BVPF) đạt mức tăng trưởng 16,2%.
Chung tay xây dựng cộng đồng bền vững
Ngày 09 và 10/4/2018, Lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt sẽ tham gia Đại hội Ban Điều hành năm 2018 Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) với sự tham dự của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Chung tay kiến tạo cộng đồng bền vững. |
Với mong muốn đóng góp tích cực hơn trong các hoạt động thúc đẩy kinh doanh bền vững tại Việt Nam, các doanh nghiệp thành viên cam kết cùng chung tay với Ban Điều hành đưa ra các định hướng và chương trình hành động. Mục tiêu nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp trong quá trình thực thi các định hướng, chính sách về phát triển bền vững.
Đại diện Lãnh đạo Tập đoàn Bảo Việt - với vai trò là Phó Chủ tịch VBCSD chia sẻ, phát triển bền vững là một trong những mục tiêu chiến lược tại Bảo Việt, không chỉ được gắn kết chặt chẽ trong chiến lược kinh doanh mà còn được hiện thực hóa trong các hoạt động thực tiễn. Để phát triển bền vững thực sự được lan tỏa sâu rộng, cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức về phát triển bền vững, có cơ chế cụ thể khuyến khích các hội viên, đơn cử như có sự hỗ trợ đối với doanh nghiệp phát triển bền vững về thương hiệu, về thủ tục cũng như trong việc tiếp cận nguồn vốn.
Kiểm toán nội bộ thực hiện đảm bảo Báo cáo Tích hợp và Báo cáo Phát triển bền vững 2017 theo GRI Standards
Cùng với việc thực hiện kiểm toán các chỉ tiêu tài chính bởi kiểm toán E&Y theo cả chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và quốc tế (IFRS), Bảo Việt còn kiểm toán các chỉ tiêu phi tài chính. Để đảm bảo độ tin cậy của một số chỉ số trên Báo cáo Phát triển bền vững năm 2017, Khối Kiểm toán nội bộ, Tập đoàn Bảo Việt đã thực hiện việc đảm bảo một số chỉ số phát triển bền vững.
Đây là năm thứ 2 liên tiếp Bảo Việt thực hiện đảm bảo bởi Khối Kiểm toán nội bộ các nội dung liên quan tới tiêu chuẩn thực hiện Báo cáo Phát triển bền vững GRI Standards.
Tập đoàn Bảo Việt là đơn vị tiên phong trong việc áp dụng tiêu chuẩn kiểm toán nội bộ theo tiêu chuẩn quốc tế, các phạm vi đánh giá dựa trên các thủ tục đã được quy định tại Quy trình Kiểm toán nội bộ và các Chuẩn mực Kiểm toán nội bộ quốc tế, các hướng dẫn của Viện Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ công bố bao gồm: GRI 202-1: Tỷ lệ của mức lương khởi điểm theo giới tính so với mức lương tối thiểu của vùng; GRI 401-1: Nhân viên tuyển mới và thôi việc; GRI 404-1: Số giờ đào tạo trung bình mỗi năm cho mỗi nhân viên; GRI 413-1: Những hoạt động có sự tham gia của cộng đồng địa phương, đánh giá tác động và các chương trình phát triển và FS7: Giá trị (bằng tiền) của sản phẩm và dịch vụ được thiết kế phục vụ một lợi ích xã hội nhất định cho từng lĩnh vực kinh doanh phân theo mục đích.