Tết Đinh Dậu 2017: Không tăng giá đột biến
Dự báo sức mua không tăng quá cao trong khi nguồn hàng đã được chuẩn bị chu đáo, Bộ Công thương nhận định: Thị trường các mặt hàng thiết yếu dịp Tết Nguyên đán sắp tới sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến. Giá một số mặt hàng có nhu cầu cao và dồn vào những ngày giáp Tết như thực phẩm tươi sống, hoa, quả... có thể sẽ tăng nhẹ.
Chuẩn bị hàng Tết tăng 10% - 15%
Công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Đinh Dậu 2017 đang được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tích cực chuẩn bị. Theo báo cáo của hầu hết các địa phương và doanh nghiệp, lượng hàng phục vụ Tết được chuẩn bị tăng hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 10-15%, chủng loại đa dạng, phong phú, từ bánh, mứt, kẹo, rượu bia, nước giải khát đến các loại thực phẩm tươi sống...
Tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Công thương đã làm việc với các địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang thực hiện kết nối cung cầu, cung ứng và tiêu thụ các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm, rau củ quả, hoa tươi vào hệ thống phân phối và chợ đầu mối của TP.
Đến nay, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho 2 tháng Tết của các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường (chiếm 30-40% thị phần) là hơn 17 nghìn tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng (5,3%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Bính Thân 2016. Ba chợ đầu mối (chiếm 60-70% thị phần) có lượng hàng hóa nhập chợ bình quân trên 8.500 tấn/ngày. Trên địa bàn TP. hiện có 10.304 điểm bán của 4 chương trình bình ổn thị trường, dự kiến đến Tết Nguyên đán sẽ có thêm 248 điểm bán.
Tương tự, các doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội đã chủ động dự trữ hàng hóa tăng 10-15% so với các tháng trong năm. Bên cạnh nguồn cung tại chỗ, TP. đã có kế hoạch khai thác từ các tỉnh, thành khác hoặc nhập khẩu. Hiện nay, mặt hàng thịt lợn, thịt gà, trong thời điểm không có dịch, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Các mặt hàng khác như gạo đáp ứng được 34% nhu cầu, thịt bò 18%; thủy hải sản 5%, thực phẩm chế biến 20-25%, rau củ 65,5%, trứng 62%, rượu, bia, nước giải khát 78%...
Thời điểm cận Tết Nguyên đán, nhiều nhóm hàng bắt đầu tăng giá, đặc biệt là các nhóm hàng thiết yếu, do nhu cầu trong dân tăng và tiểu thương tích trữ đợi bán hàng Tết. Dự kiến mặt bằng giá cả một số nhóm hàng thiết yếu có thể có biến động: Gạo ngon, gạo nếp tăng 2-5%; thịt lợn, thịt gà tăng 10-15%; rau củ tăng 10-20%, hàng khô (măng, miến, mộc nhĩ) tăng từ 8-10%, cây hoa cảnh tăng 20-25%.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, do thời tiết tương đối ổn định, dịch bệnh được kiểm soát nên nguồn cung các mặt hàng thực phẩm, nông sản sẽ vẫn được bảo đảm. Mặt bằng giá hàng hóa không có biến động lớn. Trong khi đó, sức mua khó tăng đột biến trong dịp Tết do kinh tế còn khó khăn, lương thưởng Tết không cao.
“Dự kiến sức mua các mặt hàng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay ước tăng khoảng 10-15% so với các tháng thường trong năm và tăng khoảng 8-10% so với Tết năm trước”, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết. Vì vậy, dự báo thị trường các mặt hàng thiết yếu trong dịp Tết sẽ không có hiện tượng thiếu hàng, tăng giá đột biến. Giá có thể sẽ tăng nhẹ đối với một số mặt hàng có nhu cầu cao và dồn vào những ngày giáp Tết như thực phẩm tươi sống, hoa, quả...
Nhiều doanh nghiệp tự nguyện bình ổn giá
Cũng theo Bộ Công thương, chương trình bình ổn thị trường tiếp tục được triển khai tại nhiều địa phương với nhiều điểm mới. Nguồn vốn dùng để mua dự trữ hàng hóa chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, hạn chế sử dụng nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Đặc biệt, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn không sử dụng vốn ngân sách nhà nước. Theo bà Hồ Thị Kim Thoa, việc tổ chức kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu về vốn với các tổ chức tín dụng để vay với lãi suất ưu đãi, phù hợp đã khuyến khích, mở rộng nhiều doanh nghiệp tự nguyện tham gia bình ổn thị trường và cam kết bình ổn giá mà không cần tới sự hỗ trợ về vốn vay của Nhà nước.
Hiện nay, một số doanh nghiệp với hệ thống phân phối rộng khắp cả nước như Saigon Coop, Big C, Vinmart, Aeon... đã thực hiện bình ổn trong toàn bộ hệ thống. Các địa phương cũng tiếp tục chú trọng tới việc tổ chức tốt hệ thống phân phối để đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn.
Hàng hóa phục vụ Tết được lưu thông qua hơn 8.660 chợ, hơn 810 siêu thị và khoảng 160 trung tâm thương mại, hàng nghìn cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi, chuyến bán hàng lưu động trên khắp cả nước, và bày bán tại các hội chợ xuân, chợ nông sản phục vụ Tết, phiên chợ hàng Việt. Hàng Việt Nam, nhất là bánh mứt kẹo, thực phẩm chế biến ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong hàng hóa phục vụ Tết và chiếm 100% trong danh mục hàng bình ổn thị trường của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn.
Bên cạnh việc chuẩn bị nguồn hàng bình ổn cho thị trường, các địa phương đã chú trọng đến chất lượng, an toàn thực phẩm; kết nối tiêu thụ các sản phẩm an toàn vào hệ thống phân phối nhằm hạn chế tới mức thấp nhất nguy cơ gây hại cho sức khỏe người dân. Tại TP. Hồ Chí Minh, Sở Công thương đã triển khai Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn ứng dụng công nghệ thông tin.