Tập trung cải cách và giám sát thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Xuất nhập khẩu là một mảng liên quan hầu hết đến đời sống kinh tế - xã hội, liên quan đến rất nhiều doanh nghiệp, liên quan đến cả doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc khu vực ngoài quốc doanh. Vì thế, trọng tâm của Bộ Công thương là tập trung rất nhiều vào cải cách thủ tục hành chính (TTHC) và giám sát thực hiện cải cách TTHC trong mảng xuất nhập khẩu. Bộ trưởng Bộ Công thương đã chia sẻ với phóng viên như vậy.

Tập trung cải cách và giám sát thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực xuất nhập khẩu - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng
P
hóng viên: Cải cách và kiểm soát TTHC đang là vấn đề QH và cử tri cả nước đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, Bộ Công thương đã vào cuộc quyết liệt, kịp thời nhằm cải cách TTHC, đặc biệt về lĩnh vực cải cách, đơn giản hóa TTHC trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Xin Bộ trưởng cho biết đến nay Bộ Công thương đã đạt được những kết quả cụ thể gì trong cải cách TTHC ?
 
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng: Đối với ngành công thương cho đến nay, chúng tôi đã trải qua hai giai đoạn thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ và của Thủ tướng Chính phủ.

Giai đoạn thứ nhất thực hiện quyết định số 30 ngày 10/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án về đơn giản hóa TTHC và Nghị quyết số 59 của Chính phủ về triển khai thực hiện các thủ tục đơn giản hóa TTHC. Chính phủ đặt ra yêu cầu trong tổng số 201 thủ tục hành chính, cần phải được đơn giản hóa, cần phải tổ chức thực hiện từ cuối năm 2010. Cho đến nay, chúng tôi đã thực hiện đơn giản hóa được 181 thủ tục, còn lại 20 thủ tục chưa thực hiện được, bởi vì nó phụ thuộc vào việc điều chỉnh sửa đổi một số Luật và Nghị định có liên quan. Khi nào những Luật và những Nghị định này có sửa đổi thì chúng tôi mới được phép đơn giản hóa các thủ tục đã quy định.
 
Tiếp theo đó ngày 8/6/2010 Chính phủ tiếp tục có Nghị định số 63 về kiểm soát TTHC. Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã triển khai khá quyết liệt, cùng với việc tiếp tục duy trì kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2007, 2010. Chúng tôi đã yêu cầu các đơn vị của Bộ, các Sở Công thương trong hệ thống của ngành công thương phải đặt vấn đề kiểm soát cải cách TTHC là nhiệm vụ trọng tâm trong thực hiện công tác cải cách hành chính. Bên cạnh việc kiểm tra một cách chặt chẽ, thực hiện các TTHC, chúng tôi cũng đặt ra yêu cầu trong 227 TTHC mà hiện nay Bộ Công thương đang thực hiện cho đến hết năm 2014, ít nhất phải có 70 thủ tục được đơn giản hóa hơn so với mức hiện hành, chiếm khoảng trên 30% so với tổng số 227 TTHC.
 
Việc đơn giản hóa TTHC tập trung vào những vấn đề như: một là phải giảm thiểu tối đa các quy định về số bộ hồ sơ, số tài liệu cần phải nộp. Hai là giảm chi phí kể cả thời gian, tiền bạc cho tổ chức của công dân trong khi tiếp cận các TTHC. Tôi lấy ví dụ: trong trường hợp có những tài liệu mà tổ chức của công dân có bản gốc của chứng từ, khi người dân đến gặp cán bộ xử lý về thủ tục đó, chỉ cần mang bản sao không cần có công chứng và trách nhiệm của người cán bộ thụ lý việc đó là người phải kiểm tra tính chính xác của bản chính với lại bản sao. Theo tôi, riêng việc này thôi cũng đã tiết kiệm cho xã hội hàng nhiều tỷ đồng.
 
Kết quả cuối cùng chúng tôi luôn luôn quán triệt việc công khai, minh bạch TTHC. Toàn bộ 227 TTHC hiện hành của ngành Công thương đã thực hiện về dịch vụ công ở cấp độ 2, tức là tất cả biểu mẫu các tài liệu yêu cầu đều được đưa lên mạng của Bộ.
 
Thưa Bộ trưởng, xuất nhập khẩu là lĩnh vực quan trọng liên quan đến hầu hết lĩnh vực đời sống xã hội. Vậy Bộ Công thương đã có những cải cách, kiểm soát TTHC gì ?
 
Cải cách TTHC trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là một trong những hoạt động hết sức quan trọng của ngành công thương. Có thể nói xuất nhập khẩu là một mảng liên quan hầu hết đến đời sống kinh tế - xã hội, liên quan đến rất nhiều doanh nghiệp, liên quan đến cả doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc khu vực ngoài quốc doanh. Vì thế, trọng tâm của chúng tôi là tập trung rất nhiều vào cải cách TTHC và giám sát thực hiện cải cách TTHC trong mảng xuất nhập khẩu.

Vừa qua Bộ Công thương đã tham mưu cho Chính phủ ban hành rất nhiều văn bản, tạo điều kiện thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Điển hình, chúng tôi đã trình Chính phủ ban hành nghị định 187 ngày 20/11/2013 về hướng dẫn thực hiện Luật Thương mại liên quan đến nội dung buôn bán hàng hóa qua biên giới. Hoạt động xuất nhập khẩu theo tinh thần của Nghị định này  doanh nghiệp được phép kinh doanh, hoạt động xuất nhập khẩu đối với các hàng hóa mà không thuộc diện cấm, tất cả các hàng hoá đều được phép kinh doanh xuất nhập khẩu nếu nó không thuộc diện cấm. Như vậy, các doanh nghiệp được quyền tiếp cận một cách tương đối thông thoáng đối với hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu. Giảm thiểu tối đa các giấy phép, kể cả giấy phép xuất nhập khẩu và giấy phép cấp hạng ngạch nhập khẩu.
 
Cho đến nay, hầu hết các loại giấy phép về xuất nhập khẩu đều được bãi bỏ hết, chỉ trừ có những hàng hóa mà thuộc diện nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng và đến các tập tục văn hóa thì phải có kiểm soát, phải duy trì hình thức cấp phép nhập khẩu và những việc này đều giao cho các Bộ chuyên ngành... Bộ Công thương chỉ cấp hạng ngạch đối với bốn hàng hóa mà chúng ta đã có cam kết với tổ chức thươg mại thế giới là duy trì hạng ngạch nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Trong đó có đường ăn, có muối, nguyên liệu lá thuốc lá và trứng gia cầm các loại. Việc cấp hạng ngạch nhập khẩu này đều phải có sự thống nhất với các Bộ hữu quan.
 
Tóm lại số lượng các giấy phép hiện nay liên quan đến xuất nhập khẩu còn rất ít. Vì thế, đây cũng là một trong những lý do góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta đạt được kết quả trong thời gian vừa qua.
 
Một trong những vấn đề mà người dân hết sức quan tâm hiện nay đó là sự công khai, minh bạch các quy trình cho hoạt động doanh nghiệp; cũng như thái độ phục vụ của công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Bộ trưởng có thể cho biết, vấn đề này sẽ được Bộ Công thương ưu tiên thực hiện như thế nào nhằm giảm tối đa những thủ tục, hay sự phiền hà, sách nhiễu của cán bộ, công chức?

Thứ nhất
, Bộ Công thương, thường xuyên rà soát để bảo đảm rằng những thủ tục này là cần thiết và nếu thủ tục nào không cần thiết thì loại bỏ.
 
Thứ hai, chúng tôi đã đưa lên trang Web của Bộ 227 TTHC trong Ngành Công thương và cung cấp cho cơ sở dữ liệu Quốc gia về TTHC mà hiện nay đang do Bộ tư pháp quản lý. Như vậy, tất cả người dân đều có khả năng tiếp cận rất dẽ dàng với những TTHC của Ngành Công thương. Không ai có thể đặt ra một thủ tục mới, không ai có thể làm sai những thủ tục đã được quy định và tôi cho rằng đây là việc hết sức quan trọng của ngành công thương.
 
Thứ ba, tăng cường giáo dục cán bộ, công nhân viên trong Bộ khi thực hiện các TTHC. Phải thường xuyên nhắc nhở, thường xuyên kiểm tra và nếu có những hành vi nhũng nhiễu hoặc tiêu cực để chúng tôi kịp thời kiên quyết xử lý những sai phạm này.
 
Bên cạnh đó, chúng tôi rất quan tâm tới việc tăng cường phổ biến về các nội dung có liên quan đến TTHC và cải cách TTHC của Ngành Công thương. Bộ Công thương đã phối hợp với một số địa phương như TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số trung tâm kinh tế của cả nước để lấy ý kiến và trao đổi về vấn đề cải cách hành chính. Qua đó, tiếp thu được rất nhiều những đóng góp của xã hội để làm tốt hơn công tác cải cách hành chính của mình.
 
Nhìn chung với sự chỉ đạo kiên quyết của Bộ và sự quan tâm của xã hội cũng như là sự giám sát, kiểm tra thường xuyên của các cấp, các ngành công tác cho nên việc cải cách TTHC đã đạt được kết quả tương đối tốt.
 
Với vai trò tư lệnh ngành, xin Bộ trưởng cho biết các giải pháp trọng tâm để đơn giản hóa TTHC, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong thời gian tới của Bộ Công thương ?
 
Những công việc chúng tôi sẽ làm bao gồm một số những giải pháp chính sau:

Thứ nhất, Bộ Công thương sẽ rà soát lại toạn bộ hệ thống các TTHC của mình, xem có thể giảm được chỗ nào đó thì giảm tiếp, có thể đơn giản hóa ở chỗ nào được thì đơn giản hóa tiếp.
 
Thứ hai, khi xem xét việc ban hành hay quy định những TTHC mới thì đầu tiên phải xem xét sự cần thiết của nó nếu thấy cần thiết thì mới ban hành còn nếu không cần thiết thì thôi.
 
Thứ ba, nếu đã xác định một TTHC là cần thiết thì phải biết rõ nội dung của TTHC đó là cái gì? Muốn làm gì thì làm, nhưng phải theo tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, cho tổ chức và công dân để giảm thiểu yêu cầu về giấy tờ, giảm thiểu những chi phí về thời gian đi lại và chi phí tiền bạc.
 
Thứ tư, thường xuyên công bố, công khai các TTHC như đã nói, không phải chỉ qua mạng, mà kể cả qua các cơ quan thông tin đại chúng, rồi trong hoạt động về tuyên truyền giới thiệu pháp luật.
 
Thứ năm, luôn luôn yêu cầu cán bộ trong thực thi công vụ phải quán triệt, phải thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan đến cải cách hành chính và cải cách TTHC.
 
Thứ sáu, ứng dụng công nghệ thông tin một cách đầy đủ hơn, một cách có hiệu quả hơn để công nghệ thông tin là công cụ đắc lực cho việc thực hiện cải cách TTHC.
 
Hiện nay, chúng tôi đang thực hiện nhiều TTHC ở cấp độ 2 và cấp độ 3, người có nhu cầu được tiếp cận với TTHC thì theo dõi ở trên mạng rồi in biểu mẫu theo thủ tục quy định và hoàn thành biểu mẫu đó gửi cho cơ quan có liên quan trên mạng. Cấp độ 4 đó là cấp độ triệt để nhất, tức là tất cả những nhu cầu của người được giải quyết thủ tục hành chính đều thực hiện qua mạng, đăng ký qua mạng và bên nhận được kết quả cũng qua mạng. Chúng tôi đang phấn đấu giải quyết ở cấp độ 3 và cấp độ 4 tăng hơn so với bây giờ.
 
Cuối cùng, Bộ Công thương phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện cải cách hành chính. Bởi vì, cải cách hành chính của ngành Công thương có nhiều nội dung liên quan đến các bộ, ngành, địa phương mà thiếu sự phối hợp chặt chẽ đó thì chắc chắn TTHC đó sẽ không thể thực hiện được hoặc là nó sẽ tiếp tục gây cản trở cho hoạt động KT - XH của người dân. 
 
Xin cảm ơn Bộ trưởng về cuộc trao đổi này !