Trong đảm bảo thu - chi NSNN, điều quan trọng là ngành Tài chính đã thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật, đồng thời thực hiện miễn, giảm thuế hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp theo Nghị quyết của Quốc hội, đóng góp quan trọng vào việc cùng với chính sách tiền tệ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Nhờ đó, cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, giúp GDP tăng trưởng ngày càng cao trong năm 2013. Tính chung cả năm, GDP cả nước tăng 5,42%. Các nhiệm vụ lớn như an toàn tài chính, nợ quốc gia, nợ nước ngoài, được đảm bảo và quản lý chặt chẽ.
Bên cạnh nỗ lực thu vượt trên 16.000 tỷ đồng so với báo cáo trước Quốc hội; Công tác chi, kiểm soát chi NSNN cũng được thực hiện tiết kiệm, chặt chẽ, nhờ đó đã cắt giảm được 22.700 tỷ đồng. Đây là thành quả lớn, góp phần vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu thị trường tài chính, ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước...
Bước vào năm 2014, bên cạnh những thuận lợi, chúng ta còn rất nhiều khó khăn, hạn chế. Bởi vậy, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã có Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 với các mục tiêu tổng quát, chỉ tiêu chủ yếu cùng các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Các nhiệm vụ lớn gắn với ngành Tài chính đó là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là tập trung kiểm soát lạm phát.
Năm 2014, Chính phủ quyết tâm điều hành lạm phát ở mức dưới 7%; Tỷ giá cơ bản ổn định, giá trị tiền đồng được giữ vững ở mức giảm 1-2%, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay cố gắng đảm bảo như năm 2013. Xuất khẩu không thấp hơn 10% để vừa thúc đẩy sản xuất, vừa đảm bảo cán cân thanh toán, tăng dự trữ ngoại tệ, từ đó đưa tăng trưởng kinh tế của năm 2014 đạt khoảng 5,8%.
Bên cạnh đó, thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội, phấn đấu giảm được từ 1,7 - 2% số hộ nghèo, tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh... Muốn đạt được mức tăng trưởng này thì yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô mang tính quyết định.
Đối với ngành Tài chính, các nhiệm vụ trọng tâm mà Ngành phải thực hiện, đó là:
Thứ nhất, tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp. Duy trì chính sách lãi suất huy động và cho vay ở mức thấp để doanh nghiệp có điều kiện về vốn mở rộng sản xuất, phát triển kinh doanh; Phối hợp trong phát hành và huy động trái phiếu chính phủ; Giảm bội chi xuống dưới mức 5,3%; Giảm nợ công, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia.
Chính sách quản lý giá cần được quan tâm sát sao, không để xảy ra tình trạng đầu cơ gây trục lợi; Kiên định thực hiện giá thị trường theo lộ trình, trước mắt không bù lỗ giá xăng dầu, tiếp đến cương quyết thực hiện giá điện, phân bón, nước, than… theo cơ chế thị trường; Đặc biệt, cần tăng cường và khuyến khích xã hội hóa trong ngành y tế, giáo dục, tính giá dịch vụ theo giá thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch, tính đúng, tính đủ chi phí, đảm bảo lợi ích của người kinh doanh, của Nhà nước và người dân...
Thứ hai là tập trung vào công tác thu NSNN thông qua việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn trốn, lậu thuế, chuyển giá… Đặc biệt là chính sách giảm thu, khoán thu thuế phải chặt chẽ nhằm chống tiêu cực, đảm bảo thu đúng, thu đủ theo quy định và pháp luật.
Thứ ba, quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi tiêu: Năm 2014, ngành Tài chính đặt mục tiêu triệt để tiết giảm chi tiêu, các khoản chi như tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, tổng kết, lễ ký kết, khởi công; chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm... không quá 70% mức dự toán năm 2013, hạn chế đi công nước ngoài, ngoại trừ đi để mở rộng đối ngoại, hợp tác kinh doanh...
Thứ tư, ngành Tài chính phối hợp với ngành Ngân hàng đẩy mạnh triển khai tái cơ cấu, trước mắt là tái cơ cấu đầu tư, chuyển mục tiêu sang đầu tư trung hạn; Tái cơ cấu thị trường tài chính, đảm bảo các thị trường chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm hoạt động lành mạch, vững vàng.
Tập trung tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trong đó đẩy mạnh tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty, cương quyết thoái vốn ngoài ngành, sử dụng đồng vốn hiệu quả. Tiếp tục mở rộng thị trường thông qua thực hiện các hiệp định thương mại. Hiện Chính phủ đang xúc tiến 6 hiệp định thương mại, trong đó, quan trọng là Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TTP) và Hiệp định thương mại tự do với các nước trong Liên minh châu Âu. Đây sẽ là động lực để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng giao lưu thương mại quốc tế.
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh các cải cách hành chính, cải cách thể chế: thông qua hoàn thiện và ban hành các luật, nghị định, thông tư, quyết định, trong đó, quan trọng là các thủ tục hành chính về thuế, hải quan, đảm bảo thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, đồng thời ngăn chặn gian lận về thuế, hải quan... tăng cường nuôi dưỡng nguồn thu, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ thu NSNN năm 2014.
Chính phủ tin tưởng rằng với sự đoàn kết, nhất trí, sự phối hợp đồng bộ với các ngành, các cấp, các địa phương... ngành Tài chính sẽ thực hiện thắng lợi công tác tài chính - NSNN trong năm mới, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của cả nước trong năm 2014.
(*) Lược ghi bài phát biểu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2013 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2014, ngày 30/12/2013. Đầu đề bài viết do Tòa soạn đặt
Tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Tài chính trong năm 2014 (*)
(Tài chính) Trong năm 2013, ngành Tài chính đã thể hiện quyết tâm lớn, nỗ lực cao, thực hiện thắng lợi công tác tài chính - ngân sách, đặc biệt là đã hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong điều kiện khó khăn. Bước vào năm 2014, toàn Ngành phải tập trung thực hiện 5 nhiệm vụ trọng tâm để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.
Xem thêm