Tập đoàn, Tổng công ty phát huy vai trò đầu tàu của nền kinh tế

Thu Hiền

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và hội nhập mạnh mẽ, vai trò của các tập đoàn, tổng công ty ngày càng trở nên quan trọng. Những doanh nghiệp “đầu tàu” này từng bước khẳng định vị trí nòng cốt dẫn dắt các ngành, lĩnh vực kinh tế hoạt động, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Không ngừng lớn mạnh, trở thành nguồn lực quan trọng của Đất nước

Hiện nay, các tập đoàn, tổng công ty của Việt Nam đang ngày càng lớn mạnh, có vai trò quyết định đến tăng trưởng và định hình nền kinh tế quốc gia. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, các tập đoàn kinh tế cũng như tổng công ty nhà nước đạt được tăng trưởng vượt bậc về doanh thu và lợi nhuận, mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất và kinh doanh.

Trong quá trình hoạt động và phát triển, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức từ bối cảnh kinh tế toàn cầu và trong nước, các tập đoàn và tổng công ty vẫn thể hiện sức mạnh nội tại, cùng khả năng thích ứng cao. Đặc biệt, trước tác động của đại dịch COVID-19 cùng những biến động phức tạp của tình hình thế giới trong những năm qua, các doanh nghiệp “đầu tàu” này luôn duy trì thường xuyên các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trong khoảng 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách nhà nước, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tại các tập đoàn, tổng công ty đều tăng lên. Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2023, tổng vốn chủ sở hữu 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,18 triệu tỷ đồng (tăng 11% so với năm 2018); tổng tài sản đạt 2,54 triệu tỷ đồng (tăng 5%); tổng doanh thu hợp nhất đạt 1,85 triệu tỷ đồng (tăng 44%). Giai đoạn 2018-2023, tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 1,28 triệu tỷ đồng, chiếm bình quân 10-12% tổng thu ngân sách hàng năm của cả nước.

Năm 2024, tổng doanh thu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt 2,03 triệu tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch năm và bằng 107% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận trước thuế hợp nhất ước đạt 111,69 nghìn tỷ đồng, bằng 158% kế hoạch năm và bằng 156% so với cùng kỳ; giá trị nộp ngân sách nhà nước hợp nhất ước đạt 206,2 nghìn tỷ đồng, bằng 153% kế hoạch năm và bằng 105% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, dù bối cảnh năm 2024 còn nhiều khó khăn, một số doanh nghiệp đã bứt phá mạnh mẽ, thiết lập kỷ lục mới tại nhiều chỉ tiêu. Trong đó, phải kể đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với kỷ lục mới khi hoàn thành vượt mức kế hoạch cả năm về tổng doanh thu hợp nhất ước đạt 966,7 nghìn tỷ đồng, vượt 32% kế hoạch năm, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 48,9 nghìn tỷ đồng, vượt 2,2 lần kế hoạch năm và nộp ngân sách nhà nước ước đạt 154 nghìn tỷ đồng, vượt 64% kế hoạch năm, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Tổng công ty Viễn thông MobiFone ước đạt 2,04 nghìn tỷ đồng, vượt 20,6% kế hoạch năm; doanh thu hợp nhất của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ước đạt 17,496 nghìn tỷ đồng, vượt 30% kế hoạch năm và vượt 25% so với năm 2023; Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA), lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2024 ước đạt 6,264 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước và vượt 38,5% kế hoạch năm…

Dẫn dắt nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững

Có thể nói, sự lớn mạnh của các tập đoàn, tổng công ty trong những năm qua đã, đang trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Không những là “cánh chim đầu đàn” dẫn dắt nền kinh tế, các doanh nghiệp này còn tham gia và thể hiện trách nhiệm mạnh mẽ với cộng đồng, xã hội; cung ứng các nhu yếu phẩm, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh…; góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, các tập đoàn, tổng công ty, nhất là những doanh nghiệp có vốn nhà nước tiếp tục là trụ cột quan trọng trong việc tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Với quy mô lớn vốn lớn, thích ứng với công nghệ hiện đại và khả năng tiếp cận các nguồn lực cao, các doanh nghiệp này thường hoạt động trong các ngành kinh tế then chốt, tạo ra sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đóng góp đáng kể vào tổng sản phẩm (GDP).

 

Hiện nay, Cục Thống kê đang tiến hành Điều tra doanh nghiệp năm 2025 nhằm thu thập thông tin của các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh trên cả nước, bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty. Kết quả của cuộc điều tra sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế, là cơ sở quan trọng để hoạch định các chính sách phát triển kinh tế trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, với tiềm lực tài chính và nguồn nhân lực chất lượng cao, các tập đoàn, tổng công ty có khả năng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D), ứng dụng công nghệ mới hiện đại, nâng cao trình độ quản lý và đào tạo nguồn nhân lực. Qua đó, giúp lan tỏa những tác động tích cực đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua chuỗi cung ứng và hợp tác; đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, sự tiên phong của các doanh nghiệp lớn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về quản lý chất lượng, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội cũng tạo ra những giá trị chuẩn lực cao hơn cho nền kinh tế.

Thông qua nộp thuế và các khoản phí, đội ngũ doanh nghiệp này đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, tạo nguồn lực quan trọng để đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng; thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội; phát triển giáo dục, y tế và các lĩnh vực công khác. Ngoài ra, các tập đoàn, tổng công ty với quy mô lớn có khả năng tạo ra hàng triệu việc làm, gia tăng thu nhập, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân, góp phần ổn định thị trường lao động và đảm bảo an sinh xã hội. Các tập đoàn, tổng công ty cũng là đội ngũ doanh nghiệp tiên phong trong thực hiện các chính sách xã hội của Nhà nước, nhất là chính sách đối với các đối tượng yếu thế, vùng sâu, vùng xa.

Hiện nay, Cục Thống kê đang tiến hành Điều tra doanh nghiệp năm 2025 nhằm thu thập thông tin của các doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh trên cả nước, bao gồm cả các tập đoàn, tổng công ty. Các thông tin thu thập gồm: Thông tin nhận dạng; Thông tin về lao động và thu nhập của người lao động; Thông tin về kết quả, chi phí sản xuất kinh doanh; Thông tin về sản phẩm sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp, chi nhánh trực thuộc doanh nghiệp; Thông tin về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu dịch vụ của doanh nghiệp; Thông tin về chi phí vận tải, chi phí bảo hiểm của hàng hóa nhập khẩu; Thông tin về sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đáp ứng yêu cầu thông tin của Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025.

Với tầm quan trọng vừa nêu, thông tin thống kê về các chỉ tiêu quy mô, hoạt động của doanh nghiệp cả nước nói chung và của các tập đoàn, tổng công ty nói riêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Kết quả của cuộc điều tra sẽ cung cấp bức tranh toàn cảnh về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế, là cơ sở quan trọng để hoạch định các chính sách phát triển kinh tế trong thời gian tới./.